• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TP.HCM sẽ thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa

Văn hoá 04/10/2024 19:44

(Tổ Quốc) - TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển, trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực. Thành phố sẽ đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của TP.HCM như: quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, TP.HCM đang thực hiện Đề án Phát triển Công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, trong đó, mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025, TP.HCM sẽ phấn đấu phát triển thành trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu cả nước và khu vực.

Thành phố sẽ đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của TP.HCM. Trong đó, định hướng và từng bước phát triển các ngành: Nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng của Thành phố, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đồng thời, xây dựng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của 08 ngành công nghiệp văn hóa.

Thành phố cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TP.HCM và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Tổng doanh thu của 08 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xã hội của Thành phố dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 53.200 tỷ đồng.

TP.HCM sẽ thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

TP.HCM mở rộng liên kết đào tạo nhân lực công nghiệp văn hóa (ảnh minh họa)

Phát huy cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Đề án phát triển ngành CNVH TP.HCM được UBND TP.HCM phê duyệt, TP.HCM có nhiều cơ hội mới để thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư, khai thác, phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực điện ảnh nói riêng, làm cơ sở để bổ sung phát triển nguồn nhân lực điện ảnh, nâng cao chất lượng cơ sở làm phim, phát hành phim…

Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, trong đó, tiếp tục tham mưu các giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, hiệu lực hiệu quả trong ban hành và thực thi. Nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung của TP.HCM các khu đất có quy mô lớn để phát triển các thiết chế văn hóa, phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu diễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa… Thành phố sẽ thực hiện công tác quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của TP.HCM, tổ chức triển khai kêu gọi đầu tư đối với danh mục dự án được phê duyệt.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng triển khai các hoạt động gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng; xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của khu vực. Hình thành các sự kiện lớn mang thương hiệu đặc trưng của Thành phố và hình thành thương hiệu quốc gia như Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô (HÔZ), Liên hoan phim quốc tế (HIFF); Lễ hội Áo dài, Liên hoan Ẩm thực quốc tế… cùng các sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật truyền thống, dân gian, làng nghề, lễ hội nghệ thuật đường phố…

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phải là lá cờ đầu của cả nước về kinh tế số và xã hội số. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế số, điển hình là các chỉ tiêu kinh tế số được đưa vào các Nghị quyết của Đảng, chương trình công tác năm của UBND, đầu tư phát triển hạ tầng số, các chương trình chuyển đổi số Thành phố hướng đến nâng cao năng suất lao động của công chức Thành phố và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tốt nhất trong môi trường kinh doanh đầu tư của Thành phố.

TP.HCM sẽ thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Thành phố cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh được bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của cải cách, đồng thời áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thông qua các giải pháp, mở rộng liên kết đào tạo nhân lực công nghiệp văn hoá. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tích cực. Có chính sách cụ thể về ưu đãi thuế, vốn vay, sử dụng đất… nhằm thu hút đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, đóng góp hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội.

Với mục tiêu phát triển TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, Thành phố sẽ thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm sáng tạo nhằm kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch và các hoạt động nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành các ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa di tích văn hóa - lịch sử mang tính đặc trưng. Và thực hiện tốt các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, xem việc thực thi một cách hiệu lực, hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại số, trí tuệ nhân tạo là yếu tố rất quan trọng để phát triển công nghiệp sáng tạo.

Theo số liệu thống kê tính đến cuối tháng 10/2023, TP.HCM hiện có 17.670 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn Thành phố. Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng, thể hiện vị thế của ngành đối với kinh tế của Thành phố.

Trong những năm qua, giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa đều tăng. Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 36.094 tỷ đồng, đến năm 2020 giá trị sản xuất tăng hơn 2,1 lần so với năm 2010 nhưng do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên ngành công nghiệp văn hóa có giá trị sản xuất giảm so với năm 2019, doanh thu chỉ đạt 77.135 tỷ đồng.

Đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GRDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,98%, trong đó ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất là ngành quảng cáo. Năm 2020, do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa có sự phát triển thấp, đạt 3,54% tổng GRDP của toàn Thành phố. Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 vào GRDP của toàn Thành phố vẫn cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước (cả nước phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP).

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp văn hóa có vai trò rất lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, quảng bá văn hóa, hình ảnh quốc gia và khai thác các giá trị tiềm năng văn hóa thành dịch vụ, ngành kinh tế mũi nhọn. Tại Vương quốc Anh ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 5,5% tổng giá trị gia tăng ròng của quốc gia, tại Pháp ngành công nghiệp văn hóa thu hút đến 400 nghìn lao động, chiếm 8,5% năng lực sản xuất và 4% lao động của khu vực dịch vụ, tại Nhật Bản doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút khoảng 5% nhân công lao động trên toàn quốc, đóng góp của công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc cho GDP đạt hơn 6%, tại Singapore là 3,2% GDP và tại Trung Quốc giá trị đóng góp của ngành chiếm khoảng 4,14% GDP…

Thùy Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ