• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TP.HCM: Thay đổi phương pháp lấy mẫu xét nghiệm tùy theo mức độ nguy cơ từng địa bàn

Sức khỏe 09/07/2021 19:59

(Tổ Quốc) - Từ 0 giờ ngày 9/7 TP.HCM đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Những biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai quyết liệt hơn để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

TP.HCM: Thay đổi phương pháp lấy mẫu xét nghiệm tùy theo mức độ nguy cơ từng địa bàn - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm.

Tổ chức lại công tác xét nghiệm

Trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các công tác điều tra truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch sẽ được triển khai triệt để theo hướng đúng trọng tâm, trọng điểm để ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.

Theo đó, ngành Y tế TP.HCM đã tổ chức lại công tác xét nghiệm trên địa bàn. Việc điều phối xét nghiệm sẽ được giao cho các đơn vị quận, huyện phụ trách từ công tác tổ chức lấy mẫu, điều phối xe vận chuyển mẫu đến các phòng thí nghiệm... nhằm đảm bảo nhanh chóng, thông suốt trong công tác xét nghiệm; Các đơn vị sẽ tham gia điều phối tổng thể cũng sẽ tham gia điều phối trong trường hợp các đơn vị quận, huyện gặp tình trạng quá tải.

Bên cạnh đó, liên tục rà soát, kiểm tra, đánh giá các đơn vị thực hiện xét nghiệm để tiến hành điều chỉnh, điều phối nhằm đảm bảo đáp ứng tiến độ, kết quả xét nghiệm theo quy định. 

Ngoài ra, việc điều phối xét nghiệm, công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian tới cũng có sự thay đổi phù hợp tùy theo mức độ nguy cơ của từng địa bàn.

Có thể rút ngắn thời gian trả mẫu xét nghiệm xuống 12h

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM chống dịch cho biết, hiện TPHCM đã có 2.500 đội lấy mẫu xét nghiệm với 4.000 người. Công suất lấy mẫu đạt 350.000 - 400.000 mẫu/ ngày, phù hợp với năng lực xét nghiệm của 20 đơn vị xét nghiệm trên địa bàn.

“Đối với đơn vị làm xét nghiệm khẳng định mẫu đơn, trên địa bàn TP.HCM hiện có Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC). Thời gian trả mẫu xét nghiệm đang là 24h, tôi đã đề nghị rút ngắn xuống còn 12h” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3338/QĐ-BYT về việc huy động nhân lực y tế để hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP.HCM. Theo quyết định này, Bộ trưởng Bộ Y tế điều động 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và các đơn vị địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung để hỗ trợ lực lượng y tế TP.HCM trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cử 25 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đến TP.HCM tham gia công tác chống dịch theo sự phân công của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch tại TP Thủ Đức và các quận, huyện của TP.HCM.

Bộ phận thường trực đã chuẩn bị 500.000 test nhanh và đã phân bổ về một số quận huyện và đơn vị xét nghiệm của TP.HCM để phục vụ công tác xét nghiệm.

“TP.HCM đã tích cực triển khai test nhanh tại vùng lõi, nếu có trường hợp dương tính thì tiến hành làm xét nghiệm mẫu đơn đối với F1. Hơn 300 sinh viên của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương hỗ trợ lấy mẫu tại 2 điểm nóng Gò Vấp, Bình Thạnh rất tích cực và hiệu quả” - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Đối với hình thức xét nghiệm, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện Viện đang phối hợp cùng các đơn vị để tiến hành triển khai tập huấn thực hiện xét nghiệm mẫu gộp bằng phương pháp test nhanh để đáp ứng nhanh chóng công tác phòng chống dịch của Thành phố.

Lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại khu vực nguy cơ rất cao

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, những thay đổi trên nhằm phù hợp với thực tiễn chống dịch tại TP.HCM. 

Theo đó, đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa) sẽ tiến hành lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình để phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19, nhanh chóng đưa các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh ra khỏi cộng đồng. 

“Thực hiện gộp theo hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm PCR (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), có thể gộp mẫu 3 hoặc 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh”- Bộ trưởng nói.

Đối với khu vực nguy cơ cao, sẽ tiến hành ấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại hộ gia đình, xét nghiệm mẫu gộp cùng 1 ống. Đối với các khu vực khác, cần thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của hộ gia đình.

TP.HCM cũng cần thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh; các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp…Thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám.

"TP.HCM cũng cần tổ chức lấy mẫu tại hộ gia đình đối với vùng nguy cơ cao và rất cao, không tổ chức các điểm lấy mẫu tập trung. Nếu làm test nhanh phải trả mẫu ngay, nếu làm xét nghiệm PCR trong hộ gia đình thì làm gộp, tuyệt đối không làm cùng hộ gia đình khác" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu quan điểm./.




Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ