(Tổ Quốc) - Trong danh sách xếp hạng 63 quốc gia thu hút tài năng toàn cầu năm 2018 do Viện Phát triển Quản lý Quốc tế IMD thực hiện, châu Âu tiếp tục thống trị bảng xếp hạng và không có quốc gia châu Á nào lọt vào top 10 danh sách này.
Báo cáo kết quả khảo sát toàn cầu về bồi dưỡng và thu hút tài năng do IMD thực hiện dựa trên một cuộc nghiên cứu khảo sát với hơn 6.000 giám đốc điều hành tại 63 nền kinh tế, mỗi nền kinh tế được khảo sát trên nhiều yếu tố bao gồm sự đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực địa phương, khả năng thu hút và giữ chân lao động có tay nghề cũng như khả năng đáp ứng công việc của các lao động sẵn có tại địa phương.
Trong báo cáo này, Thụy Sĩ một lần nữa giành được vị trí hàng đầu và Đan Mạch xếp thứ hai; Top 10 trong danh sách gồm 63 quốc gia, nền kinh tế thu hút tài năng thế giới bao gồm Áo (4), Canada (6), Thụy Điển (8), Na Uy (3), Hà Lan (5), Phần Lan (7), Công quốc Luxembourg (9), Đức (10), nhưng không có Hoa Kỳ và không có quốc gia châu Á nào.
Thụy Sĩ tiếp tục giữ danh hiệu đất nước thu hút tài năng nhất thế giới, đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp nước này giữ vị trí đầu bảng xếp hạng thu hút tài năng toàn cầu do IMD Business School thực hiện, kết quả này được xem là do sự đầu tư tập trung cho đào tạo kỹ năng và giáo dục. Na Uy đã vượt 4 bậc lên xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng này.
Trong top 10 danh sách này chỉ có duy nhất Canada là nước không ở châu Âu, nước này đã vượt 5 bậc lên xếp thứ 6, còn lại 9 nước khác vẫn giữ chân trong top 10, chỉ khác là thứ hạng có thay đổi.
Thông tin về những số liệu này, Arturo Bris, Giám đốc Trung tâm Cạnh tranh Quốc tế của IMD cho hay "Các nền kinh tế nằm trong top 10 của bảng xếp hạng thường có mức đầu tư cao cho giáo dục công và chất lượng cuộc sống, việc này cho phép họ đồng thời phát triển nguồn nhân lực địa phương và thu hút các nhân lực kỹ thuật cao từ nước ngoài".
Hoa Kỳ vượt 4 bậc lên xếp thứ 12 trong bảng xếp hạng, Bỉ tụt từ thứ 3 xuống thứ 11, Anh quốc tụt 2 bậc xuống thứ 23.
Singapore là nền kinh tế châu Á đứng đầu về chỉ số khi giữ nguyên vị trí thứ 13, trong khi đó Hồng Kông bị tụt sáu bậc xuống đứng thứ 18. Cả hai nền kinh tế này vẫn là những khu vực thu hút các chuyên gia nước ngoài nhưng đầu tư vào giáo dục lại giảm đáng kể.
Báo cáo cũng cho biết, Trung Quốc xếp thứ 39 do gặp phải những trở ngại trong việc thu hút lao động có tay nghề nước ngoài và vì chi tiêu công cho giáo dục vẫn thấp hơn mức trung bình của các nền kinh tế khác.
Các quốc gia Mỹ Latinh nằm trong số ít nước cạnh tranh nhất với Mexico ở vị trí 61 và Venezuela đứng cuối danh sách, ở vị trí 63, nguyên nhân là do cả 2 nước này đều phải chịu cảnh chảy máu chất xám cũng như có mức đầu tư cho giáo dục công thấp.