(Tổ Quốc) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta đã giáng một đòn trí mạng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Hoa Kỳ phải tuyên bố ném bom hạn chế và chấp nhận nói chuyện với ta. Cuộc đấu tranh ngoại giao của ta bắt đầu từ 13-5-1968, kéo dài 4 năm 8 tháng 14 ngày. Đây là cuộc đàm phán dài nhất trong thế kỷ XX.
Ngày 8-10-1972, ta chủ động đưa ra bản dự thảo: "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", ngày 22-10-1972 ta và Mỹ đã hoàn thành văn bản Hiệp định, Nich-xơn điện cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng: "Có thể tin ở chúng tôi là sẽ ký kết được vào ngày 31-10". Thế nhưng, sau đó họ lại tráo trở đòi sửa đổi.
Ngày 26-10, Chính phủ ta công bố văn bản Hiệp định và vạch trần thái độ lật lọng ngoan cố của Nich-xơn, sau phiên họp ngày 13-12-1972, chỉ còn lại vấn đề Khu phi quân sự, Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ về nước để xin chỉ thị của chính phủ mỗi bên. Ngay ngày hôm sau 14-12 Nich-xơn ra lệnh "tiến công bằng B.52 vào khu vực Hà Nội - Hải Phòng", ông ta viết trong hồi ký của mình: "Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi trong suốt cuộc chiến tranh này".
Khi đồng chí Lê Đức Thọ từ Pari về đến sân bay Gia Lâm, là lúc những tốp B.52 Mỹ đã rời đảo Gu-am được 4 giờ bay. Gần 100 máy bay B.52 theo đội hình hàng dọc kéo dài gần 70 dặm, khi vào đến vùng trời sông Mê Kông thì những chiếc EB.66 bay dọc theo đội hình để gây nhiễu phối hợp với hệ thống gây nhiễu của bản thân những tốp B.52, kèm theo nó là những tốp F4 nghi binh, F105 có tên lửa chống ra đa. Trước đó 30 phút, từng đàn máy bay F111 cánh cụp cánh xòe đã đánh vào hầu hết các sân bay của ta, tính ra cứ một chiếc B.52 lâm trận thì có 7 máy bay khác hộ tống, bảo vệ. Lần đầu tiên trên bầu trời miền Bắc có nhiều máy bay như vậy. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ chắc rằng "Hà Nội sẽ bị bất ngờ! Hà nội sẽ không chịu nổi một Hirôsima không có bom nguyên tử".
Thế nhưng Hà Nội - Hải Phòng và các vùng phụ cận đã sẵn sàng nghênh chiến từ lâu - Phương án và thế trận đánh B.52 bảo vệ Hà Nội đã sẵn sàng.
Địch gọi cuộc tập kích vào Hà Nội - Hải Phòng là chiến dịch Linebecker II, chúng đã dùng 193 chiếc máy bay B.52 (chiếm 48% lực lượng toàn nước Mỹ) với 663 lần chiếc và 999 máy bay chiến thuật, trong đó có biên đội F111 50 chiếc với tổng số 3920 lần chiếc, số bom đạn sử dụng tương đương 5 quả bom nguyên tử ném xuống Hirôsima. Đây là trận đánh đường không hiện đại nhất, lớn nhất thế kỷ XX.
Ta đã thắng, địch đã thua, 81 máy bay bị bắn rơi, có 34 B.52, tỷ lệ 17%, một tỷ lệ mà Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ không chịu nổi (Theo tài liệu Mỹ, trong chiến tranh thế giới II cứ 64 phi xuất máy bay ném bom thì có 1 chiếc bị hạ, trên không phận Hà Nội cứ 49 phi xuất có 1 B.52 bị hạ - Tạp chí AIR FORCE MAGASINE 2-1973).
Nỗ lực chiến tranh cuối cùng của Mỹ bị thất bại, Nêgrôpôn nhận xét: "chúng ta ném bom Bắc Việt để rồi chính chúng ta chấp nhận nhượng bộ".
Trong tác phẩm "Gió ngang: những điều không thể thiếu về mặt văn hóa của cuộc chiến tranh đường không", Etinpho, tiến sĩ lịch sử quân sự, giáo sư Học viện Chỉ huy tham mưu Không quân Mỹ đã lý giải sự thất bại của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta bằng Không quân và Hải quân Mỹ như sau: "Năm 1975, Mỹ đã để một nhà nước được Mỹ đẻ ra và nuôi dưỡng hơn hai thập kỷ sụp đổ, vì cuộc chiến tranh của Mỹ đã thất bại từ lâu. Nó thất bại vì đối phương đã đề ra một chiến lược quân sự giỏi hơn, một chiến lược nhận thức chiến tranh ở phạm vi rộng lớn hơn, coi như là một hiện tượng văn hóa kết hợp chặt chẽ với các mặt xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao cũng như quân sự. Không lực - sức mạnh to lớn nhất của Mỹ bị "cơn gió ngang" văn hóa và lịch sử làm cho tê liệt."
Vậy "cơn gió ngang" văn hóa lịch sử Việt Nam làm tê liệt (nói đúng hơn là đánh bại) cuộc chiến tranh phá hoại hơn 8 năm ròng mà đỉnh cao của nó là chiến địch Linebecker II của Mỹ vào Hà Nội - Hải Phòng mà Etinpho nói đến ở đây là những nhân tố văn hóa, lịch sử nào?
Phải chăng những nhân tố văn hóa, lịch sử ấy nằm trong truyền thống yêu nước, yêu hòa bình trong độc lập tự do của dân tộc Việt Nam được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy trong mỗi người dân và trong cả cộng đồng dân tộc. Tầng sâu văn hóa - lịch sử biểu hiện trên những nội dung chính dưới đây:
1. Phát huy truyền thống đoàn kết - cố kết, hòa đồng dân tộc, xây dựng thành công thế trận phòng không nhân dân.
Trong cuộc đối đầu với chiến tranh đường không kỹ thuật cao của đế quốc Mỹ, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, khơi dậy lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân, góp phần xây dựng thành công chiến lược phòng không nhân dân, phát huy tối đa sức mạnh chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi người dân. Vận dụng cả hình sông, thế núi trong xây dựng thế trận, loại bỏ dần những lợi thế về lực lượng không quân mạnh nhất của địch. Với sự giúp đỡ về trang bị vũ khí của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô. Trên cơ sở đó sáng tạo cách đánh phong phú.
Trong hơn 8 năm, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Nhân dân miền Bắc đã tham gia 261.874.625 ngày công, đào đắp được 35.290.494 m3 đất đá, làm được 23.144.589 hầm hố cá nhân, 3.714.764 hầm tập thể 18.044m địa đạo, 1.296km hào giao thông. Nhân dân còn xây dựng trận địa, làm trận địa giả nghi binh, lừa địch, chủ động giúp bộ đội tháo gỡ được 211.195 quả bom các loại.
Công tác phòng tránh và sơ tán được nhân dân thực hiện nghiêm và chặt chẽ. Trong cuộc tập kích chiến lược bằng B.52, chúng ta đã đưa được 80 đến 90% số người cần sơ tán ra khỏi những nơi địch uy hiếp. Những ngày đó, riêng Hà Nội đã huy động 182 xe ca, 54 xe tải liên tục vận chuyển nhân dân không thu vé, đưa gần 30 vạn người ra khỏi thành phố, cùng với các phương tiện do nhân dân tự túc đã đưa 50/60 vạn dân Hà Nội về nơi sơ tán an toàn. Những người ở lại đều có ba hầm trú ẩn (ở nhà, ở cơ quan, trên đường đi).
Do tổ chức phòng tránh tốt nên thiệt hại về người ở Hà Nội cao nhất là 1% (Khâm Thiên). Trong chiến tranh thế giới thứ II, máy bay Mỹ - Anh cũng tập kích thành phố cảng Hăm-buốc (Đức) trong 11 ngày giết chết 41.000 người, làm bị thương 37.000. So với cuộc oanh kích ở Hăm-buốc, số bom đạn ném xuống Hà Nội gấp nhiều lần, nhưng thiệt hại của ta chỉ xấp xỉ 1/10 con số trên. Trong chiến tranh Triều Tiên, Mỹ cũng ném bom hủy diệt Bình Nhưỡng. Tính chung cả cuộc chiến tranh dân Triều Tiên chết 3 triệu, trong đó 1,13 triệu chết vì máy bay.
Hà Nội còn tổ chức hơn 400 trại sơ tán cho các cháu dưới 6 tuổi, hàng trăm trường học cho các cháu lớn hơn, nhiều trường học được tổ chức theo phương thức "Học trường làng, ở nhà dân, ăn tập thể", mỗi cháu được trợ cấp từ 3 đến 5 đồng một tháng (tương đương 8 đến 12 kg gạo).
Chính vì vậy mà khi chiến tranh vừa kết thúc một thời gian ngắn, thế giới hết sức ngạc nhiên trước hiện tượng học sinh Việt Nam đã chiếm được các giải cao không chỉ các môn khoa học tự nhiên, mà còn đạt giải cao các kỳ thi âm nhạc, cờ vua, cờ tướng quốc tế. Sau chiến tranh một thời gian, chúng ta đã có những nhà khoa học đủ sức bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế.
Truyền thống văn hóa dân tộc "nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng" được phát huy. Nét đẹp văn hóa này còn lưu giữ trong ký ức của cả một thế hệ trẻ lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ.
2. Trí tuệ Việt Nam được phát huy, phát triển cao trong cuộc đọ sức với cuộc chiến tranh đường không công nghệ cao của bộ máy chiến tranh Mỹ.
Tư chất thông minh, sáng tạo là một bản sắc lâu đời của dân tộc ta, không phải tự nhiên mà có, nó hình thành phát triển và được khảo nghiệm qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Bác Hồ, tư chất thông minh sáng tạo của nhân dân ta đã có bước phát triển về chất, khi được trang bị nhân sinh quan và thế giới quan của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đối đầu với cuộc chiến tranh đường không của đế quốc Mỹ, chính là nhân dân ta đối đầu với những sản phẩm tinh túy nhất của bộ máy chiến tranh tư sản Hoa Kỳ - những vũ khí kỹ thuật và phương thức tiến hành chiến tranh được sản sinh ra từ một xã hội hậu công nghiệp, từ những đại biểu ưu tú nhất của trí tuệ nước Mỹ. Để đánh thắng cuộc chiến tranh này, trí tuệ Việt Nam đòi hỏi phải được phát triển toàn diện lên tầm cao mới.
Trước hết nói về trí tuệ của Bộ thống soái, những người hoạch định và điều hành cuộc chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta dã xây dựng sáng tạo và qui tụ sức mạnh, trí tuệ của toàn dân với sức mạnh và trí tuệ của thời đại, tiến hành một cuộc chiến tranh đất đối không chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Đấy là toàn dân đánh máy bay và tàu chiến địch, toàn dân làm công tác phòng tránh, toàn dân bảo đảm giao thông vận tải. Nghệ thuật quân sự phòng không của ta biểu hiện tập trung tính tổng hợp của nhiều yếu tố: tư tưởng, tổ chức và cách đánh. "Nghệ thuật kết hợp tích cực tiến công đánh địch với phòng tránh, kết hợp tác chiến với bảo vệ sản xuất và sản xuất, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, kết hợp đánh thắng địch, bảo vệ miền Bắc với tăng cường sức mạnh chiến đấu cho cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam".
Tài trí của nhân dân và các lực lượng vũ trang ta đã sáng tạo ra cách đánh máy bay thích hợp với con người và điều kiện Việt Nam, kết hợp một cách tài tình giữa vũ khí thô sơ, tương đối hiện đại và hiện đại.
Trong cuộc đọ sức 12 ngày đêm ấy, Hà Nội có 78 bệ phóng tên lửa, nhưng ít người hiểu rằng: "bệ phóng" vững chắc nhất của mỗi quả tên lửa là chế độ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã sản sinh ra một thế hệ thanh niên mới, có lòng yêu nước nồng nàn, có trình độ văn hóa cao, có sức khỏe, lại được đào tạo cả trong nước và nước ngoài, đã được rèn luyện qua nhiều năm chiến đấu, để có thể làm chủ một cách sáng tạo tên lửa, ra đa, máy bay MIG. Hồi đó, ở các trận địa tên lửa, ở các trung tâm điều khiển ra đa, "anh Bộ đội Cụ Hồ" gồm những thanh niên ưu tú có trình độ học vấn tú tài hoặc đại học, những công nhân kỹ thuật làm chủ khoa học và kỹ thuật để sáng tạo ra cách đánh độc đáo của Việt Nam.
Thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội đã thể hiện một đỉnh cao trí tuệ Việt Nam. Một chính khách tầm cỡ của Mỹ đã nói: "Nếu Việt Nam chỉ anh hùng không thôi thì chúng tôi sẽ đè bẹp. Nhưng Việt Nam vừa anh hùng và rất thông minh sáng tạo nên chúng tôi đã thua". Còn tiến si Etinpho thì thừa nhận: "Cuộc tiến công đường không của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam đã vô tình cổ vũ sức mạnh văn hóa của người dân Việt Nam, đoàn kết họ trong cuộc chiến đấu đương đầu với Mỹ".
Khi tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại hội Đảng lần thứ tư đã khẳng định: "Không chỉ là thắng lợi của đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn mà còn là thắng lợi của chính sách văn hóa của Đảng".