(Tổ Quốc) - Nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực Khu đô thị mới An Vân Dương (TP Huế) không khỏi lo lắng khi trục đường chính Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp nền đường đang được nâng cao, nguy cơ sẽ tạo thành đê chắn nước gây ngập úng trong mùa mưa lũ.
- 19.05.2021 Clip: Mưa lớn, kẹt xe kéo dài giờ tan tầm ở Sài Gòn, CSGT dùng tay thông cống thoát nước
- 19.06.2020 Nam sinh nhặt rác khơi cống thoát nước và ước mơ tuyệt đẹp: Muốn làm nghề điện để giúp đỡ bà ngoại, mong trái đất không còn nhiều rác
- 10.06.2020 Mưa giải nhiệt ở Hà Nội giữa đợt nóng kỉ lục: Người thích thú, kẻ chật vật mở nắp cống để thoát nước
Đường nâng cao, dân lo ngập
Theo tìm hiểu, hạng mục nâng cấp đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp (TP Huế) thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – tiểu dự án Thừa Thiên Huế, Dự án được Thủ tướng phê duyệt danh mục đầu tư tại Quyết định số 392/QĐ-TTg ngày 10/3/2016 và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 29/4/2016.
Quy mô tuyến đường Tố Hữu mặt đường rộng 21m, hè phố mỗi bên rộng 6m, dải phân cách rộng 27m. Quy mô tuyến đường Võ Nguyên Giáp mặt đường rộng 21m, hè phố mỗi bên rộng 11,0m, dải phân cách rộng 57m.
Hạng mục nâng cấp đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp bao gồm 2 gói thầu. Cụ thể, gói thầu số 26 gồm cây xanh, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng các trục sinh thái trung tâm Khu đô thị mới An Vân Dương, do Công ty Cổ phần Thành Đạt thực hiện. Hạng mục xây dựng gói thầu gồm xây dựng hệ thống thoát nước mưa, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh, hệ thống cấp nước tưới cây, họng cứu hỏa, xây dựng vỉa hè. Tổng chi phí xây dựng của gói thầu là 141,5 tỷ đồng, gói thầu được khởi công từ ngày 10/10/2019, ngày dự kiến hoàn thành 10/10/2023.
Gói thầu số 39 gồm xây dựng đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp (phần nâng cao độ) và di dời trạm biến áp, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 thực hiện. Hạng mục xây dựng gói thầu gồm nâng cao độ mặt đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, xây dựng 2 cống hộp ngang đường di dời trạm biến áp và ngầm hóa đường dây trung hạ thế. Sau khi hoàn thiện, 2 tuyến đường này sẽ cao hơn so với hiện tại khoảng nửa mét. Tổng chi phí xây dựng của gói thầu là 92,5 tỷ đồng, gói thầu được khởi công từ ngày 4/3/2022, ngày dự kiến hoàn thành 4/9/2023.
Theo ghi nhận, hiện nay, đơn vị thi công đang triển khai thực hiện các hạng mục của 2 tuyến đường này. Tuy nhiên, việc triển khai nâng cấp đường khiến cho nhiều hộ dân đang sinh sống cạnh tuyến không khỏi lo lắng bởi nếu mặt đường được nâng lên quá cao sẽ khiến cho việc thoát nước diễn ra chậm, trong khi đây vốn là khu vực hay bị ngập lụt vào mùa mưa lũ.
Theo ông N.V.C, người dân trú tại tổ 1, phường An Đông (TP Huế), bình thường vào mùa mưa lũ khu vực họ sinh sống thường xuyên xảy ra ngập lụt. Bây giờ mà nâng đường lên, khi mùa mưa lũ về, nước sẽ rất khó thoát đi, tình trạng ngập lụt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. "Nhìn mặt đường được nâng cao như vậy, thì đó sẽ không khác gì một bờ kè giữ nước lại vào mùa mưa lũ cả", ông C. nói.
Phương án chống ngập thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA Chương trình phát triển các đô thị loại II cho biết, việc nâng cao độ các tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp trước hết là hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân Khu A và Khu B – Đô thị mới An Vân Dương. Ngoài ra, sẽ hình thành các trục đường chính có khả năng cơ động bằng cơ giới để cứu hộ, cứu nạn các khu dân cư trong vùng khi xảy ra lũ lụt.
Trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2020, TP Huế bị ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão lớn, gây mưa lớn kéo dài làm nước các sông dâng cao gây ngập hầu hết toàn bộ hệ thống đường giao thông trên địa bàn thành phố nói chung và địa bàn Khu đô thị mới An Vân Dương nói riêng. Các trục đường chính trong khu An Vân Dương đã hình thành đều ngập nước hoàn toàn dẫn tới giao thông ngưng trệ, đi lại rất khó khăn.
Do đó, việc điều chỉnh nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu (đoạn từ cầu Phát Lát đến đường Võ Văn Kiệt); đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ đường Trường Chinh nối dài đến đường nối từ đường Phạm Văn Đồng với đường Võ Văn Kiệt) và nâng cao độ các tuyến đường thuộc khu hành chính tập trung kết nối với tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp và đường mặt cắt 36m nhằm thích ứng tình hình ngập lụt, tăng trưởng xanh theo hướng bền vững và giảm thiểu ùn tắc giao thông là thật sự cần thiết.
Cũng theo đại diện Ban QLDA, theo hiện trạng địa hình khu vực, mức nước lũ hàng năm và Quy hoạch san nền phân Khu A, B – Đô thị mới An Vân Dương hướng thoát nước lũ theo hướng từ Tây sang Đông. Tại đồ án Quy hoạch thoát nước phân Khu A, B, ngoài hệ thống thoát nước mưa, trong khu vực xây dựng các kênh đào nối thông các sông Phát Lát, An Cựu, Như Ý và xây dựng các hồ điều hòa để giảm thiểu tình trạng ngập lũ khi nâng cốt cao độ tuyến đường.
"Trước mắt, để giảm thiểu tình trạng ngập úng khi nâng cốt cao độ 2 tuyến đường, đơn vị thiết kế đã thiết kế bổ sung các cống ngang đường. Cụ thể, bổ sung 1 cống hộp 4x4m tại vị trí cống 3 cửa trên đường Võ Nguyên Giáp trùng với vị trí mương quy hoạch nối từ hói Phát Lát đến kênh sinh thái; bổ sung 1 cống hộp 2x4x4m trên đường Tố Hữu trùng với vị trí mương quy hoạch nối từ hói Lăng Xá Cồn đến sông Như Ý", ông Võ Văn Việt thông tin.