(Tổ Quốc) - Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục tiếp nhận hồ sơ để chi hỗ trợ cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hoạt động này nhằm thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cụ thể, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM giao Trung tâm Dịch vụ việc làm hoặc các chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm đặt tại TP.Thủ Đức, các quận 4, 6, 12, Tân Bình và huyện Củ Chi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và giải quyết trong vòng 5 ngày làm việc. Trong đó, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố hoặc các chi nhánh phải rà soát, đối chiếu, tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ trình dự thảo cho Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; một ngày tiếp theo giám đốc sở ký phê duyệt danh sách, kinh phí và ngày cuối cùng kể từ khi nhận được quyết định, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức chi trả cho người lao động (qua tài khoản hoặc trực tiếp).
Người lao động có nhu cầu có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố hoặc các chi nhánh của trung tâm. Thời gian nhận hồ sơ chậm nhất hết ngày 31.1.2022.
Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, mức hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3,71 triệu đồng/người. Người lao động mang thai hoặc đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em.
Điều kiện để được hỗ trợ, đó là người lao động phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động (trong thời gian từ ngày 1.5 đến hết ngày 31.12.2021) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Đối tượng áp dụng là người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi đầu tư; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19...