(Tổ Quốc) - TP. Hồ Chí Minh báo cáo tình hình thi hành Chỉ thị 814 về tăng cường quản lý hoạt động văn hóa, bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng; TPHCM tổ chức cuộc vận động sáng tác lời mới đờn ca tài tử Nam bộ; Trao giải hội thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2020 là tin văn hóa tiêu biểu tại thành phố mới đây.
- 11.05.2020 Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” tại Hà Nội, Nghệ An, TPHCM, Tuyên Quang và Đồng Tháp
- 20.03.2020 Sở Văn hóa Thể thao TPHCM phát động đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp
- 15.03.2020 CGV đóng cửa toàn bộ cụm rạp trong TPHCM để tránh lây lan dịch Covid-19
- 03.03.2020 Hội Nhiếp ảnh TPHCM tổ chức cuộc thi ảnh chủ đề gia đình
- 20.02.2020 Hoãn tổ chức Hội sách TPHCM lần thứ 11
TPHCM báo cáo tình hình thi hành Chỉ thị 814/CT-TTg về tăng cường quản lý hoạt động văn hóa, bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng
Xác định ý nghĩa quan trọng của Chỉ thị 814/CT-TTg, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung Chỉ thị 814/CT-TTg đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn Thành phố với nhiều hình thức: tập huấn pháp luật; in sách pháp luật; thông qua hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phản ánh, cứu xét cũng lồng ghép tuyên truyền pháp luật để thực hiện tốt Chỉ thị 814/CT-TTg.
Các nhiệm vụ trong Chỉ thị 814/CT-TTg được Sở Văn hóa và Thể thao cụ thể hóa trong các Chương trình hành động, kế hoạch gắn với việc thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội.
Nội dung, hình thức tuyên truyền Chỉ thị 814/CT-TTg được Sở Văn hóa và Thể thao lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực như tuyên truyền cổ động, trưng bày, triển lãm, hoạt động thư viện, các chương trình lễ, hội, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa cơ sở, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở", nông thôn mới, … Phối hợp Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói Thành phố thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Thành phố, các Hội Văn học nghệ thuật thành viên, Thành đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch… đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU ngày 23 tháng 12 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; trọng tâm là thực hiện các kế hoạch sáng tác, quảng bá tác phẩm, sản phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, gắn với đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng thực hành xã hội cho thanh niên, sinh viên, học sinh, thiếu niên, nhi đồng, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Từ năm 2010 đến năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phổ biến pháp luật. Biên soạn 9.250 (chín ngàn hai trăm năm mươi) cuốn sách hệ thống các quy phạm pháp luật về kiểm tra, xử lý lĩnh vực văn hóa – xã hội phát đến quận, huyện, phường, xã. Báo cáo viên pháp luật của Sở phối hợp với 24 quận, huyện tập huấn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ kiểm tra, xử lý trên địa bàn Thành phố, kể cả tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ về các quy định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có các vi phạm liên quan đến mại dâm, tổng cộng 56 (năm mươi sáu) cuộc tuyên truyền với 14.571 (mười bốn ngàn năm trăm bảy mươi mốt) người tham gia.
Thực hiện 48.091 cuộc tuyên truyền với 3.522.813 lượt người dự, 8.414 cuộc tuyên truyền miệng với 697.689 lượt người tham dự, phát hành 58.373.889 tài liệu, tờ gấp tuyên truyền, 52.112 pano, băng rôn, phát hành 1.120.036 tờ tin, bản tin.
Qua triển khai tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền đồng bộ và thường xuyên Chỉ thị số 814/CT-TTg đã góp phần nâng cao ý thức của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức viên chức, người lao động Ngành và các tầng lớp Nhân dân, từ đó chuyển hóa thành hành động tích cực, thể hiện qua việc nhân dân ngày càng tích cực hưởng ứng, tự giác bài trừ, tiêu hủy các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, chấp hành các quy định pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, phòng, chống vi phạm pháp luật và phòng ngừa tội phạm trong hoạt động văn hóa và thể thao; thiết lập trật tự kỷ cương, tuân thủ đúng quy định pháp luật trong các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ các tệ nạn xã hội nghiêm trọng, bảo tồn, phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo vệ môi trường văn hóa và an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời, thông qua thưởng thức và cảm thụ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, các chương trình lễ hội, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, ... hầu hết cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đều tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
TPHCM tổ chức cuộc vận động sáng tác lời mới đờn ca tài tử Nam bộ
Trung tâm Văn hóa (TTVH) TPHCM tổ chức cuộc vận động sáng tác lời mới đờn ca tài tử Nam bộ với chủ đề Tự hào thành phố mang tên TPHCM.
Các tác phẩm tham gia dự thi theo nội dung: Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, những thành quả của quân và dân TPHCM đã đạt được, những tấm gương anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, sự năng động, sáng tạo, nghĩa tình của người dân thành phố; nêu bật những thành tựu kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội trong đó phản ánh sâu sắc quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa,hiện đại hóa đất nước và thành phố.
Mỗi tác giả tham gia cuộc vận động gửi tối đa không quá 5 tác phẩm cho mỗi thể loại: thiếu nhi (20 bài bản tổ nhạc tài tử Nam bộ, các bài bản vắn) và người lớn (20 bài bản tổ nhạc tài tử Nam bộ, bộ bát ngự, oán biến thể, ngoại oán, vọng cổ và các hơi điệu kết hợp). Khuyến khích viết lời ca theo hình thức ca ra bộ. Ban tổ chức nhận bài dự thi đến hết ngày 10-11, tổ chức tổng kết và trao giải vào tháng 12-2020.
Trao giải hội thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2020
Nguồn tin trên SGGP cho biết, sáng 12-7, tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM diễn ra lễ tổng kết và trao giải hội thi "Đại sứ Văn hóa đọc" lần thứ 2-2020.
Giải thưởng nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh thiếu niên, nhi đồng toàn thành; khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho thế hệ trẻ.
Các thí sinh dự thi được chọn 1 trong 3 đề: Chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc một bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc.
Sau hơn 5 tháng diễn ra với 2 vòng thi, ban tổ chức đã nhận được gần 13.000 bài thi tại vòng sơ khảo. Từ gần 1.000 bài thi vòng chung khảo, ban giám khảo đã chấm và chọn trao thưởng cho 74 bài viết, bao gồm 55 giải chính (chia theo cấp học), 3 giải chuyên đề và 16 giải cho trẻ khiếm thị.