• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TP.HCM loay hoay tìm giải pháp gỡ rối giao thông

Thời sự 30/03/2016 05:56

(Tổ Quốc)- Các chuyên gia đề xuất và kiến nghị giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông...

(Tổ Quốc) – Xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật, cơ cấu tổ chức về quản lý giao thông đô thị; khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng;… là những giải pháp mà các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đề xuất và kiến nghị ở Hội thảo “Các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.HCM” diễn ra trong ngày 29/3 tại TP.HCM.

Ông Trần Quang Lâm-Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: Tính đến ngày 15/3 số lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn đã lên đến 7.537.109 xe mô tô và ô tô, tăng 6,77% so với cùng kỳ 2015. Ngoài ra, mỗi ngày có hàng triệu xe mang biển kiểm soát của các tỉnh thành khác vào thành phố học tập và làm việc nên tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông vốn đã nghiêm trọng lại càng nghiêm trọng hơn, nhất là vào giờ cao điểm.

“Số lượng phương tiện lưu thông gia tăng nhưng quỹ đất dành cho giao thông hiện nay rất thấp và việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cũng thấp - chỉ khoảng 2% trên tổng diện tích đất đô thị. Trong khi đó, loại hình vận tải hành khách công cộng mới chỉ đảm nhận được 9,8% tổng nhu cầu đi lại của người dân… những yếu tố này cũng góp phần làm quá tải cho toàn bộ hệ thống giao thông đô thị của thành phố” -  ông Trần Quang Lâm, nói.



Vòng xoay Hàng Xanh thường xuyên xảy ra ùn tắc (ảnh: G.Thanh)

Tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa-Phó chủ tịch Hội qui hoạch và phát triển đô thị TP.HCM-, cho biết những năm qua TP.HCM đã thực hiện rất nhiều giải pháp khác nhau nhưng mức độ thành công chưa cao bởi chính những giải pháp này lại phải đối mặt với vô vàn thách thác và luôn có nguy cơ đổ vỡ, không hiện thực hóa được

Minh chứng cho quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, cho biết cách đây 5 năm, kẹt xe chủ yếu là ở các cửa ngõ vào thành phố, các điểm giao nhau của các trục đường chính và vào hai khung giờ cao điểm sáng, chiều, còn nay hầu như kẹt xe triền miên và vào bất cứ thời gian nào; số giờ kẹt xe lâu hơn, thường mỗi lần kẹt ở các cửa ngõ thành phố kéo dài 2 đến 3 giờ, thậm chí ở các cây cầu huyết mạch, các giao lộ và các trục chính có thể lên đến 6 giờ. Kỷ lục kẹt xe lâu nhất là 11 giờ và hàng xe kéo dài hơn 40km.

Còn theo phân tích của PGS.TS Hồ Thanh Phong-Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), tình trạng ùn tắc giao thông là do cung vượt quá cầu. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất. Vì vậy, nếu thành phố không có phương án cải thiện mạnh mẽ thì tình hình giao thông sẽ ngày càng xấu đi.

Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiện ĐH Quốc tế đang nghiên cứu và đã thiết kế một hệ thống giao thông thông minh ở dạng mẫu. Hệ thống này bao gồm các khối chức năng như khối thu thập thông tin, xử lý thông tin và mô phỏng, khối điều khiển, khối hiển thị thông tin…

Do đó, PGS.TS Hồ Thanh Phong đề xuất thành phố cần nhanh chóng phê duyệt để triển khai xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên diện rộng. “Việc triển khai xây dựng hệ thống giao thông thông minh này dù muộn nhưng còn hơn không làm” - PGS.TS Hồ Thanh Phong nói.

Trước những vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, cho rằng thành phố cần thay mô hình phát triển từ đơn cực sang đa cực, phát triển các thành phố vệ tinh trong vùng đô thị. “Cốt lõi” của mô hình này là tìm kiếm mô hình quy hoạch không gian hợp lý và một khi tổ chức không gian cư trú hợp lý thì bài toán giao thông cũng vì thế mà giảm bớt áp lực; giảm bới phát triển theo kiểu nén vào khu vực trung tâm và phát triển đa dạng các loại hình giao thông.

Về vấn đề đa dạng các loại hình giao thông, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, cho rằng hiện TP.HCM đã và đang bắt đầu kêu gọi đầu tư các loại hình giao thông mới như phát triển hệ thống metro; phát triển hệ thống monorail trên cao; phát triển xe minibus của tư nhân; khôi phục lại hệ thống giao thông thủy; phát triển đường giao thông liên vùng, khép kín đường vành đai và làm các cầu mới có tải trọng lớn và mặt cầu rộng hơn; hạn chế xe máy và xe hơi, khôi phục lại xe đạp.

“Tuy nhiên, để cho các giải pháp trên trở thành hiện thực đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 thì chính quyền TP.HCM phải tìm ra hướng đầu tư ưu tiên, huy động nguồn lực và sự đồng thuận của người dân” - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Đông-Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông là một bài toán tổng thể, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề quan trọng trong giao thông đô thị là quy hoạch. Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được triển khai đến 2020 của thành phố phải thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm… Song song đó, cần phải nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng .

Gia Thanh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ