• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Top 10 địa phương được đánh giá có cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả nhất

Thời sự 09/06/2022 07:54

(Tổ Quốc) - Theo khảo sát PCI 2021, trung bình 87% doanh nghiệp đồng ý rằng “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 83% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”; 75% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục”.

Theo dữ liệu từ khảo sát trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2021, liên quan đến chỉ số Chi phí thời gian, không mấy ngạc nhiên khi Quảng Ninh - quán quân PCI 5 năm liên tiếp vẫn dẫn đầu chỉ số này.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số Chi phí thời gian là một trong những yếu tố quan trọng, được quan tâm hàng đầu khi đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh. Bởi, không có nhà đầu tư, doanh nghiệp nào muốn mất quá nhiều thời gian, sự rườm rà cho việc giải quyết các thủ tục hành chính hay công tác thanh, kiểm tra hoặc dành thời gian tìm hiểu, thực hiện những quy định pháp luật...

Top 10 địa phương được đánh giá có cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả nhất - Ảnh 1.

Xem xét kỹ hơn bảng hỏi, có thể thấy, Đồng Tháp là địa phương được đánh giá có cán bộ nhà nước thân thiện với tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý cao nhất (trên 95%). Xếp thứ hai và thứ ba lần lượt là Vĩnh Phúc và Trà Vinh (trên 93%). Vĩnh Long xếp thứ tư (trên 92%) và Lâm Đồng xếp thứ năm (trên 91%).

Top 10 địa phương được đánh giá có cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả nhất - Ảnh 2.

Dữ liệu từ khảo sát PCI 2021

Các địa phương còn lại trong top 10 là Ninh Thuận, Hậu Giang, Quảng Ninh, Kiên Giang và Bạc Liêu.

Top 10 địa phương được đánh giá có cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả nhất - Ảnh 3.

Dữ liệu từ khảo sát PCI 2021

Với câu hỏi về việc cán bộ nhà nước có giải quyết công việc hiệu quả hay không, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Vĩnh Long tiếp tục được đánh giá cao. 

Ninh Thuận và Trà Vinh được đánh giá cao nhất với trên 96% người trả lời đồng ý rằng cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả.

Kết quả phân tích dữ liệu PCI nhìn chung củng cố quan điểm cho thấy hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Các biểu đồ dưới đây thể hiện mức độ đồng ý của các doanh nghiệp với các nhận định liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính nói chung: (1) Cán bộ giải quyết công việc hiệu quả; (2) Cán bộ thân thiện; (3) Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục; (4) Thủ tục giấy tờ đơn giản; và (5) Thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn so với quy định pháp luật. 

Top 10 địa phương được đánh giá có cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả nhất - Ảnh 4.

Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với từng nhận định này đều tăng trong năm 2021. Cụ thể, 87% doanh nghiệp đồng ý rằng “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 83% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”; 75% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục”. 

Với các nhận định “thủ tục giấy tờ đơn giản” và “thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn so với quy định pháp luật,” tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý lần lượt là 74% và 80%. 

Các kết quả này cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những tiến bộ của các cơ quan nhà nước ở địa phương về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Các địa phương cần tiếp tục duy trì những kết quả tích cực như vậy trong những năm tiếp theo.

Một trong những nỗ lực nổi bật về cải cách thủ tục hành chính trong những năm gần đây là việc ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công. Dịch vụ công trực tuyến đang trở nên phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp. 

Thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cũng được đẩy mạnh thông qua việc triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh. Dù các thủ tục hành chính trực tuyến (đặc biệt là các thủ tục ở cấp độ 3 và 4) vẫn cần nhiều hơn về số lượng và cải thiện hơn về chất lượng, doanh nghiệp hiện tại đã có thể thực hiện hầu hết các thủ tục hành chính chủ yếu trên các nền tảng trực tuyến, chẳng hạn như các thủ tục về thuế, bảo hiểm xã hội hay xuất nhập khẩu. 

Để thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/ NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Nghị định giúp tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường điện tử, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch trực tuyến với các chi phí thấp và từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các cơ quan hành chính nhà nước. 

Kết quả khảo sát doanh nghiệp tham gia PCI 2021 củng cố quan điểm về lợi ích của việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. 57,3% doanh nghiệp đồng ý rằng thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp tiến hành quy trình dễ dàng hơn. 57,1% đồng ý với quan điểm thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến mất ít thời gian hơn; và cũng có 57,1% doanh nghiệp nhận định hình thức này giúp doanh nghiệp ít tốn kém chi phí ít hơn so với hình thức nộp hồ sơ giấy tại cơ quan Nhà nước.

Top 10 địa phương được đánh giá có cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả nhất - Ảnh 5.

Thái Quỳnh

NỔI BẬT TRANG CHỦ