Trải nghiệm gói bánh chưng theo cách của người Hà Nội xưa tại ngôi cổ mừng năm mới Giáp thìn 2024
(Tổ Quốc) - Tại ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây, du khách tham quan sẽ thấy hình ảnh người Hà Nội xưa đón Tết thông qua sự sắp đặt trong không gian ngôi nhà và hoạt động gói bánh chưng.
Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa Mừng Đảng - Mừng Xuân với chủ đề "Tết Việt – Tết Phố 2024", những ngày cận Tết Nguyên đán, tại Ngôi nhà Di sản 87 phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) diễn ra hoạt động gói, luộc bánh chưng đón Tết cổ truyền như cách của người Hà Nội xưa. Theo ban tổ chức, đây là hoạt động văn hóa được Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp nhóm Đình làng Việt tái hiện nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Nguyên liệu đầy đủ để gói bánh chưng bao gồm: Lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ. Đỗ xanh làm nhân bánh được chọn lọc rất kỹ, là loại đỗ hạt tiêu nhỏ, hạt tròn mây mẩy.
Bên cạnh bánh chưng vuông, loại bánh chưng dài giúp mâm cỗ ngày Tết thêm phong phú. Bánh chưng dài thường có lượng đỗ (đậu xanh) ít hơn, rất ít hoặc không có thịt, có thể để ăn lâu ngày sau Tết, tiện lợi khi xắt thành từng lát bánh tròn để rán vàng giòn.
Chương trình ''Tết Việt - Tết Phố 2024" được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và quảng bá hình ảnh khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức đoàn rước lễ, dâng lễ cửa đình từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đi qua nhiều tuyến phố di tích với điểm đến là Đình Kim Ngân. Tại đây, Ban tổ chức sẽ tiến hành các nghi lễ gồm dâng lễ cửa đình, cáo yết Thành hoàng và cúng Tổ nghề cùng nghi lễ dựng cây nêu truyền thống của người Việt khi Tết đến, Xuân về. Không gian Đình Kim Ngân được trang trí thành không gian Tết truyền thống theo chủ đề 12 con giáp và con giáp năm 2024 - con Rồng.