Lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp tục phát hiện và thu giữ 5 tấn mỹ phẩm giả gồm các nhãn hiệu Sasaki, Hikato và Puroz… tại một kho chứa hàng của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang tại đường Phạm Văn Chí (quận 6).
Lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp tục phát hiện và thu giữ 5 tấn mỹ phẩm giả gồm các nhãn hiệu Sasaki, Hikato và Puroz… tại một kho chứa hàng của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang tại đường Phạm Văn Chí (quận 6).
Trước đó, ngày 9/7, Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) phối hợp với Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng Cục Hải quan, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ đường dây kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm nhập lậu quy mô lớn.
Các nhãn hiệu mỹ phẩm Sasaki, Hikato và Puroz đã được Công ty mỹ phẩm Huyền Trang đăng ký thương hiệu, tuy nhiên Công ty này không sản xuất mà nhập hàng từ Trung Quốc về, sau đó dán nhãn mác đề xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… rồi bán ra thị trường nội địa với giá lên tới vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.
Ngoài việc nhập hàng từ Trung Quốc, bà Phạm Huyền Trang (sinh năm 1969, ngụ phường Cầu Kho, quận 1), người trực tiếp điều hành Công ty mỹ phẩm Huyền Trang, còn khai nhận đặt mặt hàng kem trắng da Body Whitening Sasaki Bird’s nest Cream, Body Whitening Sasaki Snail Cream (trên nhãn ghi xuất xứ Nhật Bản) và Body Whitening Hikato (trên nhãn ghi xuất xứ Hàn Quốc) tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại mỹ phẩm Phú Thịnh (trụ sở tại E2/64/9 xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tiến hành kiểm tra chi nhánh của Công ty Phú Thịnh tại 1570/101 đường Võ Văn Kiệt (phường 7, quận 6), Công ty này hoàn toàn không hề có dây chuyền sản xuất hay bất cứ máy móc hiện đại nào dùng cho việc sản xuất mỹ phẩm.
Kem dưỡng da, kem làm trắng da các loại ở đây đều được nấu thủ công trong nồi lẩu điện, quậy đều bằng một chiếc vá, tiếp đó đổ ra ca inox rồi chiết vào các vỏ hũ bằng nhựa có sẵn, sau đó dán nhãn mác, dùng máy sấy tóc ép màng co đưa đi tiêu thụ.
Trả lời Cơ quan Công an, bà Đỗ Thị Thân (sinh năm 1968, thường trú phường 7, quận 6) - Giám đốc Công ty Phú Thịnh cho biết, nguyên liệu chế các loại kem được bà mua từ chợ Kim Biên và mua trôi nổi trên thị trường. Giá gia công sản phẩm bao gồm cả nguyên liệu, tiền công và tiền vận chuyển từ 40.000-60.000 đồng/sản phẩm./.