(Tổ Quốc) - Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 7 - 17/3, tại khu vực trung tâm thành phố và khắp các điểm đến văn hóa, du lịch tại thành phố với nhiều hoạt động đặc sắc nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Áo dài truyền thống Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước.
Sáng 1/3, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức thông tin về Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2024 với chủ đề "Tôi yêu Áo dài Việt Nam". Đây cũng là sự kiện đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển và tiếp tục duy trì các chương trình, hoạt động hưởng ứng lễ hội Áo dài TP.HCM, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa độc đáo hàng năm.
Theo đó, Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2024 có sự tham gia đồng hành với vai trò đại sứ hình ảnh của hơn 20 khách mời, người nổi tiếng đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, hoa hậu, người đẹp, ca sĩ diễn viên, travel blogger..
Bên cạnh đó, lễ hội cũng nhận được sự tham gia hưởng ứng của 30 nhà thiết kế áo dài nổi tiếng đến từ nhiều địa phương trên cả nước với những bộ sưu tập đặc biệt thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam, của TP.HCM và các bộ sưu tập được đặt hàng thiết kế dành riêng cho lễ hội cùng các bộ sưu tập áo dài thiếu nhi ấn tượng.
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Lễ hội Áo dài TP.HCM với chủ đề Tôi yêu Áo dài Việt Nam lần thứ 10 năm 2024 được tổ chức với các hoạt động đa dạng mang tính tương tác cao với cộng đồng. Đến với Lễ hội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bộ sưu tập áo dài đặc sắc đến từ 30 nhà thiết kế áo dài hàng đầu của cả nước cùng sự tham gia đồng hành của 22 văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, các hoa hậu, á hậu… với vai trò đại sứ hình ảnh cho Lễ hội.
Lễ hội Áo dài TP.HCM không chỉ là một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mà còn là động lực phát triển kinh tế quan trọng của thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch và mang lại doanh thu đáng kể cho các doanh nghiệp địa phương.
Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2024 gồm chuỗi hoạt động tổ chức tại các địa điểm: Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Lam Sơn, Nhà Văn hóa Thanh niên, Bảo tàng Áo dài, Công viên bờ sông Sài Gòn Thủ Đức... và tại các di tích lịch sử, di tích văn hóa, điểm đến du lịch, các công trình tại TP.HCM.
Theo đó, Chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM diễn ra tối 7/3 tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đường Nguyễn Huệ. Chương trình gồm 2 chương: "Áo dài - Tâm hồn Việt, Văn hóa Việt" và "Áo dài ra thế giới".
Trong đêm khai mạc, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài nổi bật được chế tác công phu, tài hoa từ bàn tay khéo léo và sáng tạo của các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng, không chỉ mang đậm niềm tự hào dân tộc mà còn góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Chương trình đồng diễn áo dài dự kiến diễn ra sáng 8/3 tại khu vực tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ. Đây cũng là sự kiện chào mừng 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 với điểm nhấn là hoạt động đồng diễn trang phục áo dài với sự tham dự của khoảng 5.000 người từ các độ tuổi, giới tính khác nhau.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Áo dài - Sắc màu TP.HCM" diễn ra tối 8/3 tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ, nhằm định hướng thẩm mỹ và xu hướng sử dụng áo dài trong đời sống hàng ngày của người dân thành phố thông qua các thiết kế sáng tạo, mang tính nghệ thuật nhưng vẫn giữ nguyên vẹn giá trị truyền thống của áo dài Việt Nam.
Không gian triển lãm và tương tác với áo dài diễn ra từ ngày 7 - 17/3 tại khu vực tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Lam Sơn, Khu vực trưng bày thuộc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) và các địa điểm du lịch khác trên địa bàn thành phố với các cụm trưng bày, triển lãm thông tin về lịch sử phát triển của chiếc áo dài qua các thời kỳ, hành trình 10 năm phát triển của lễ hội, các khu vực giới thiệu các sản phẩm gắn với áo dài như vải vóc, tơ lụa, phụ kiện...
Tọa đàm "Nét đẹp Áo dài Việt và hội nhập quốc tế" có sự tham gia của nữ tổng lãnh sự, phu nhân tổng lãnh sự và cán bộ đang công tác tại cơ quan ngoại giao, đoàn khách quốc tế trên địa bàn thành phố tham dự buổi giới thiệu lịch sử của Áo dài trong đời sống người Việt Nam, quảng bá về giá trị của Áo dài và tư vấn lựa chọn áo dài phù hợp, góp phần quảng bá du lịch TP.HCM, tạo môi trường giao lưu văn hóa giữa các nước, đưa chiếc áo dài gắn bó và gần gũi hơn với bạn bè quốc tế.
Cuộc thi "Duyên dáng Áo dài TP.HCM", cuộc thi vẽ trên Áo dài, cuộc thi Áo dài online với chủ đề "Áo dài và 100 điều thú vị của TP.HCM", cuộc thi thiết kế logo kỷ niệm 10 năm Lễ hội Áo dài TP.HCM cũng sẽ diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM.
Đồng thời, ban tổ chức cũng xây dựng chương trình kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật nhằm thu hút khách đến thành phố trong thời gian diễn ra Lễ hội Áo dài 2024.
Bà Nguyễn Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM nhấn mạnh, Lễ hội Áo dài TP.HCM là một hoạt động văn hóa - du lịch thường niên của ngành du lịch thành phố. Qua 9 lần tổ chức, lễ hội nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân thành phố, du khách trong nước và quốc tế, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Việt Nam, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.
Ban Tổ chức kỳ vọng những hoạt động trong Lễ hội Áo dài thành phố sẽ tạo được sự lan tỏa và hưởng ứng của nhân dân và du khách; nhất là công chức, viên chức, người lao động nữ hưởng ứng qua việc mặc áo dài trong các hoạt động tiếp dân, tại công sở trong thời gian diễn ra Lễ hội.