• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên

An ninh trật tự 06/08/2022 18:59

(Tổ Quốc) - Các công nghệ trong lĩnh vực hàng không quân sự đang ngày càng hiện đại và nhiều quốc gia sở hữu những bí mật riêng để cho ra đời những dòng máy bay tiêm kích phản lực tối tân.

Tất nhiên, càng hiện đại, càng tinh vi thì giá thành của máy bay càng trở nên đắt đỏ. Dưới đây là Danh sách 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022 do Tạp chí hàng không Aerotime thống kê.

1. Lockheed Martin F-35B and F-35C: Giá lần lượt là 135,8 và 117,3 triệu USD

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình F-35 của Không quân Hoàng gia Anh

2 biến thể F-35B và F-35C được đánh giá là những chiến đấu cơ mạnh nhất trên thế giới, tuy vậy, giá thành của chúng liên tiếp giảm sâu trong những năm gần đây.

F-35B đắt hơn do nó được thiết kế để cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), trong khi F-35C là phiên bản tiêm kích dùng trên tàu sân bay, 2 loại máy bay này sử dụng chung không quá 30% linh kiện của nhau, điều đó có nghĩa rằng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất 1 loại thì sẽ ảnh hưởng tới loại kia.

Đơn giá ước tính của F-35B là 135,8 triệu USD còn F-35C là 117,3 triệu USD, vì thế không có gì ngạc nhiên khi chúng đứng đầu trong danh sách 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022.

2. EF-2000 Eurofighter Typhoon: Khoảng 124 triệu USD/chiếc

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên - Ảnh 3.

Tiêm kích EF-2000 Eurofighter Typhoon. Ảnh: AFP.

Tiêm kích EF-2000 Eurofighter Typhoon được phát triển bởi tập đoàn Eurofighter GmbH với sự tham gia của Anh, Tây Ban Nha, Italy và Đức.

Nó là loại tiêm kích đa năng 2 động cơ với loạt đầu tiên được ra mắt vào năm 2004. Eurofighter Typhoon được đánh giá là một trong những tiêm kích mạnh bậc nhất thế giới, giá thành mỗi chiếc dành cho các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu là vào khoảng 50 triệu USD/chiếc, tuy nhiên giá xuất khẩu thì cao ngất ngưởng.

Năm 2018 Tập đoàn Airbus đã chào bán cho Ấn Độ tiêm kích Eurofighter Typhoon với giá tới hơn 160 triệu USD/chiếc, nhưng mức giá này được cho là còn rẻ hơn so với tiêm kích Rafale mà quốc gia Nam Á này mua của Pháp.

Các phiên bản mới nhất của Eurofighters và Rafale lần lượt là Tranche 4 và F3-R (hoặc tương đương). EF-2000 có khả năng tấn công đồng thời cả trên không và trên đất liền.

3. Dassault Rafale: Khoảng 115 triệu USD/chiếc

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên - Ảnh 5.

Tiêm kích Dassault Rafale do Pháp chế tạo. Ảnh: AFP

Dassault Rafale được đánh giá là một trong những dòng chiến đấu cơ mạnh mẽ và tốt nhất trên thế giới và mạnh nhất của Pháp.

Hiện có khoảng 237 chiếc Rafale đã được Pháp xuất xưởng, trong đó Ấn Độ đặt mua tổng công 36 chiếc thông qua một hiệp định liên chính phủ với Pháp. Ấn Độ phải chi khoảng 115 triệu USD cho mỗi chiếc Rafale.

4. Chengdu J-20: 100 triệu USD/chiếc

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên - Ảnh 6.

Tiêm kích J-20 do Trung Quốc chế tạo. Ảnh: Alert5/Wikipedia

Không có nhiều thông tin chi tiết về dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 này của Trung Quốc. Giá thành của chúng thì càng khó tính toán.

Dòng tiêm kích tàng hình đa năng 1 người lái thế hệ 5 này đã được sản xuất loạt và đưa vào biên chế Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF), tuy nhiên dường như Trung Quốc sẽ không bao giờ xuất khẩu dòng vũ khí chủ lực của quân đội nước này.

Thay vào đó, trong tương lai gần, họ có thể chào bán ra thị trường quốc tế một dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 khác là Shenyang FC-31, nhưng đến nay chưa có thông tin về đơn giá của nó, tuy vậy có thể ước tính vào khoảng 100 triệu USD mỗi chiếc.

5. McDonnell Douglas F-15EX Strike Eagle: 87,7 triệu USD/chiếc

Bản thân họ tiêm kích F-15 chưa bao giờ có giá rẻ, do vậy đương nhiên, một trong những biến thế mới nhất của nó là F-15EX cũng vậy.

Chúng được kỳ vọng sẽ thay thế các dòng F-15C và F-15D cũ hơn. F-15EX được đánh giá là có khả năng mang tải chiến đấu, tầm bay và tốc độ tốt nhất so với các máy bay tiêm kích thế hệ 4 cùng hạng nhưng chi phí vận hành lại dễ chịu hơn so với tiêm kích thế 5 tiên tiến hơn, bất chấp giá thành của F-15EX còn cao hơn cả F-35A.

Đơn giá cho mỗi giờ bay của chúng F-15EX chỉ vào khoảng 29.000 USD, tuy nhiên, chính phủ Mỹ cũng đang cố gắng đưa chi phí vận hành của F-35A xuống mức 36.000 USD/giờ bay vào năm 2024. F-15EX được đánh giá là sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia.

Theo Tạp chí Air Force Magazine, "dòng tiêm kích mới này được trang bị máy tính mạnh hơn, màn hình hiển thị thế hệ mới, có hệ thống cảnh báo chủ động và thụ động mới, một hệ thống đối kháng điện tử và nhận dang các mối đe dọa".

6. Sukhoi Su-35 Flanker E: 85 triệu USD/chiếc

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên - Ảnh 8.

Tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo. Ảnh: Airforce Technology

Các dòng tiêm kích Nga vốn có tiếng là giá cả hợp lý, tuy nhiên với Su-35 thì không. Trên thực tế, giá xuất khẩu của nó thậm chí còn cao hơn cả Su-57, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mới nhất dùng cho Không quân Nga. Tất nhiên, hiện Su-57 chưa nhận được bất cứ hợp đồng xuất khẩu nào và giá thành của nó không được công bố chính thức.

Vì thế, ít nhất đến thời điểm này Su-35 vẫn đang là dòng tiêm kích Nga có giá đắt nhất. Tiêm kích Su-35 được phát triển từ nền tảng Su-27 huyền thoại, là một trong những chiến đấu cơ đa năng tiên tiến bậc nhất thế giới.

Đơn giá xuất khẩu khá cao nói trên khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, vì cùng phát triển dựa trên Su-27, Su-35 cũng là anh em với Su-30, Su-33, Su-34 và Su-37. Trong khi Su-33 và Su-37 không phải để bán, thì Su-34 và Su-30 lại chỉ có giá bằng 1 nửa so với Su-35.

Chính vì điều này có lẽ đã khiến Nga khó mở rộng được khách hàng cho Su-35, mặc dù một số quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm.

7. Saab JAS 39E/F Gripen: 85 triệu USD/chiếc

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên - Ảnh 9.

Tiêm kích Saab JAS 39E/F Gripen.

JAS 39 Gripen biến thể C và D là tiêm kích đa năng 1 động cơ chế tạo bởi Tập đoàn hàng không Saab AB của Thụy Điển, được đánh giá là tiêm kích rẻ nhất thuộc thế hệ 4 và 4,5 trên thị trường thế giới.

Thậm chí, nếu mặc cả khéo, khách hàng có thể mua chúng với giá chỉ khoảng 30 triệu USD/chiếc mà thôi. Quá đỉnh cho một chiếc tiêm kích tiên tiến.

Tuy nhiên, phiên bản JAS 39E/F Gripen mới nhất với tầm bay xa, tải trọng chiến đấu lớn hơn và được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến dù chi phí vận hành rẻ hơn rất nhiều so với tiêm kích tàng hình thế hệ 5, nhưng đơn giá mua mới 1 chiếc lại cao gấp đôi.

Năm 2012, JAS 39E/F Gripen ước tính giá thành tới hơn 100 triệu USD/chiếc, phải tới vài năm gần đây thì tập đoàn Saab mới cố gắng giảm được giá thành, nhờ vậy sức cạnh tranh của nó đang trở nên tốt hơn trên thị trường thế giới.

8. Lockheed Martin F-35A: 77,9 triệu USD

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên - Ảnh 10.

Lockheed Martin F-35A. Ảnh: Không quân Mỹ.

Mọi thứ về F-35 đều phức tạp. Từ chỗ là một trong những hệ thống vũ khí đắt nhất mọi thời đại, hiện nay Lockheed Martin đã giảm được giá thành cho mỗi chiếc F-35A sẵn sàng sử dụng xuống mức dưới 80 triệu USD, một chỉ số tuyệt hảo.

Dù vậỵ, chi phí vận hành của dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mới nhất này của Mỹ lại thuộc dạng cao nhất thế giới, vì thế mặc dù giá mua mới tương đối rẻ, những để duy trì hoạt động của chúng quá đắt đỏ.

9. Boeing F/A-18E/F Super Hornet: tới 67,4 triệu USD

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên - Ảnh 11.

Boeing F/A-18E/F Super Hornet. Ảnh: Không quân Mỹ

Tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet đi vào hoạt động từ cuối những năm 1990 để thay thế các phiên bản Hornets A, B, C, và D cũ hơn.

Mặc dù nguyên bản và thiết kế gốc của chúng là tiêm kích hạm sử dụng trên tàu sân bay, nhưng thực tế nó lại được một số quốc gia quan tâm đặt mua với những hoán cải nhất định để chỉ sử dụng tại các sân bay trên đất liền.

Phiên bản F/A-18 mới nhất, cấu hình Block III, có nhiều cải tiến lớn với hệ thống điện tử hàng không và vũ khí mới, nhờ đó cho phép Super Hornet có những tính năng tương đương với các máy bay thế hệ 4,5, nhưng giá thành cũng cao hơn.

Biến thể đắt giá nhất của dòng máy bay này là EA-18G Growler, một máy bay tác chiến điện tử chuyên nhiệm, có giá lên tới cỡ 100 triệu USD/chiếc. Mặc dù nó có thể mang vũ khí không đối không và không đối đất, tuy nhiên nó quá chuyên biệt để có thể tiến hành các nhiệm vụ như những chiến đấu cơ thông thường.

10. Lockheed Martin F-16 Block 70/72: 64 triệu USD

TOP 10 tiêm kích đắt nhất thế giới 2022: Trung Quốc bất ngờ được điểm tên - Ảnh 12.

Tiêm kích F-16 Block 70/72. Ảnh: Lockheed martin

F-16 được thiết kế là chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ có thể "song kiếm hợp bích" cùng F-15 hạng nặng. Đơn giá của những biến thể cũ là khoảng 30 triệu USD, rẻ hơn nhất nhiều so với các loại máy bay tiêm kích hiện có trên thị trường, tuy vậy, các phiên bản mới thì lại khá đắt đỏ.

F-16 Block 70 và 72 có rất nhiều công nghệ tới đây sẽ được ứng dụng trên F-16V và F-21, một dòng tiêm kích mới mà Lockheed Martin đang chào bán cho Ấn Độ.

Trong khi chúng ta chưa rõ giá thành của F-21 hay F-16V, đơn giá của mỗi chiếc F-16 Block 70 cho chúng ta cơ sở để dự đoán đơn giá của biến thể tối tân nhất trong họ F-16.

Nga chế tạo tiêm kích Su-35 cho Không quân Ai Cập

N. Tuấn Sơn

NỔI BẬT TRANG CHỦ