(Tổ Quốc) - Năm thứ 2 Chương trình Bình ổn thị trường tại TP.HCM được triển khai, chuẩn bị hàng hoá phục vụ dịp Tết Ất Tỵ 2025 trên địa bàn TP.HCM, Sở Công Thương cho biết, Chương trình được triển khai hiệu quả, doanh nghiệp tham gia Chương trình chấp hành nghiêm quy chế, thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong điều phối cung - cầu, dự báo tình hình giá cả thị trường Tết trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định, Sở kiên quyết không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ.
- 25.12.2024 Home Credit lan tỏa tinh thần "Tết Nhà là Vô Giá" qua chiến dịch ý nghĩa
- 24.12.2024 Booking.com gợi ý cách du lịch tiết kiệm vào ngày Tết, từ đặt vé máy bay đến lựa chọn nơi lưu trú
- 23.12.2024 Thủ tướng chỉ đạo giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy dịp Tết
- 19.12.2024 Sắm hàng tết chỉ từ 1.000 đ tại Co.opmart và Co.opxtra
- 04.12.2024 Saigon Co.op sẵn sàng hàng hóa phục vụ mùa kinh doanh Tết Ất Tỵ 2025
Ngày 25/12, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, dịp Tết Ất Tỵ năm nay, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản…
Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…
Sở Công Thương phối hợp UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…
Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết.
Giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn 05% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, Chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết.
Bên cạnh đó, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.
Về hoạt động kết nối cung cầu, Hội nghị kết nối cung cầu năm 2024 có chủ đề "Kết nối trách nhiệm - Hướng đến chuỗi cung ứng xanh" được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 700 gian hàng, hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước tìm kiếm cơ hội kết nối với các chợ đầu mối, tập đoàn bán lẻ và sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.
Chương trình Kết nối cung cầu là một hoạt động cấp vùng, cụ thể hóa cam kết của Lãnh đạo Thành phố. Đây là hoạt động kết nối 02 chiều, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Thành phố, đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng Thành phố, nhất là các dịp Lễ, Tết.
Qua đó, dịp Tết Ất Tỵ 2025, người dân Thành phố được tiếp cận hàng nghìn đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng miền trên cả nước; nhiều hệ thống phân phối có khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP như Coopmart, GO!, BigC, Top Market, Satra, MM Mega Market…; nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng Thành phố đón nhận như Yến Đảo Cần Giờ, dừa sáp sợi - VICOSAP, hạt điều rang muối Hà My, nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn, trà hoa vàng Quy Hoa, trà đinh Hoài Trung, mật hoa dừa Trà Vinh Farm…
Sở cũng cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, tiêu dùng thiết yếu…
Phối hợp các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết… đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng và chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường. Đồngt thời, phối hợp chặt chẽ hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu, ưu đãi nhằm giảm áp lực tăng giá bán…
Đồng thời, tăng cường tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân. Riêng Chương trình Bán Hàng Lưu Động - Bình Ổn Thị Trường Tết 2025 với chủ đề "Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương" được tổ chức đồng loạt từ ngày 10/12/2024 đến hết ngày 05/01/2025 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, ứng dụng thanh toán không tiền mặt, kết hợp nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá sâu và trao tặng "Giỏ quà yêu thương" đến những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.