• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trần Văn Cẩn và những ký họa sống cùng thời gian

25/06/2015 12:09

(Cinet)- Danh họa Trần Văn Cẩn là một trong bộ tứ hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm thành công với đa dạng thể loại và chất liệu. Trong đó, những bức ký họa màu nước đã để lại dấu ấn đặc biệt, khẳng định tài năng sáng tạo và khí chất của một họa sĩ tài danh.

Tác phẩm Thành cổ Đồng Hới

(Cinet)- Danh họa Trần Văn Cẩn là một trong bộ tứ hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm thành công với đa dạng thể loại và chất liệu. Trong đó, những bức ký họa màu nước đã để lại dấu ấn đặc biệt, khẳng định tài năng sáng tạo và khí chất của một họa sĩ tài danh.

Nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của họa sĩ Trần Văn Cẩn, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang diễn ra triển lãm "Trần Văn Cẩn với ký họa màu nước”, giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật hơn 80 tác phẩm ký họa màu nước do Trần Văn Cẩn sáng tác trong những năm 1955-1979 với 4 chủ đề chính: Chủ đề chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; Chủ đề lao động sản xuất; Chủ đề tranh phong cảnh và Chủ đề tranh chân dung.

Bộ sưu tập này đã từng được trưng bày lần đầu tiên vào năm 1980 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của ông. Và hôm nay, sau 35 năm, công chúng lại có cơ hội được chiêm ngưỡng, thưởng thức các tác phẩm ký họa màu nước nhẹ nhàng, tao nhã, đậm sắc thời gian, cảm nhận được phần nào ký ức, giai thoại và những câu chuyện đầy cảm động trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống. Từ đó thấy được một phong cách sáng tạo nghệ thuật riêng biệt thể hiện ở sự kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố tạo hình truyền thống của nghệ thuật dân tộc với việc tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa nghệ thuật tạo hình hiện đại thế giới của danh họa Trần Văn Cẩn.

Những tác phẩm ký họa màu nước của danh họa Trần Văn Cẩn đã phản ánh một cách chân thực hiện thực cuộc sống...



Điểm nhấn của triển lãm là những tác phẩm "Pháo thủ bảo vệ bờ biển", "Phong cảnh Bản Càng", "Hai thiếu phụ và em bé", "Vá lưới", "Phát hoang trồng sắn", "Thuyền Sông Hương", “Nữ dân quân Bảo Ninh,” “Cảnh giới,” “Vá lưới,” “Thuyền sông Hương,” “Ráng chiều trên đèo Nai,” “Cố Thiểm”...

Qua những tác phẩm này cho thấy họa sĩ Trần Văn Cẩn đã đi nhiều nơi, từ miền núi tới vùng biển, để ghi lại hình ảnh cuộc sống. Ông không ngần ngại vào các hầm mỏ, đến những chiến trường... vẽ lại những điều quan sát được bằng chất liệu màu nước. Đây không chỉ là những ký họa mang tính mỹ thuật, mà còn là những hình ảnh thực tế trong chặng đường kháng chiến chống Mỹ của lịch sử dân tộc.

...và đã trở thành những ký ức, giai thoại



Họa sĩ Trần Văn Cẩn tốt nghiệp khóa VI trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng năm với danh họa Nguyễn Gia Trí. Những cống hiến để đời của Họa sĩ Trần Văn Cẩn không chỉ thể hiện ở các tác phẩm mỹ thuật, mà trong những năm công tác của mình với nhiều vị trí quan trọng. Ông đã có nhiều công lao đóng góp, xây dựng sự nghiệp nền mỹ thuật Việt Nam nói chung cũng như thẩm định, tuyển chọn những tác phẩm hội họa có giá trị cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng. Ông đã từng giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Mỹ Thuật Việt Nam, là người có công lớn trong việc xây dựng phong trào và xây dựng phương hướng của mỹ thuật Việt Nam. Năm 1954, ông được bầu thay thế danh họa Tô Ngọc Vân đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Nam và giữ cương vi này trong 15 năm (1954-1969). Không chỉ có tác phẩm “Em Thúy” được công nhận là Bảo vật Quốc gia, danh họa Trần Văn Cẩn còn có rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao và được công chúng biết đến rộng rãi như: Gội đầu, Gánh lúa, Tát nước đồng chiêm, Bộ đội xây dựng cầu….

Đó là những cuốn "nhật ký bằng tranh" đầy giá trị nghệ thuật, mang đậm sắc màu thời gian



Với năng lực sáng tạo dồi dào về các thể loại và chất liệu kỹ thuật cũng như sở trường sử dụng chất liệu dân tộc, họa sĩ đã tạo một định hình cho bút pháp và phong cách sáng tạo riêng của mình mà ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được. Đó là sắc thái chân thực, hồn nhiên tươi mát, giàu chất trữ tình như tâm hồn lạc quan, yêu đời, phong độ tao nhã và thị cảm trong sáng của hoạ sĩ... Hoạ sĩ cũng đã dung hợp nhuần nhuyễn yếu tố tạo hình của truyền thống nghệ thuật dân tộc, nhất là tính chất truyền cảm ở nghệ thuật dân gian của ông cha ta và hấp thụ có hiệu quả tinh hoa nghệ thuật tạo hình hiện đại của nhân loại mà không rơi vào tình trạng lai căng hoặc phục cổ.

“Tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn không chỉ thể hiện chiều sâu trong suy nghĩ của tác giả mà còn thể hiện chiều dọc chiều dài lịch sử từ Bắc và Nam, từ thời trước Cách mạng cho tới công cuộc kháng chiến. Triển lãm lần này là dịp để công chúng thủ đô có cơ hội xem lại những hình ảnh về nông thôn Việt Nam, con người Việt Nam được tái hiện lại một cách hiền hòa, thông qua cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Với bút pháp phóng khoáng mà lại giản dị và không phô trương, những ký họa của ông đã trở thành ký ức, những giai thoại hay những câu chuyện đầy cảm động trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống" - Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.



CN (Ảnh: internet)

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ