Để thiết kế được phê duyệt, dự án khởi động, khu đô thị mới nào cũng có quy hoạch trường lớp, hạ tầng đồng bộ. Nhưng khi hồ sơ hoàn tất, các khu nhà cao tầng mọc lên nhanh chóng chỉ có đất xây trường bị bỏ hoang vì chủ đầu tư không mặn mà.
Đất xây trường “treo” vô thời hạn
Vất vả với việc khu đô thị thiếu trường, nhiều bậc phụ huynh ở Khu đô thị Định Công tỏ ra rất bức xúc bởi đáng ra họ không phải lo tính về vấn đề này.
Bản thiết kế được duyệt của khu đô thị này có đầy đủ các hạng mục như trường học, bệnh viện, khu vui chơi công cộng… Tuy nhiên, suốt 4 năm người dân chuyển đến đây sinh sống chỉ thấy đất chia thành lô, nhà cao tầng mọc lên mà trường lớp thì vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Chị Nguyễn Ngọc Bích (phòng 608) Nơ 14A chỉ 2 khu đất còn trống ngay phía sau khu nhà mình cho biết, theo thiết kế đó là khu đất xây dựng nhà trẻ và 1 trường phổ thông. Nhưng nhiều năm qua, hai khu đất vẫn cứ bỏ hoang mãi.
Khu đất quy hoạch để xây trường học trong KĐT mới Định Công quây tôn để đấy cả năm qua.
Dân ý kiến, đơn từ nhiều, hai khu đất hoang mà người dân tận dụng chia nhau trồng rau ăn mới được quây kín tôn, chủ đầu tư hứa xúc tiến việc xây trường nhưng hơn nửa năm nay, “quây tôn” vẫn chỉ là động thái duy nhất.
Bác Lê Nguyên Minh, tổ trưởng dân phố số 27B, Nơ 14A, Khu đô thị Định Công cho biết, nhà 14A có hơn 60 cháu trong độ tuổi mẫu giáo, phổ thông. Hầu hết các gia đình, bố mẹ đều là công nhân, đã “hưu non” theo chế độ 176, thuộc diện dân giải toả nút giao thông Ngã tư Sở chuyển về, không lương bổng, nghề nghiệp ổn định nên ai cũng lâm vào cảnh khó khăn vì lo chỗ học cho con.
Dân ở 7 khu nhà cao tầng trong khu đô thị đã nhiều lần làm đơn thư kiến nghị khi phát hiện khu đất gần chợ vốn thiết kế để xây trường bỗng bị “chuyển mục đích”, xây nhà cao tầng để bán nhưng chưa có kết quả.
Từ ban công nhà mình, bà mẹ trẻ ở căn hộ số 508 CT3 Khu đô thị Linh Đàm chỉ khu đất cỏ mọc tới lưng hàng rào tôn quây, lọt thỏm giữa những lô nhà biệt thự, chung cư cao tầng cho biết, theo thiết kế, đây là khu vực quy hoạch để xây trường học phục vụ dân trong khu đô thị nhưng đến nay vẫn chỉ thấy… cỏ.
Bao nhiêu hộ dân có điều kiện cho con em theo học khi trường quốc tế Bill Gates được xây ở Linh Đàm?
Khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội được phê duyệt năm 1997. Năm 2002, nhiều khu nhà đã hoàn thành, bán ra và dân cư bắt đầu “xôm tụ”. Nhưng đến giờ, khi diện tích nhà ở đã được lấp đầy thì khu đất xây trường vẫn trống trơn.
Năm ngoái, trước áp lực của dư luận, khu đất được rào lại, trưng biển xây trường học nhưng không mấy người dân thật lòng mừng với thông tin ấy. Ngôi trường tương lai mang cái tên tây, trường Quốc tế Bill Gates. “Lại một trường tư dành cho con nhà giàu”, chị Trịnh Thị Lan, phòng 507 CT3 thở dài.
Khu đô thị học ké… trường làng
Cô giáo Trịnh Linh Chi, Hiệu trưởng trường tiểu học Định Công cho biết, từ trước tới nay, trường chủ yếu tiếp nhận học sinh thuộc khu dân cư cũ: làng Định Công. Mùa tuyển sinh năm nay, số lượng tăng đột biến hơn 100 trường hợp.
Cô Chi cho biết, trường đang xây thêm 1 toà nhà 3 tầng để có thể tiếp nhận thêm nhiều học sinh vào năm học tới. “Tuy nhiên, không thể đáp ứng nhu cầu của cả khu đô thị mới”, cô Chi nói.
Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim, Phạm Đình Vinh khái quát cả khu vực dân cư cũ và dân ở 2 khu đô thị mới: Đại Kim - Định Công, Linh Đàm có 2 trường tiểu học, 1 trường cấp II, đều kế thừa cơ sở “trường làng”, phục vụ nhu cầu khu vực dân cư cũ.
Thống kê, dân số trong phường vào khoảng 25.000 nhân khẩu, trong đó 45% là dân thuộc các khu đô thị mới. Cơ sở trường lớp hiện tại thiếu nhiều so với nhu cầu, căng nhất là bậc tiểu học.
Cả khu dân cư bắc Linh Đàm hiện mới chỉ có 1 trường tiểu học Đại Từ dùng chung với khu vực dân cư cũ bờ nam sông Tô Lịch, số lớp ít, mặt bằng nhỏ hẹp. Dự án Khu đô thị Đại Kim - Định Công cũng có quy hoạch khu vực xây dựng trường nhưng đến giờ vẫn chưa khởi động.
Ít nhất 2 năm nữa khu Trung Hoà - Nhân Chính mới có trường học phục vụ dân khu đô thị.
Đánh giá chung, ông Vinh xác nhận, các dự án trường học cơ sở cho dân khu đô thị xây dựng chậm, yếu. Cả Khu đô thị như Linh Đàm thiết kế cho hàng nghìn hộ dân nhưng khi hoàn thiện, dân đến ở mới thấy sự bất cập vì thiếu trường thiếu lớp.
Ông Vinh “than” nỗi khó vì vấn đề quy hoạch, trong đó phương án xây dựng trường học tại các khu đô thị mới thuộc thẩm quyền của thành phố còn phường, thậm chí cả quận cũng không nắm, không quản lý được chủ đầu tư.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Từ Liêm nêu con số hơn chục khu đô thị mới trên địa bàn huyện đã được cấp phép xây dựng. Tất cả các dự án khu đô thị này đều do thành phố duyệt, huyện chỉ nhận bàn giao và quản lý. Tuy nhiên, đến giờ này, huyện mới chỉ nhận bàn giao, quản lý Khu đô thị Mỹ Đình 2.
Ông Tuấn cho biết thêm, trong quy hoạch chi tiết của các khu đô thị này khi được duyệt đều có quỹ đất dành cho việc xây dựng các trường học. Tuy nhiên, việc xây dựng trường công lập hay dân lập lại do thành phố quyết định.
Tại Khu đô thị Mỹ Đình 2 mà huyện Từ Liêm đã nhận bàn giao, hầu hết các trường học ở đây đều là trường dân lập, có chất lượng giảng dạy tốt dù chi phí không phải là rẻ. Rất nhiều hộ gia đình trong các khu đô thị phần nhiều chọn trường tư vì vướng mắc một số vấn đề trong việc chuyển hộ khẩu từ nơi ở cũ đến đây. Muốn con cái học đúng tuyến thì phải học ở trường cũ, có khi rất xa nơi ở mới.
(Theo Dân trí)