(Tổ Quốc) - Thông tin trên được Đại tá Lê Tấn Bửu-Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM công bố tại buổi họp báo liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn và chống ngập diễn ra trong ngày 26/9.
Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) tê liệt sau cơn mưa lớn |
“Đến thời điểm 14 giờ, ngày 27/9 lực lượng Cảnh sát PCCC vẫn đang tiếp tục hút nước chống ngập tại 2 điểm ngập úng là Bãi xe trên đường Nguyễn Siêu, quận 1 và Trường CĐ Giao thông vận tải, quận Tân Phú” - Đại tá Lê Tấn Bửu nói.
Theo Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, trong ngày “đại hồng thủy” trên địa bàn toàn thành phố lực lượng đã tiếp nhận và xử lý 21 vụ cháy, 4 vụ cứu nạn cứu hộ và 44 vụ ngập úng cần cứu hộ.
Lực lượng chức năng đã kịp thời cứu hộ 2 người bị kẹt trong thang máy tại Chung cư Miếu Nổi (quận Phú Nhuận), 1 đối tượng sử dung ma túy có ý định nhảy lầu tự tử và vớt được 1 thi thể nạn nhân tại sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp).
Về công tác cứu hộ, cứu nạn do ngập úng, lực lượng Cảnh sát PCCC đã điều động 63 lượt xe cùng 381 cán bộ chiến sĩ và 70 máy bơm tham gia hút nước chống ngập tại 44 điểm ngập úng.
Cụ thể, quận 7 - 10 điểm ngập, quận Phú Nhuận - 8 điểm ngập, quận Tân Bình - 5 điểm ngập, quận Thủ Đức - 4 điểm ngập, quận 11 - 4 điểm ngập, quận 10 - 3 điểm ngập…Ngoài ra còn có 21 điểm ngập úng tại các tòa nhà, cao ốc; nhà dân 22 điểm và hầm chui (1 điểm).
Theo đánh giá sơ bộ, trong ngày hôm qua đã có 114 ô tô các loại và 1.228 xe máy bị ngập nước đã được lực lượng Cảnh sát PCCC bơm nước, ứng cứu kịp thời.
Còn theo của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM điểm ngập sâu nhất trong trận “đại hồng thủy” ngày hôm qua là ở đường Nguyễn Hữu Cảnh với mực nước đo được là 0,5 m.
Nhiều xe máy chết máy trong trận "đại hồng thủy" trong ngày 26/9 |
Báo cáo nhanh của công ty, cho thấy toàn thành phố có 59 khu vực ngập nặng, giao động từ 15 cm-50 cm. Cụ thể, khu vực Tân Hóa – Lò Gốm có 9 điểm ngập, trong đó đường An Dương Vương (đoạn gần Tân Hòa Đông) ngập sâu nhất đạt 35 cm; các tuyến đường Mai Thị Lựu, đường 3/2, Tô Hiến Thành nước dâng cao từ 20-30 cm…
Trước thực trạng một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập trong thời gian mưa, như: đường Phan Xích Long, đường Trường Sơn, đường Song Hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân..., Trung tâm Chống ngập TP.HCM, cho biết nguyên nhân ngập là do tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) nên khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy.
Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch phổ biến nhưng xử lý còn chậm và một số dự án thoát nước đang triển khai thi công nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu.
Nhiều thanh niên đi bắt cá trên Quốc lộ 1k, đoạn giáp ranh với TP.Biên Hòa vào lúc 22 giờ 15 phút ngày 26/9 |
Đến thời điểm 18 giờ 20 phút, ngày 27/9 trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương (khu vực Thị xã Dĩ An) trời lại đổ mưa và cơn mưa đã kéo dài gần 1 giờ đồng hồ.