• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trả lại lịch sử công lao nhà Nguyễn

Văn hoá 13/01/2009 15:38

(Toquoc)- Thống nhất đất nước, mở mang phát triển kinh tế, có những chính sách cai trị làng xã tiến bộ vượt bậc, cầu viện ngoại bang, làm mất nước… những điều tưởng như trái ngược nhất lại tồn tại chung trong thời nhà Nguyễn.

(Toquoc)- Thống nhất đất nước, mở mang phát triển kinh tế, có những chính sách cai trị làng xã tiến bộ vượt bậc, cầu viện ngoại bang, làm mất nước… những điều tưởng như trái ngược nhất lại tồn tại chung trong thời nhà Nguyễn.

Sau hai ngày làm việc, Hội thảo quốc gia về “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” đã kết thúc tại Thanh Hóa chiều ngày 19/10. Trong thời kỳ cả nước đấu tranh chống thực dân, đế quốc, tội cầu viện ngoại bang, tội làm mất nước vào tay thực dân Pháp đã làm lu mờ tất cả những công tích của triều đại này. Thời gian hơn nửa thế kỷ kể từ khi kết thúc trên 300 năm cai trị của Nhà Nguyễn đã đủ cho các nhà sử học hôm nay có được những đánh giá khách quan, chính xác về thời kỳ lịch sử này. Hàng trăm nhà khoa học đã thảo luận và thống nhất được nhiều vấn đề cơ bản mang tính thay đổi nhận thức lịch sử về thời kỳ này.
Trả lại lịch sử những công lao của triều Nguyễn
Công lao nổi bật mà các nhà khoa học đã thống nhất ghi nhận cho chúa Nguyễn là việc khai phá vùng Thuận Quảng, mở rộng lãnh thổ vào tận đồng bằng sông Cửu Long, xác lập chủ quyền trên vùng đất mới. Từ đó tạo nên diện mạo đất nước Việt Nam hôm nay.
Là sự tiếp nối của cả quá trình lịch sử cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, nhưng công lao thống nhất đất nước đã chính thức được ghi nhận là của Nguyễn Ánh.
Những thành quả của vương triều Nguyễn trong việc xây dựng nhà nước quân chủ phong kiến tập quyền thống nhất trên toàn lãnh thổ cũng được ghi nhận từ việc quản lý đất nước. Đặc biệt là những thành tựu trong cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng còn có những giá trị mà hôm nay chúng ta cần học tập. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: “Nhà Nguyễn có nhiều chính sách hay. Chính sách Đình Nghị: Đã đi họp là phải phát biểu. Ý kiến trong Đình Nghị phải được ghi chép. Nếu không phát biểu trong kỳ họp trước, kỳ sau sẽ không được đi họp nữa. Hay chủ trương Hầu trị: Người của địa phương không được đứng đầu trong địa phương. Phải đi nơi khác làm quan, khi đến địa phương khác, không được lấy vợ, mua đất ở đó. Giám khảo chấm thi không được tham gia khi có người nhà đi thi, hoặc phải trình báo…Đây là những chính sách mà ngày nay chúng ta cần học tập.”
Đã có thời kỳ, những di sản văn hoá của thời Nguyễn không được coi trọng. Các nhà khoa học hôm nay đã thống nhất ghi nhận những giá trị văn hoá đồ sộ mà thời kỳ này mang lại, trong đó nổi bật là 3 di sản văn hóa có giá trị toàn cầu (Cố đô Huế, phố cổ Hội An và Nhã nhạc cung đình Huế). Từ đó, đưa ra những phương án bảo tồn và phát triển.
KTS Phùng Phu- giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: “Trong năm 2008, tổng thu của Trung tâm là 80 tỷ. Nguồn lợi từ việc bảo tồn, khai thác di sản là rất lớn không chỉ về giá trị văn hoá”.
Những vấn đề còn tranh cãi và vấn đề không thể cắt nghĩa
“Hội thảo mang tính chất quy tụ các tham luận này còn tồn tại một số vấn đề. Có những vấn đề có thể bàn thêm và sẽ làm sáng tỏ, tuy nhiên cũng có những vấn đề không thể cắt nghĩa”.- GS Phan Huy Lê thừa nhận.
Đây là một thời kỳ lịch sử đặc biệt. Do hoàn cảnh khu vực cũng như thế giới đã có biến chuyển. Trong khi đó, Nhà Nguyễn lại rụt rè, yếu kém trong canh tân đất nước. Các nhà khoa học đã thừa nhận: Trước hoạ xâm lược của phương Tây, nước nào không canh tân thì mất nước là tất yếu.
Sau hội thảo này, Hội khoa học lịch sử sẽ trình lên Chính Phủ yêu cầu được soạn lại sách giáo khoa lịch sử và biên soạn Quốc sử Việt Nam một cách công bằng, chính xác nhất với lịch sử
Vấn đề kháng chiến chống Pháp thất bại là tất yếu hay không tất yếu thu hút sự thảo luận sôi nổi, thậm chí là những ý kiến trái ngược. Trước nhiều ý kiến rằng mất nước vào tay Pháp là tại nhà Nguyễn, PGS. TS Phạm Xanh cho rằng: “Việt Nam không thể tránh khỏi số phận đó, nếu không phải là thực dân Pháp thì cũng là Tây Ban Nha, Hà Lan, hay Anh Quốc… Các nước phong kiến lớn hơn chúng ta như Trung Quốc, Nhật Bản, rồi các nước khác như Philippine, Triều Tiên… đều lần lượt rơi và tay đế quốc”.
Cùng quan điểm đó, thầy giáo Nguyễn Quang Trung Tiến- Giảng viên trường Đại học Khoa học Huế, cho rằng: “Chúng ta thắng Pháp sau 1945 là chúng ta đánh thắng bằng cái đầu hiện đại chứ không phải bằng cái đầu phong kiến. Tuy lực lượng cách mạng vẫn là nhân dân, nhưng lãnh đạo cách mạng là tư tưởng cộng sản hiện đại và xu hướng của thế giới lúc đó thuận lợi”.
GS Phan Huy Lê đã đề nghị tiếp tục nghiên cứu và phải dựa trên căn cứ, sử liệu: “Trách nhiệm không thể chối cãi của nhà Nguyễn dưới triều Tự Đức khi để mất nước, nhưng về nguyên nhân thì phải phân tích kỹ hơn, nghiên cứu sâu hơn, cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cả những chính sách không đáp ứng được yêu cầu canh tân và quá trình 26 năm kháng chiến chống Pháp (1858 - 1884) với nhiều hạn chế trong đối sách - điều hành. Tuy nhiên, phải thừa nhận thời kỳ này, vẫn có những điểm sáng chứ không chỉ là một màu tối.”
Từ những kết luận về hội thảo, GS Phan Huy Lê cho biết: Hội khoa học lịch sử sẽ trình lên Chính Phủ yêu cầu được soạn lại sách giáo khoa lịch sử, đặc biệt, sẽ biên soạn Quốc sử Việt Nam một cách công bằng, chính xác nhất với lịch sử dân tộc./.
Bài&ảnh: Cẩm Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ