(Cinet) - Vẽ là đam mê. Vẽ là cuộc chơi sáng tạo. Để gần một thế kỷ của đời mình, Nguyễn Tư Nghiêm đã dành cho cuộc chơi Hội hoạ.
Người đã gác lại mọi đam mê và gần như không chia sẻ tâm sức cho nhiều quan hệ cũng như nhiều hoạt động trong cả cuộc đời chỉ vì hoạ sỹ muốn dành toàn bộ cuộc sống bản thân cho hội hoạ. Sau 3 tuần, hàng ngày đứng trước giá vẽ mà không thể vẽ được gì ông có thể ngộ rằng: Khi đã không còn tiếp tục hành trình sáng tạo tức là sự sống đã dần cạn kiệt. Thêm một tháng trong phòng cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, hoạ sỹ Nguyễn Tư Nghiêm đã không trở về với hội hoạ và người vợ yêu quý, hoạ sỹ Nguyễn Thu Giang từ ngày 15 tháng Sáu, 2016. Vẽ là sự sống. Vẽ là đam mê. Vẽ là cuộc chơi sáng tạo. Gần một thế kỷ của đời mình, Nguyễn Tư Nghiêm dành cho cuộc chơi Hội hoạ tới 75 năm. Không có gì nuối tiếc. Không có gì dang dở. Hoạ sỹ Nguyễn Tư Nghiêm là một tượng đài của Mỹ Thuật Việt Nam.
Gióng - tranh sơn mài Nguyễn Tư Nghiêm (1982). |
Tang lễ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vào sáng 17/6 Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, (1922 - 2016) sinh tại Nam Đàn (Nghệ An), học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1946). Ngay từ năm học thứ 3, ông đã nhận về sự chú ý đặc biệt của giới hội hoạ với bức tranh sơn dầu Người gác Văn Miếu, giành giải Nhất tại Salon Unique năm 1944. Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996, Giải thưởng hội họa quốc tế Sophia (Bungaria) năm 1983, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Tang lễ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sẽ tổ chức vào sáng 17/6 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. |
Trung Thành