• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trả lại vỉa hè… chỉ là trả lại điều hiển nhiên

Văn hoá 04/03/2017 08:11

(Tổ Quốc) -Bởi vì bao nhiêu năm qua “vỉa hè” bị khoác trên mình những lợi ích kinh tế mà dần dần đã không còn tồn tại đúng như mục đích ban đầu. Vì thế việc đòi lại vỉa hè là rất cần thiết.

Vỉa hè vốn dành cho người đi bộ - đây gần như là mặc định của tất cả mọi người ngay cả khi không tham gia giao thông. Thậm chí ngay ở cấp tiểu học, bài học về giao thông cũng đã ghim vào đầu học sinh sự phân chia làn đường bên phải, bên trái… và vỉa hè dành cho người đi bộ.

Thế nhưng không biết từ bao giờ vỉa vè đã không còn dành cho người đi bộ. Vỉa hè mặt phố đã trở thành một không gian lý tưởng để “hái ra tiền” mà nhà trong ngõ hẻm không có được.  Vỉa hè đã biến thành một tổ hợp kinh doanh di động nhằng nhịt các lĩnh vực, từ ăn uống, trông xe… đến kinh doanh buôn bán. Vỉa hè nơi này làm được, vỉa hè nơi kia cũng như vậy và cứ ngày ngày tháng tháng trôi qua, từ lúc nào vỉa hè đã không còn khoảng trống dành cho người đi bộ. Nếu người đi bộ đi trên những vỉa hè mặt phố bị lấn chiếm rất có thể còn bị ném trả những cái nhìn xéo, cái lừ mắt khó chịu với ý chừng đầy phiền phức như thể nơi này không dành cho người đi bộ nữa. Nhiều người đã nhờ vỉa hè để mưu sinh, trở nên giàu có… nên có khi họ biết là mình đang chiếm dụng vỉa hè nhưng không muốn trả lại.

Ảnh minh họa. Nguồn vtc.vn

Khi người đi bộ không còn vỉa hè để đi, họ sẽ phải xuống lòng đường – nơi dành cho người điều khiển phương tiện giao thông sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, phức tạp thêm tình hình giao thông vốn đã nhiều ùn tắc, khói bụi, bực mình ở những thành phố lớn.

Cách đây chừng một năm, Hà Nội cũng từng mạnh tay xử phạt người đi bộ vì cho rằng họ là thành phần vi phạm giao thông không ít, với các lỗi phổ phiến như: đi sai phần đường, không tuân thủ đèn tín hiệu, vượt qua dải phân cách… mà hiếm khi bị xử phạt. Theo số liệu của phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, năm 2015 thành phố xảy ra gần 1.700 vụ tai nạn, trong đó liên quan đến người đi bộ gần 150 vụ, còn do xe máy gây ra khoảng 1.000 vụ.

Việc xử phạt người đi bộ nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế tai nạn giao thông. Và tại thời điểm đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi ngược lại, khi vỉa hè không còn khoảng trống dành cho người đi bộ thì việc họ “đi sai phần đường” là do đâu?. Hãy thử trả lại vỉa hè cho người đi bộ xem họ có phải tràn xuống lòng đường đầy nguy hiểm để đi không?. Và việc xử lý người đi bộ chỉ rộ lên một thời gian rồi cũng lắng xuống. Để giải được bài toán vỉa hè không hề dễ. Vỉa hè của Hà Nội vẫn không được chấn chỉnh, không trở thành phần đường dành cho người đi bộ. Trong tình thế, vỉa hè có mà không thể đi, đi thế nào để không bị xử phạt, có người đã hài hước nói rằng tốt nhất là “đừng đi bộ”.

Mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, các nhà hàng kinh doanh, cửa hiệu tạm đóng cửa, những người dân ngoại tỉnh trở về quê, nhiều con đường, vỉa hè ở những thành phố lớn vắng vẻ, thoáng đãng trở thành hình ảnh hiếm hoi khiến không ít người… ngỡ ngàng, thích thú. Có nhiều người ao ước sẽ được nhìn thấy hình ảnh như thế này hơn và không phải đợi đến Tết. Dường như mỗi bước chân thong thả được đặt xuống vỉa hè, con người thấy thanh thản, nhẹ nhàng và thấy mình được “sống chậm” hơn.

Đòi lại vỉa hè là đúng và lẽ ra phải làm ngay từ đầu, như ở Đà Nẵng thì mọi thứ tự nhiên sẽ thành nếp để không phải chứng kiến những cuộc “ra quân” rầm rộ của các lực lượng chức năng. Nhưng muộn còn hơn không. Và đây chính là thời điểm để việc đòi lại vỉa hè có kết quả. Nếu thời điểm này không đòi được vỉa hè thì e rằng càng về sau càng khó.

Mới đây, quận 1 TP. HCM đã và đang kiên quyết giành lại vỉa hè để người đi bộ có cơ hội… đi bộ, để hè phố không phải của riêng ai. Vượt lên trên lợi ích – trong đó có lợi ích kinh tế của một số người để phục vụ lợi ích công cộng là việc đáng trân trọng và chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của số đông. Và chắc chắn nếu sự vào cuộc đầy trách nhiệm, quyết liệt của chính quyền, việc lấy lại vỉa hè sẽ không quá khó khăn, giống như chúng ta đã thực hiện thành công việc cấm đốt pháo và bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy …

Có lẽ đã đến lúc vỉa hè phải trả lại cho người đi bộ phải trở thành hình ảnh quen thuộc ở mỗi con phố như một sự tự giác để mỗi người tự thưởng cho mình một không gian mà tất cả mọi người được quyền hưởng. Đừng tự tước đi cái quyền được đi bộ của bản thân và của người khác để mỗi dịp Tết hè phố thênh thang chúng ta không phải quá ngạc nhiên, ao ước.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ