• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trách nhiệm gia đình và tình yêu quê hương trên đôi vai của một vị Tướng

06/07/2017 09:20

(Tổ Quốc) - Có rất nhiều tài liệu viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhưng thực tế lại chưa có một tác phẩm văn học nào viết về những khoảng trời kín đáo của ông. Triền dâu xanh ngát chính là bức tranh vẽ chân dung đời thường của một vị Tướng huyền thoại.

Từ trước tới nay có rất nhiều bài viết về cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhưng chắc hẳn chưa có một tiểu thuyết nào miêu tả về ông bằng cái nhìn đan xen từ hậu phương như trong tác phẩm Triền dâu xanh ngát.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Câu chuyện trong Triền dâu xanh ngát là lý tưởng đại diện chung cho một bộ phận quần chúng nhân dân sống trong vùng địch tạm chiếm lúc bấy giờ. Mở đầu tiểu thuyết là cảnh chia ly, những người con ưu tú phải tạm thời xa quê hương đi tập kết để mong ngày trở về chiến đấu, xây dựng mảnh đất yêu dấu có nghề trồng dâu nuôi tằm. Quảng Ngãi là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn và ý chí quật cường của nhiều thế hệ cán bộ, cảm hứng sáng tác của nhà văn Châu La Việt được bắt nguồn như thế. Đã 50 năm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không còn nữa (06/7/1967-06/7/2017), nhưng tư tưởng và những suy nghĩ của người vẫn còn đọng lại mãi mãi. Nhân dịp này nhà văn Châu La Việt đã cho ra mắt tiểu thuyết Triền dâu xanh ngát viết về đại gia đình những sĩ quan cao cấp công tác ở Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó song song có ba mối tình của các nhân vật: Mối tình thứ nhất là của Huỳnh Điệp và Trần Ngọc. Mối tình thứ hai của Hơn và Hòa. Mối tình thứ ba của Nguyễn Vịnh và Cúc. Nhân vật Nguyễn Vịnh chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, và cũng là tên thật của ông. Lúc bấy giờ Đại tướng là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và thường xuyên phải nằm vùng nắm bắt tình hình địch, vợ ông là bà Cúc là người phụ nữ đảm đang vừa công tác trong Ban Phụ nữ quân đội lại phải một mình chăm sóc đàn con. Trong đại gia đình ấy, mỗi cuộc tình là kết quả của một tình yêu và một hoàn cảnh khác nhau: Huỳnh Điệp là cô thôn nữ sông Thu Bồn được tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ nhưng lúc nào cũng đau đáu được sớm trở về quê hương chiến đấu, hình ảnh quê hương được tái hiện trong trí nhớ bởi mỗi lần nghe tin bọn giặc tăng cường đàn áp, chúng lê máy chém khắp nơi, săm soi từng thước đất để tìm hầm bí mật che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Trần Ngọc là một sĩ quan tuyên huấn công tác ở Tổng cục Chính trị, tình yêu giữa hai người bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ bất ngờ khi dự đám cưới ở Nam Định, chuyện tình của họ không giống như những mối tình chớp nhoáng mà những nhà văn khác đã miêu tả, tình yêu của họ được xuất phát từ tiếng gọi của con tim, nhưng vì lý tưởng mỗi người theo một cách nghĩ khác nhau nên nhiều lúc tưởng như xa rời. Kết cục mối tình của họ là vì lý tưởng khi cả hai nhận ra một điều rằng con đường hoạt động cách mạng không thể nhất thời, mà nó phải diễn ra từng bước, phải chấp nhận hy sinh vì cuộc sống con không bao giờ toàn diện… Mối tình thứ hai của Hòa và Hơn, hai người cùng chung chí hướng ngay từ buổi ban đầu, tình yêu giữa họ lại không suôn sẻ, dù mối tình ấy đã đi qua những lửa đạn. Sau khi tập kết, Hòa được đưa về một xí nghiệp ở Việt Trì, công việc văn phòng hành chính cũng nhiều nhàn nhã. Còn Hơn thì về học bổ túc ở một trường văn hóa, vào diện sẽ được đưa đi đào tạo nước ngoài làm cán bộ lãnh đạo sau này. Sau lễ cưới một thời gian, Hòa mang bầu và sinh một cô con gái, cũng là lúc Hơn nhận được quyết định đi học ở nước ngoài. Nhưng tin tức từ quê hương đưa ra quân thù quá tàn bạo, nhiều đồng chí đồng đội đã hy sinh khiến ruột gan Hơn như có lửa đốt, và anh xin về quê hương chiến đấu. Thời gian Hơn vào chiến trường ở nhà Hòa đã mắc phải khuyết điểm nghiêm trọng và kết thúc giữa hai người là một câu chuyện buồn. Mối tình thứ ba giữa Nguyễn Vịnh và Nguyễn Thị Cúc. Tuy tác giả không kể nhiều về quá khứ thời hai người yêu nhau, nhưng ông nói nhiều về những khó khăn trong cuộc sống mà bất cứ ai sống trong hoàn cảnh lúc đó đều thấu hiểu. Giữa ba mối tình này có một điểm chung ràng buộc là tất cả đều hướng về miền Trung, họ hướng về quê hương có dòng sông Thu Bồn, quang cảnh con sông được hiện lên sống động qua nỗi nhớ của những người con xa quê hương biền biệt, nơi có những dải núi đồi nhấp nhô với triền dâu xanh ngát hai bên bờ. Làng quê đó có truyền thống vốn lâu đời, quanh năm họ trồng dâu nuôi tằm trong không khí thanh bình. Hình ảnh những triền dâu xanh ngát chính là gian nghệ thuật của tiểu thuyết, nhờ có không gian nghệ thuật này mà tác giả đã xây dựng thành công cốt truyện, các nhận vật được bứt phá ra khỏi quỹ đạo để rồi bắt buộc phải vận động hướng tâm, chiến tranh chỉ là cái cớ làm chia ly, được ví như lực xúc tác đẩy các phần tử ra tách rời khỏi môi trường, nhưng nhờ có tình yêu quê hương làm động lực tạo sức hút hướng những con người cùng cảnh ngộ gắn bó với nhau. Gia đình bà Cúc thực chất cũng chẳng hơn gì những người khác xung quanh mình, một người phụ nữ bên nách cả một đống con, các con lại đang tuổi ăn tuổi nghịch… Và cứ mỗi lần Đại tướng đi công tác về nhà lại nghe được cả “đống chuyện”. Triền dâu xanh ngát là câu chuyện đan xen nhiều cung bậc tình cảm, nhiều tình huống khó phân xử thể hiện trách nhiệm nặng nề lên đôi vai của một người anh cả.

Tiểu thuyết "Triền dâu xanh ngát"

Trong mỗi tác phẩm văn học sự hấp dẫn được dẫn dắt bởi tình huống, còn cái hay được thể hiện bằng những chi tiết đắt giá, tầm vóc được khẳng định bằng hình tượng. Triền dâu xanh ngát là áng văn trữ tình, nó vừa mang sắc thái của một câu chuyện đời sống nhưng lại chứa đựng cả một hình tượng chìm sâu phía dưới. Văn học luôn luôn có hiện tượng ví như mô tả những ngọn cây, nhưng thực sự cái bóng của nó lại soi xuống mặt hồ. Và ý đồ của tác giả Châu La Việt muốn nhấn một thông điệp đến bạn đọc chính ở điểm này, quê hương vẫn là tình yêu muôn thuở, con người sinh ra đều có quyền sống và tự do bình đẳng như nhau, cớ sao lũ giặc lại điên cuồng đàn áp, bắt bớ, kìm hãm… Vì thế mà những người con của quê hương phải ra đi để tìm đường trở về chiến đấu là tất yếu, nó là quy luật hiển nhiên. Với đề tài văn học chiến tranh cách mạng càng viết về sau này càng khẳng định được vị trí, xuất phát từ điểm nhìn càng xa sự kiện bao nhiêu thì góc độ càng được mở rộng sự bao quát từng ấy.

Và có rất nhiều tài liệu viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhưng thực tế lại chưa có một tác phẩm văn học nào viết về những khoảng trời kín đáo của ông. Dù tấm gương chiến đấu của Đại tướng vĩ đại đến chừng nào, nhưng xét về góc độ xã hội thì ông cũng vẫn là một con người như bất cứ ai. Triền dâu xanh ngát chính là bức tranh vẽ chân dung đời thường của một vị tướng huyền thoại.

Trần Đức Tĩnh

NỔI BẬT TRANG CHỦ