• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TP. Hồ Chí Minh có thêm đường sách, thêm cơ hội cho độc giả

Văn hoá 19/09/2017 18:36

(Tổ Quốc) - Theo dự kiến, TP. Hồ Chí Minh có thêm đường sách đường sách thứ hai đã cho thấy sự tăng tốc nhu cầu đọc của độc giả phía Nam.

Những con số “biết nói”

Vào đầu năm 2016 đường sách đầu tiên trên cả nước được triển khai tại đường Nguyễn Văn Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với sự hiện diện của khoảng 20 gian hàng sách, tại đây nhiều hoạt động về sách như giao lưu, ra mắt, tọa đàm, ký tặng sách… thường xuyên diễn ra. Có thể nhìn nhận, trong một khoảng thời gian chưa dài, nhưng đường sách Nguyễn Văn Bình đã trở thành một điểm hẹn của văn hóa đọc, của những người yêu sách. Những người quan tâm đến các thông tin về sách và cả những người chưa có điều kiện về cập nhật các thông tin về sách, có lẽ chỉ cần bớt chút thời gian đến đường sách vào dịp cuối tuần là có thể lấp được phần nào lỗ hổng đó. 

Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2017, lượt người đến đường sách Nguyễn Văn Bình đã tăng lên đáng kể nhất là các dịp cuối tuần. Trong 6 tháng đầu năm 2016 có  khoảng 4000-5000 lượt người thì 6 tháng đầu năm 2017 con số này tăng gần gấp đôi.

Về doanh thu, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã đạt hơn 19 tỉ với, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. 9/16 đơn vị có doanh thu trên 1 tỉ đồng.

Một góc đường sách Nguyễn Văn Bình TP. Hồ Chí Minh. Ảnh:vnuhcm.edu.vn

Cũng trong 6 tháng đầu năm, đường sách đã có gần 300.000 bản sách được tiêu thụ. Trong đó, đáng chú ý, sách thiếu nhi và sách văn học vẫn là những dòng sách nằm trong top bán chạy nhất.

Có lẽ, với những kết quả kể trên, thông tin thành phố Hồ Chí Minh có thêm đường sách thứ hai là một tin mừng đối với văn hóa đọc nói chung và với những người yêu sách nói riêng.

Thêm đường sách, thêm cơ hội cho độc giả

Mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã bàn bạc xây dựng kế hoạch cho đường sách thứ hai tại quận 7 trên tuyến đường Nguyễn Đổng Chi. Dự kiến ngày 20/10 đường sách thứ hai này sẽ đi vào hoạt động.

Trong khi nhiều tỉnh thành trên cả nước còn đang mong mỏi có một đường sách thì Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong đi đầu khi tăng thêm một đường sách. Điều này cho thấy đường sách đã trở thành một địa chỉ tin cậy, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu đọc sách, nhân rộng sự hứng khởi đọc sách trong cộng đồng. Đây là việc không phải ở nơi nào cũng làm được.

Nhà văn Uông Triều từng chia sẻ rằng việc tạo ra các phố sách cũng giống như đem đến một điểm nhấn và động lực. Bởi “điểm nhấn” này vừa thu hút sự chú ý, vừa tạo độ tin cậy và sẽ hiệu quả hơn việc làm tản mạn, bột phát. Do đó, tạo được một không gian về sách là rất cần thiết và rất quan trọng. Nhiều khi phố sách không nhất thiết để độc giả đến mua sách, mà tạo hứng thú cho độc giả, có thể họ chỉ cần đến chơi, đến giao lưu… nhưng rất hữu ích cho văn hóa đọc.

Một góc đường sách Hà Nội. Ảnh: Hà Anh

Lâu nay chúng ta từng rất lo ngại về văn hóa đọc, và dù được sách văn học được cho là một trong những dòng sách bán chạy thì mỗi đầu sách mới của người cầm bút cũng chỉ in tầm 1000-2000 bản. Thế nhưng việc các đường sách được quan tâm, phát triển khiến nhiều người đặt hi vọng về chỗ đứng của sách và sự quan tâm của độc giả trong đời sống ngày nay. Ít ra, trong một thành phố lớn, sách vẫn là sản phẩm tinh thần được chú ý. Và ít ra, làm sách cũng vẫn là một ngành nghề có lãi.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều rằng, độc giả thành phố Hồ Chí Minh có những đặc điểm riêng: chấp nhận mọi dòng sách, mọi phong cách viết từ hàn lâm đến giải trí, thị trường; chịu bỏ tiền mua sách, số lượng người đọc sách đông đảo… Còn các cây bút năng động, có nhiều hướng tiếp cận độc giả, không ngại PR, quảng bá sách… đây chính là đòn bẩy khá hữu hiệu tạo nên sự gắn kết và phát triển của văn hóa đọc. Ở những nơi khác, nếu thiếu đi những yếu tố kể trên e rằng để lượng người đọc sách tăng lên thì phải cần một thời gian dài, và việc có đến hai đường sách trong một thành phố là mơ ước của nhiều người

 

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ