• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trần Nhật Minh và những “tháng năm rực rỡ” của thế hệ 8x

Văn hoá 25/03/2018 08:27

(Tổ Quốc) -Nếu phim ảnh có “Tháng năm rực rỡ” thì với thơ ca “Khúc hát cánh đồng” sẽ mang đến cho độc giả những thước phim tương tự của thế hệ 8x.

Một ngày nào đó giữa ồn ào phố thị bạn lỡ chạm tay vào tập thơ Khúc hát cánh đồng của Trần Nhật Minh để dừng lại đọc thì dường như tập thơ như một thứ vách ngăn kỳ diệu khiến bạn cô lập với những ồn ào của đô thị để trở về với tuổi thơ, với cánh đồng, với những hoài niệm chan chứa kỷ niệm.

Trần Nhật Minh cũng giống như những người của thế hệ 8X có tuổi thơ gắn với làng quê rồi khi trưởng thành lại phải xa cái nơi chôn rau cắt rốn đó vì cuộc sống mưu sinh. Thế nên dễ hiểu sự cô đơn, sự đau đáu của Trần Nhật Minh giữa đô thị và quê hương nó thường trực, nó trở đi trở lại như thế nào.

Nhưng cái cảm nhận dễ nhận thấy của Khúc hát cánh đồng dường như là nỗi buồn. Nỗi buồn của Trần Nhật Minh là thứ xuất phát từ chính hoàn cảnh, con người và tất cả những gì liên quan đến tác giả. Để rồi, nó lặn vào trong và trào ra thành chữ như một lẽ tự nhiên, một sự chia sẻ, một cuộc độc thoại. Nỗi buồn của Trần Nhật Minh khác với nhiều tác giả khác mà có lẽ ở cùng tuổi với anh, khi sự trải nghiệm cuộc sống chưa quá nhiều, hoặc may mắn không phải đi qua những mất mát, những nỗi buồn, họ phải “níu” vào nỗi đau của người khác để đồng cảm, để nói hộ.

Bìa tập thơ. Ảnh:vietnamnet

Điểm khác nữa trong thơ Trần Nhật Minh là nỗi buồn không chỉ đơn thuần là sự giãy bày, nhớ nhung mà đó là một khoảng lặng, một miền ánh sáng để con người thấy được nơi đó thật đẹp đẽ, ấm áp.  Nỗi buồn như thể được “hóa kiếp”.

Một tập thơ được Trần Nhật Minh viết ra như thể để tác giả tự trả nợ cho những gì cuộc sống từng mang lại cho mình, có cả hạnh phúc lẫn nỗi đau chứ không phải một thứ trả nợ mà mình đã vay mượn. Những mảng màu ký ức của Trần Nhật Minh dù giản dị, trong sáng, đẹp đẽ hay đau buồn cũng đều được tác giả mang theo ở bất cứ đâu, không gì có thể xóa bỏ, thay thế.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét về Khúc hát cánh đồng: Trong thơ của Trần Nhật Minh, giữa bao tầng cảm xúc, giữa lớp lớp hình ảnh và sự chìm sâu của suy tưởng, tôi thấy một con đường hiện lên. Đó là con đường của sự trở về. Và tôi vừa bị ám ảnh và vừa được gợi mở từ con đường ấy. Con đường trở về ấy là con đường để rời bỏ những phù phiếm, những cám dỗ và những hoang mang vô định và trở về một nơi chốn mà những giá trị muôn đời trú ngụ. Chỉ ở đó, nhà thơ, một con người, mới tìm thấy những gì thực sự có ý nghĩa với đời sống.

Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: Đọc thơ Trần Nhật Minh tôi cảm nhận được thêm hai tiếng “thơ ca”. Thơ Minh như là những tiếng ca, lời ca vì tính nhạc phát ra trước hết tự trong lòng tràn vào câu chữ, hình ảnh, âm thanh. Thơ Minh nhiều cảm xúc, dòng tình cảm lan chảy trong những câu thơ có khi như thừa thãi, tràn trề. Có cảm tưởng ở đâu, lúc nào tiếng đàn thơ trong tâm hồn Minh đều có thể bật lên cung điệu, và những cung điệu đó bất cứ khi nào cũng tạo được sự đồng điệu trong hồn người. Minh viết về những người thương ruột thịt của mình, về những con người gặp gỡ trong đời, về cánh đồng quang cảnh quê hương, về nhiều thứ khác nữa, nhưng thơ không phải là “cá kể đầu rau kể mớ”. Minh có viết thơ về gì thì cũng là để viết về Minh đấy thôi, để cái bản tính thi sĩ trong mình bộc phát ra, chan hòa với thế giới, với mọi người. Minh bằng thơ rất muốn giao hòa với nhân sinh. Nhưng thẳm sâu thơ Minh buồn một nỗi buồn cô đơn nhân thế. Cái buồn trong thơ Minh dìu dịu, lặng lẽ làm cho những câu thơ của Minh chỉ nên đọc ở một gam trầm, không vóng vót, không ồn ào.

Trần Nhật Minh sinh năm 1981, hiện công tác tại VTC. Anh từng xuất hiện tại sân thơ trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam,và là đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ thủ đô. Tập thơ Khúc hát cánh đồng gồm 49 bài thơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ