(Tổ Quốc) - Trong mỗi trận đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng, pháo sáng thường xuyên được xuất hiện đến nỗi trở thành nỗi ám ảnh.
200 triệu đồng là con số tiền phạt mà Hà Nội FC phải nhận tính từ đầu V-League 2019 cho đến nay. Trong đó có 3 vụ BTC trận đấu để khán giả đốt pháo sáng phải nộp tổng cộng 175 triệu và một vụ để khán giả ném chai nước, chửi bới nộp phạt 25 triệu đồng.
Từ trước đến nay, sân Hàng Đẫy luôn là địa điểm CĐV Hải Phòng "chọn" để đốt pháo sáng. Người hâm mộ đất Cảng luôn gọi sân nhà của đội bóng thủ đô là "Lạch Tray 2" và mặc sức quậy phá mỗi khi Hải Phòng làm khách trên sân Hàng Đẫy.
Còn nhớ, ở mùa giải 2014, CĐV Hải Phòng đã phô diễn lực lượng bằng cuộc diễu hành với 15 chiếc oto lớn, nhỏ cùng hơn 100 xe máy. Trong suốt quãng đường di chuyển, có không ít địa điểm mà đặc biệt là sân Hàng Đẫy được CĐV Hải Phòng nhuộm đỏ bằng "đặc sản" pháo sáng. Đến các mùa giải 2016, 2018, sân nhà của đội bóng thủ đô tiếp tục phải chịu tình cảnh tương tự. Trận đấu gần nhất giữa hai đội bóng tại vòng 6 V-League 2019, lượng pháo sáng được các CĐV Hải Phòng đốt trong trận đấu được cho là nhiều đến mức kỉ lục.
Dù đã triển khai một số biện pháp để kiểm soát tình trạng này nhưng dường như BTC trận đấu không đạt được quá nhiều kết quả. Ở mùa giải 2019, BTC sân Hàng Đẫy đã phải nhận án phạt 70 triệu đồng vì không thể ngăn CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng. Màn "đặc sản" của CĐV Hải Phòng thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh với BTC sân Hàng Đẫy.
Tăng cường lực lượng, có cản được pháo sáng?
Vào ngày 17/7 tới đây, CLB Hà Nội FC sẽ có cuộc tiếp đón CLB Hải Phòng trên sân nhà Hàng Đẫy tại vòng 10 V-League 2020. Rút kinh nghiệm từ những mùa giải năm trước. Năm nay, Cty CP Thể thao Hà Nội T&T phối hợp cùng Công an TP Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp quyết liệt hơn.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ cho biết: "Lường trước tính chất phức tạp, Trung đoàn CSCĐ đã tham mưu Giám đốc công an Thành phố bố trí lực lượng bao gồm hình sự, cơ động, phòng cháy chữa cháy, giao thông, công an Quận chuẩn bị cho trận đấu. Đặc biệt, công an Hà Nội sẽ triển khai tốt từ khâu kiểm soát khán giả vào trong sân. Lực lượng chức năng sẽ sử dụng tối đa các loại thiết bị kỹ thuật như cổng từ, máy soi để ngăn chặn, không cho cổ động viên mang chất cấm, hung khí, vật liệu nổ và các chất cấm khác vào trong sân".
Bên cạnh đó, Lực lượng cảnh sát cơ động sẽ bố trí cả dưới mặt sân và trên khán đài theo từng khu vực để kiểm soát, bắt giữ ngay những cổ động viên có hành vi gây rối như đốt pháo, gây thương tích cho CĐV hoặc những người có mặt trên sân; Sử dụng các hình ảnh camera giám sát thu thập được để xác định rõ và chính xác cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật tại sân bóng đá.
Công an Thành phố Hà Nội sẽ xử lý nghiêm và truy tố trước pháp luật cá nhân nào thực hiện và tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an toàn trận đấu, an ninh tính mạng sức khỏe của người khác.
Tuy nhiên, trên các fanpage của hội CĐV Hải Phòng, nhiều CĐV vẫn hô hào nhau thực hiện "truyền thống" vốn đã diễn ra nhiều năm qua. Các CĐV vẫn sẽ tìm cách qua mặt lực lượng chức năng mang pháo sáng vào sân bằng cách này hay cách khác. Không thiếu những trường hợp dù lực lượng an ninh đã "bày binh bố trận" rất kĩ lượng nhưng CĐV vẫn có thể mang pháo sáng trót lọt vào sân. Hình ảnh CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trên sân Mỹ Đình trong trận đấu giữa Việt Nam với Malaysia tối 16/11/2018 là một ví dụ.
Câu hỏi đặt ra là liệu dù đã tăng cường lực lượng an ninh nhưng chừng đấy đã đủ để cản được pháo sáng?