• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TP.HCM nóng oi bức, trẻ em nhập viện tăng cao: Bác sĩ Nhi đưa khuyến cáo

Sức khỏe 26/04/2023 11:04

(Tổ Quốc) - Tiết trời nắng nóng, mưa bất chợt khiến số lượng trẻ nhập viện về bệnh lý tiêu hóa trong thời gian vừa qua tăng cao, có thời điểm lên đến 150 - 160 bệnh nhi điều trị tại khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 2, TP.HCM.

Theo BS.CK1 Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó trưởng khoa - Quyền điều hành khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 2 cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến thời điểm hiện tại, số lượng bệnh nhi tại khoa Tiêu hóa luôn ở mức trung bình cao với tỷ lệ khoảng 2/3 bệnh nhi nhiễm khuẩn đường ruột.

Trẻ em thường nôn ói, mất nước sau khi ngộ độc thực phẩm, bác sĩ đưa ra cách xử lý cho bố mẹ - Ảnh 1.

Số lượng bệnh nhi nhập viện tại khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 2 ở mức trung bình cao

Nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ em

Theo BS. Thủy, ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực, là tình trạng bệnh nhi bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các chất bảo quản, chất phụ gia… vượt quá liều lượng cho phép.

"Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, bệnh nhi có thể khỏe lại sau vài ngày, trong trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời", BS.CK1 Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ.

Với tình hình thời tiết TP.HCM hiện tại, mùa nắng nóng kèm theo những cơn mưa bất chợt, bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ em cũng gia tăng, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi với rất nhiều nguyên nhân.

Trẻ có thể bị ngộ độc do vi khuẩn, độc độc tố vi khuẩn Salmonella, Staphylococcus, Clostridium botulinum, nấm Aflatoxin hay do ký sinh trùng sán lá gan nhỏ gây ra. Ngoài ra, trẻ còn bị ngộ độc do nhiễm các kim loại nặng lẫn trong thực phẩm như asen, chì, thủy ngân, selenium, sự tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật, các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm không được phép sử dụng, hoặc dùng quá liều lượng, quá thời hạn.

Các trẻ ngộ độc thực phẩm thường đến bệnh viện trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, thiếu nước...

"Thường thì các bé nhập viện trong bệnh cảnh ói, tiêu chảy, đi phân lỏng nhiều nước, sốt, đau bụng dữ dội. Ở một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị co giật, sốt li bì, bứt rứt, nhập viện trong tình trạng sốc mất nước nặng gây ra trụy tim mạch rất nguy hiểm. Thông thường, một em bé bị nhiễm trùng đường ruột có biểu hiện ói hay tiêu chảy cần phải được bù nước, nếu không bù nước kịp sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc tổn thương đến các cơ quan khác của cơ thể", BS. Thủy nhấn mạnh.

Bố mẹ cần làm gì khi phát hiện con có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm?

Theo BS.CK1 Nguyễn Thị Thu Thủy, BV Nhi đồng 2 cho biết thường những bệnh nhi nhập viện khi ngộ độc thực phẩm rơi vào các trường hợp nặng, bố mẹ ở nhà không thể xử lý được. Vì vậy, để phân biệt được trẻ rối loạn tiêu hóa nhẹ có thể tự điều trị ở nhà hay phải đến các cơ sở y tế để cấp cứu, chữa trị, bố mẹ cần lưu ý các điểm sau.

BS.CK1 Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng khoa, Quyền điều hành khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 2, TP.HCM

Đối với trẻ rối loạn tiêu hóa nhẹ, có thể điều trị tại nhà khi thấy trẻ vẫn sinh hoạt, vui chơi bình thường, ăn uống được, đi tiêu phân không có máu, không có các triệu chứng khác thì trẻ cần được bù đủ nước, ăn chế độ lỏng, dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn. Bố mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng các thuốc cầm tiêu chảy vì một số loại thuốc sẽ gây tác dụng phụ làm giảm nhu động ruột, gây liệt ruột, chướng bụng.

Đối với trẻ có dấu hiệu khó thở, mệt, xanh tái, co giật, sốt cao li bì khó đánh thức, đi tiêu rất nhiều lần phân lỏng, có máu trong phân, ói tất cả mọi thứ sau khi ăn, ăn uống kém, sốt cao khó hạ… thì nhất định phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để chữa trị.

Trẻ em thường nôn ói, mất nước sau khi ngộ độc thực phẩm, bác sĩ đưa ra cách xử lý cho bố mẹ - Ảnh 4.

Việc nhận biết các dấu hiệu của trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể giúp trẻ được can thiệp, xử lý kịp thời, đúng cách, tránh nguy hiểm đến tính mạng

"Trong một số trường hợp không được chăm sóc đúng, can thiệp không kịp thời sẽ khiến trẻ sốc do mất nước nặng, nhiễm khuẩn, đe dọa đến tính mạng hoặc để lại di chứng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác", BS.CK1 Nguyễn Thị Thu Thủy nói.

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn tiêu hóa ở trẻ em, BS.CK1 Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi, tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là uống vaccin ngừa Rotavirus. Việc bảo quản, lựa chọn thức ăn rõ nguồn gốc, xử lý rác thải, phân của em bé đúng cách, tách biệt trong việc chế biến đồ sống – đồ chín cũng giúp hạn chế gây ra bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ.

Trẻ em thường nôn ói, mất nước sau khi ngộ độc thực phẩm, bác sĩ đưa ra cách xử lý cho bố mẹ - Ảnh 5.

BS.CK1 Nguyễn Thị Thu Thủy đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn, bảo quản thực phẩm giúp trẻ phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa

"Không nên để thức ăn ở ngoài quá lâu vì thời tiết nắng nóng có thể gây hư hỏng, ôi thiu. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cũng cần ở nhiệt độ phù hợp trong khoảng thời gian cho phép. Đối với chế biến thức ăn, bố mẹ cần rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, trong và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn. Làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống; rửa sạch bằng xà phòng và nên phân loại dụng cụ chế biến thực phẩm sống, chín", BS.CK1 Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ.

Văn Tiên - Clip: Di Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ