Trải nghiệm Lễ hội Trung thu xưa và nay dành cho thiếu nhi thủ đô
Thực hiện: Bảo Trung | 10/09/2022
(Tổ Quốc) - Lễ hội Trung thu năm 2022 là hoạt động thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam chính thức khai mạc chương trình Lễ hội Trung Thu năm 2022 với chủ đề “Bánh Trung thu và trái cây ba miền.”
Lễ hội nhằm tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn cho các em thiếu nhi; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động xã hội, xây dựng môi trường thân thiện.
Không gian trưng bày với chủ đề “Trung thu xưa và nay” là chuỗi câu chuyện kể về lễ hội Trung thu xưa và nay bằng hình ảnh như: Cỗ Trung thu xưa và nay, bánh Trung thu xưa và nay, đồ chơi Trung thu...
Các em nhỏ được trải nghiêm làm tò hè với nghệ nhân làm tò he. Món đồ chơi dân gian của người Việt.
Các em nhỏ tự tay làm những món đồ chơi tò he của riêng mình.
Nghệ nhân phỗng đất Phùng Đình Giáp đang hướng dẫn các bạn nhỏ làm những con phỗng từ đất sét.
Nghệ nhân phỗng đất Phùng Đình Giáp chia sẻ, phỗng đất từng là món đồ chơi yêu thích của trẻ nhỏ thôn quê. Bộ phỗng đất truyền thống gồm năm hình với năm ý nghĩa khác nhau về cuộc sống. Con chim bay trên trời thể hiện cho khát vọng hòa bình, con rùa gắn liền với biển cả bao la tượng trưng cho sự mạnh mẽ của sinh vật bé nhỏ trong không gian rộng lớn, em bé ôm bông hoa đại diện cho thế hệ con cháu, ông phỗng đứng là đại diện của thế hệ người già, ông phỗng hình Phật đặt ở vị trí trung tâm với mong muốn nhắn nhủ con cháu sống thiện lành, đúng mực.
Các bạn nhỏ thích thú với món đồ chơi phỗng đất.
Mặc dù mang hình dáng đơn giản, nguyên liệu mộc mạc song để tạo được thành tượng ông phỗng đòi hỏi nhiều công đoạn kỳ công. Phỗng đất được làm bằng đất thó vốn là sự pha trộn giữa đất sét và giấy bản. Đất sét được đào ở độ sâu từ 2-2,5m rồi lấy về phơi cho khô, giã nhỏ, sàng lấy bột mịn trộn cùng giấy bản đã được ngâm nước tầm 7 ngày mủn hoàn toàn để tạo thành hỗn hợp sệt quánh.
Các em nhỏ trải nghiệm làm chuồn chuồn tre ngay tại không gian lễ hội.
Chuồn chuồn tre được biết đến như một trò chơi dân gian có từ lâu đời và phát triển cho đến ngày nay dựa trên vật liệu quen thuộc là tre.
" Em rất thích những chú chuồn chuồn tre này, nhiều màu sắc và có thể đậu ở mất cứ chỗ nào." - Em Minh Ngọc trường tiểu học Lương Yên, Hà Nội chia sẻ.
Những con chuồn chuồn được làm ra có những màu sắc, kích thước khác nhau. Hoa văn, họa tiết được những người thợ sáng tạo luôn có sự hấp dẫn riêng. Có cảm giác như những con chuồn chuồn với đủ màu sắc sặc sỡ đang đậu trên cành cây và có thể cất cánh bay cao bất cứ lúc nào.
Các bạn nhỏ cũng được trải nghiệm trò chơi xếp lá dừa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ.
Xếp lá dừa không giống như những kỹ thuật khác, những người nghệ nhân lá dừa phải thực sự khéo léo và có sự sáng tạo để mang tới những sản phẩm từ lá dừa đẹp, ấn tượng.
Các sản phẩm được nghệ nhân chọn lựa từ lá dừa tươi tự nhiên 100%, không độc hại, không sơn phết và có hương thơm tự nhiên của lá dừa, lại vô cùng bắt mắt với nhiều hình dạng như : hoa lá dừa, nón lá dừa, cào cào lá dừa hay những chiếc đèn lồng xinh xắn và nhiều hình dạng khác nhau … tạo nên một sức hút rất riêng không chỉ với trẻ em mà còn cả người lớn và du khách nước ngoài khi ghé thăm Việt Nam.
Khu vực tô vẽ mặt nạ bồi luôn thu hút các bạn nhỏ.
Cùng với đó là không gian sắp đặt tranh dân gian và các sản phẩm thủ công truyền thống trên chất liệu hiện đại... Khu trưng bày, triển lãm sách và thiết bị giáo dục với chủ đề “Cùng em đến trường” giới thiệu hàng trăm đầu sách dành cho thiếu nhi cũng như đồ dùng phục vụ học tập.
Các em thiếu nhi đến tham gia Lễ hội Trung thu 2022 có cơ hội trải nghiệm thực tế làm ra các sản phẩm Trung thu truyền thống như: Lồng đèn, vẽ mặt nạ từ giấy bồi, nặn tò he, làm phỗng đất làng Hồ, sáng tạo từ lá dừa, làm bút tre, các loại bánh truyền thống... Các em sẽ hiểu rõ hơn về các làng nghề vùng quê Việt nơi các nghệ nhân vẫn âm thầm và miệt mài, bảo tồn nét dân tộc qua từng chiếc đèn ông sao, mặt nạ bồi giấy, đèn kéo quân...
Bên cạnh đó là các gian hàng trưng bày, giới thiệu rất nhiều loại đèn trung thu truyền thống như: đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ...
Ban tổ chức còn tái hiện không khí của Tết Trung thu xưa với các gian hàng bán đồ chơi, mâm cỗ “trông trăng” với các loại bánh kẹo, hoa quả đặc trưng cho mùa thu, hay ông tiến sĩ giấy, thể hiện mong ước con cháu đỗ đạt của người xưa.