(Tổ Quốc) - Chỉ 2 ngày sau khi cầu Vàm Cống đi vào hoạt động, thì trạm thu phí BOT T2 trên Quốc lộ 91 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) lại đang phải đối mặt với sự phản đối của các chủ phương tiện tham gia giao thông.
Trạm thu phí BOT T2: Ảnh VOV
Người dân cho rằng việc đặt trạm thu phí BOT T2 tại đây là thiếu công bằng và thiếu minh bạch, dân chịu thiệt còn chủ đầu tư được lợi lớn.
Trong khi đó, theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, trạm thu phí T2 để hoàn vốn đầu tư cho dự án nâng cấp, cải tạo QL91 theo hình thức BOT. Ngoài trạm BOT T2 đặt trên QL91 (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ), dự án còn một trạm thu phí khác là T1 đặt ở đầu tuyến QL1 (quận Ô Môn, TP Cần Thơ).
Giống như các dự án thu phí trên quốc lộ khác, hai trạm BOT T1 và T2 áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt phương tiện qua trạm). Phương thức thu phí này không thể tránh khỏi bất cập, bởi những phương tiện đi quãng đường ngắn, phải qua trạm thu phí sẽ mất tiền, nhưng cũng có nhiều phương tiện đi quãng đường dài trong phạm vi dự án lại không phải đi qua trạm sẽ không mất tiền sử dụng dịch vụ đường bộ.
Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, hiện nay Bộ GTVT và nhà đầu tư đã miễn giảm giá vé cho 11.793 phương tiện, gồm 1.718 phương tiện thuộc địa bàn TP Cần Thơ qua trạm BOT T1 và 10.075 phương tiện thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang qua trạm BOT T2. Ngoài ra, Bộ GTVT đang chuẩn bị đầu tư dự án tuyến tránh Long Xuyên. Sau khi được xây dựng và đưa vào sử dụng, các phương tiện qua khu vực không phải qua trạm BOT T2.
Liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí T2, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang cho biết, ngày 22/5 vừa qua Hiệp hội một lần nữa đã có văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề xuất hướng xử lý trạm T2. Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, ngay từ khi trạm chuẩn bị xây dựng tại địa điểm đang tọa lạc, Hiệp hội Vận tải ô tô An GIang đã 15 lần kiến nghị liên tiếp, Bộ GTVT có công văn đặt ra việc miễn giảm. Tuy nhiên, theo ông Xuân thì đây cũng chỉ mới là những giải pháp mang tính tình thế, trước mắt, chứ chưa giải quyết triệt để được vấn đề này.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay "Bộ GTVT đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án. Phương án xử lý bất cập tại trạm BOT T2 đang trong giai đoạn nghiên cứu. Phương án cụ thể được đưa ra sẽ căn cứ trên cơ sở phương án tài chính dự án, đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Bộ GTVT hiện cũng đang nghiên cứu cả phương án di dời trạm BOT T2".
Trong trường hợp phải di dời trạm BOT T2 này, thì tỉnh An Giang phải chi ra số tiền khoảng 70 - 80 tỷ đồng. Vì vậy, theo ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở GTVT tỉnh này thì nên thực hiện phương án "đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu" khi qua trạm BOT T2 thay vì phải thực hiện di dời.