• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trần Lực: Vai diễn Trịnh Công Sơn của tôi bị chê cũng là bình thường

Phim 16/06/2022 23:59

(Tổ Quốc) - Trần Lực rời xa màn ảnh 10 năm bởi anh đã hóa thân vào nhiều vai diễn và cảm thấy nhàm chán. Nhưng vai Trịnh Công Sơn của Em Và Trịnh đã mang đến cho anh những cảm xúc mới mẻ.

Em và Trịnh đang dẫn đầu doanh thu ngày cao nhất phòng vé, lên tới 7,2 tỷ đồng (15/6), cao hơn gấp đôi suất chiếu sớm mở màn. Con số này giúp nâng tổng doanh thu phim lên hơn 30 tỷ đồng sau 5 ngày chiếu sớm. 

Và cuộc trò chuyện của chúng tôi với nghệ sĩ Trần Lực bắt đầu bằng sự đón nhận của khán giả dành cho bộ phim qua doanh thu phòng vé khả quan. Trần Lực cho biết anh cảm thấy vui, hạnh phúc khi được góp mặt trong một dự án lớn, đánh dấu sự trở lại với phim ảnh sau 10 năm. Nghệ sĩ kỳ cựu tâm sự anh cũng chấp nhận những lời khen chê, ý kiến trái chiều về vai diễn Trịnh Công Sơn tuổi trung niên. 

Trần Lực: Đóng quá nhiều phim, tôi thấy nhàm chán và muốn dừng lại

Bình thản trước ý kiến trái chiều về vai diễn

Diễn viên luôn tìm chìa khóa cho vai diễn của mình. Với vai Trịnh Công Sơn, chìa khóa anh mở ra thế giới của nhân vật là gì?

Nói chìa khóa thì hơi bí hiểm nhưng khi đóng nhân vật nào tôi cũng phải tìm cách thể hiện nó tốt nhất. Vai Trịnh Công Sơn có sự khác biệt với các nhân vật khác tôi từng thể hiện vì ông được các thế hệ khán giả yêu thích với gia tài âm nhạc đồ sộ. Âm nhạc của ông có nhiều lớp lang, có người nhìn thấy sự lãng mạn của tuổi trẻ, người nhìn thấy tính Phật giáo, có người thích tính triết lý về cuộc đời. Với một người tài hoa, giàu cảm xúc như thế, khán giả đều có tưởng tượng một Trịnh Công Sơn của riêng mình.

Phim này tái hiện chân dung nhạc sĩ nhưng vẫn là phim điện ảnh, có hư cấu. Tôi nghĩ mình phải diễn ra một Trịnh Công Sơn đời thường nhất, chứ không phải ở trên sân khấu hay những buổi event. Ông Sơn qua cảm nhận của tôi là người lãng mạn, hồn nhiên, chân thành, có tâm hồn mong manh, bên ngoài gầy gò nhưng năng lượng tràn đầy.

So với tưởng tượng và sự chuẩn bị của anh, vai diễn trên màn ảnh có thật sự khiến anh hài lòng?

Đó chính là Trịnh Công Sơn trong tưởng tượng của tôi và đạo diễn. Tôi và Avin Lu cùng đóng một người và mỗi người có suy nghĩ, tưởng tượng khác nhau về vai diễn. Nhưng tôi nghĩ là diễn viên, ai cũng tưởng tượng sao cho gần gũi với khán giả nhất. Nghề diễn viên là như thế. Nếu tôi diễn theo sự dập khuôn, bắt chước thì mọi người sẽ thấy nhân vật vô hồn ngay.

Khoảnh khắc nào trong phim, anh cảm thấy nhân vật của mình gần với nguyên mẫu nhất?

Tôi không biết và cũng không quan tâm chuyện đó. Khi đã định hình nhân vật, tin nhân vật thì tôi cứ thế diễn thôi. Nếu không tin thì làm sao thể hiện được, trước ống kính sẽ lộ ra ngay sự bối rối. Và khán giả sẽ thấy vai diễn đó giả, kệch cỡm.

Trần Lực: Vai diễn Trịnh Công Sơn của tôi bị chê cũng là bình thường - Ảnh 2.

Sau khi phim chiếu sớm thì có luồng khán giả nhận xét vai Trịnh Công Sơn trung niên của anh có phong thái không giống nguyên mẫu. Anh có từng lo ngại về việc này?

Đóng nhân vật nổi tiếng, là thần tượng của nhiều người, chắc chắn luôn có ý kiến trái chiều. Có người đồng cảm, sẽ có người chê. Đó là chuyện tất yếu, không riêng gì diễn viên, với bất cứ ngành nghệ thuật biểu diễn nào cũng thế. Âm nhạc cũng vậy, với một ca khúc, mỗi người ca sĩ có cách thể hiện khác nhau. Chất giọng và quan điểm của họ về tác phẩm đó khác nhau. Vì vậy nếu tôi bị chê về vai diễn là bình thường. Một tác phẩm phải có những ý kiến tranh cãi, mới chứng tỏ được quan tâm. Nếu không, bộ phim đó sẽ bị lãng quên.

Khi đóng vai Trịnh Công Sơn, tôi tự tin ở bản thân mình, tin nhân vật của mình. Mình phải hiểu rằng vai diễn, sản phẩm nghệ thuật đúng với người này nhưng chưa chắc hợp với người khác, chứ không phải là môn toán, đúng sai rõ ràng. Nếu bị xao động trước những ý kiến trái chiều thì mình không làm nghề được đâu.

Anh cảm thấy sao khi khán giả dành lời khen cho phần diễn xuất của các bạn diễn viên trẻ, tay ngang như Bùi Lan Hương, Hoàng Hà nhiều hơn anh?

Tôi thấy như vậy quá tốt. Một bộ phim được tạo nên bởi nhiều thành phần khác nhau. Dàn diễn viên phải diễn đồng đều, không thể người này diễn hay, người kia dở được. Nếu tôi diễn hay mà người bên cạnh diễn không tới thì vai của tôi cũng chết theo.

Những thành công của các bạn trẻ là minh chứng những người xung quanh đã diễn đồng đều, thổi lửa cho họ. Nếu chỉ có một người diễn giả thì cả dàn hỏng hết. Các bạn trẻ được khen, chứng tỏ tôi cũng góp một phần nào đó để các bạn tỏa sáng.

Trần Lực: Vai diễn Trịnh Công Sơn của tôi bị chê cũng là bình thường - Ảnh 3.

Casting 3 lần mới được nhận vai Trịnh Công Sơn

Vì sao anh chọn Em và Trịnh cho sự trở lại sau 10 năm dừng đóng phim?

Trước đây, tôi không có ý định quay trở lại với nghề diễn viên. Tôi đã tưởng mình không bao giờ đóng phim nữa bởi nghĩ mình đã có tuổi và trong suốt thời gian trước, bản thân đã đóng quá nhiều phim. Mà trên đời, làm gì nhiều cũng sẽ bị chán. Vì thế, tôi chuyển hướng làm đạo diễn, sản xuất, sân khấu. 

Khi có lời mời đóng Em và Trịnh, tôi đồng ý ngay, bay từ Hà Nội vào TP.HCM. Tôi không chỉ casting một lần mà phải trải qua 3 lần mới thuyết phục được nhà sản xuất. Trong một tháng, tôi phải cải thiện ngoại hình, học nói tiếng Huế, tập đàn và hát sao cho giống nhạc sĩ nhất. 

Đây là vai diễn tôi rất yêu và cảm thấy thích thú. Tôi yêu âm nhạc của Trịnh Công Sơn, tâm hồn và nhân cách lớn của ông ấy. Chính vì vậy tôi trở lại với điện ảnh sau 10 năm. 

Đa số các nghệ sĩ kỳ cựu ở Hà Nội không chấp nhận việc casting. Với anh, không chỉ casting một lần, mà phải đến 3 lần mới được nhận. Anh vẫn không ngại?

Đã là nghệ sĩ chỉ là thực sự hay không, chứ không có nghệ sĩ lớn hay nghệ sĩ bé. Việc thử vai đến ba lần, sau khi phải thay đổi ngoại hình giảm 10 kg, học hát, luyện lại guitar là để chứng tỏ mình nghiêm túc với nhân vật. Chuyện casting là bình thường với diễn viên. Tôi cảm thấy may mắn khi đoàn phim đã tạo điều kiện cho mình chuẩn bị trong mấy tháng. Vì thế tôi tự tin về vai diễn này. 

Trần Lực: Vai diễn Trịnh Công Sơn của tôi bị chê cũng là bình thường - Ảnh 4.

Khi làm việc khác với ê-kíp trẻ, anh gặp khó khăn gì?

Tôi thấy cách làm việc của các bạn đã khác chúng tôi ngày xưa rất nhiều, hiện đại, năng động hơn. Khi làm việc với ê-kíp Em và Trịnh tôi thấy đều là những người giỏi. Phan Gia Nhật Linh là đạo diễn oách đấy, sản xuất có tâm, giỏi nghề, đầy chất nghệ sĩ. Quay phim của Em và Trịnh cũng rất trẻ. Bằng tuổi bạn ấy, ở thời bọn tôi thì còn lâu mới làm được như thế. Thiết kế của Hà Đỗ thực hiện bối cảnh, phục trang trải dài qua thời gian đã phải làm ngày đêm, kỹ lưỡng. Các bạn trẻ đã làm việc với tinh thần mới, suy nghĩ khác thời của chúng tôi. Tôi không cảm thấy khớp, ngược lại các bạn tạo cho tôi động lực. Nhờ các bạn tôi có nhiều năng lượng để làm việc. Ở sân khấu, tôi cũng làm việc với hầu hết các bạn trẻ.

Tôi học đạo diễn nên đến phim trường vẫn mắc bệnh nghề nghiệp, thường xuyên để ý công việc của ê-kíp. Tôi yêu các bạn trong ê-kíp lắm bởi mấy tháng làm việc ngày đêm với nhau. Bao giờ, đóng máy đoàn phim, tôi lại có những người bạn mới. Hiện nay, tôi vẫn liên lạc với các bạn trong ê-kíp và giữ mối quan hệ tốt với họ.

Anh nhận xét gì về dàn diễn viên trẻ, tay ngang, nhiều người lần đầu đóng phim trong Em và Trịnh?

Làm phim ở mỗi giai đoạn sẽ có những khác biệt nhưng điểm chung không bao giờ thay đổi là diễn viên phải yêu nghề, đắm đuối với nhân vật, cố gắng thể hiện tốt nhất vai diễn mà mình có thể.

Ngày xưa diễn viên tay ngang chỉ đóng vai nhỏ nhưng bây giờ các bạn có thể đảm nhận vai diễn dài hơn. Tuy nhiên, trước đó, các bạn có học diễn xuất. Khi làm sân khấu, tôi nhận diễn viên cũng linh động, có người mới học 3 tháng đã được chọn. Tôi coi trọng năng lực thực sư, cái tôi của nghệ sĩ trên sân khấu. Tất nhiên khi vào diễn, tôi phải đào tạo thêm. Dù không đào tạo bài bản nhưng bạn phải có tài, năng khiếu, bản năng mạnh mẽ. Việc học diễn xuất bây giờ cũng khác xưa. Ngày xưa, cứ phải trường lớp, sách vở. Bây giờ, các bạn có học trên mạng, tài liệu phong phú, đa dạng.

Trần Lực: Vai diễn Trịnh Công Sơn của tôi bị chê cũng là bình thường - Ảnh 5.

Chân Tử Đan từng chia sẻ cách chọn bạn diễn nữ khi đóng chung cùng anh ấy là không phẫu thuật thẩm mỹ. Quan điểm của anh về vấn đề này?

Tôi không phản đối chuyện phẫu thuật thẩm mỹ nhưng làm nghề diễn viên biểu cảm cơ mặt là tối quan trọng. Trời phú cho mỗi người mỗi gương mặt hài hòa, xấu điểm này nhưng đẹp điểm khác. Cái đẹp tự nhiên là sự duyên dáng, hài hòa. Nếu đụng tới dao kéo, biểu cảm trên gương mặt sẽ hạn chế, dễ bị đơ. Tôi tôn trọng quyết định làm đẹp của mọi người. Nhưng với diễn viên thì tôi phản đối.

Ở vai trò giám đốc hãng phim, người đứng đầu sân khấu Lucteam, cách anh chọn diễn viên chính như thế nào? 

Tôi cũng quan điểm giống ngôi sao võ thuật Trung Quốc. Những chuyển động của cơ mặt quan trọng, nó biểu lộ tình cảm, cảm xúc. Diễn viên trong sân khấu tôi không có bạn nào thẩm mỹ cả. Tôi khuyên các em ấy không nên vì các em đã đẹp rồi. Có bạn niềng răng cũng hỏi ý kiến tôi. Tôi chỉ phân tích và hầu hết các bạn nghe theo, giữ vẻ đẹp tự nhiên.

Các vở diễn sân khấu đa số giống nhau, gây nhàm chán

Những năm qua sân khấu Việt Nam khó khăn vì lượng khán giả giảm sút. Là đơn vị sân khấu xã hội hóa hiếm hoi ở Hà Nội, anh đối diện với khó khăn ra sao?

Nếu sân khấu của nhà nước có được địa điểm, sân khấu và được cấp vốn hoạt động. Chúng tôi không có nơi diễn cố định, phải trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng. 

Lucteam thành lập từ năm 2017, phong cách của chúng tôi là khai thác tính ước lệ của sân khấu, tiếp cận sân khấu kịch đương đại. Từ 2017 đến 2019, chúng tôi đã có một lượng khán giả ổn định ủng hộ sân khấu. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, hai năm qua, chúng tôi hầu như không diễn. Gần đây, chúng tôi mới trở lại tập vở và diễn được một vài suất.

Trần Lực: Vai diễn Trịnh Công Sơn của tôi bị chê cũng là bình thường - Ảnh 6.

Theo anh, trong sự cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu liệu có thể tồn tại? 

Thời gian qua, sân khấu cả nước như đứng một chỗ, lượng khán giả giảm sút. Nếu nói khán giả quay lưng với sân khấu là sai. Khán giả không bao giờ bỏ sân khấu bởi loại hình này có sức hấp dẫn riêng, không có loại hình nào nghệ thuật nào có thể thay thế được. Quan trọng là người làm nghề, chúng ta tạo ra tác phẩm thế nào mà thôi. Người làm nghệ thuật phải làm sao, tạo nên sản phẩm hấp dẫn để khán giả muốn đến sân khấu. Hiện tại, các vở diễn sân khấu Việt Nam đa số giống nhau và gây nhàm chán.

Gia đình phản ứng ra sao khi anh bỏ tiền đầu tư sân khấu - lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, mất nhiều hơn được?

Từ năm 2017 đến 2019, tôi xác định chỉ cần khán giả không tới ủng hộ, tôi sẽ giải tán sân khấu. Nhưng thời điểm đó, Lucteam vẫn là nơi được khán giả yêu thích. Tôi nghĩ đam mê nghệ thuật là một chuyện, quan trọng nhất phải làm ra sản phẩm chạm đến trái tim khán giả.

Nguồn ảnh: Tổng hợp

Bài viết: Nam Bình - Clip: King Pro

NỔI BẬT TRANG CHỦ