(Tổ Quốc) - Có 13 phim điện ảnh tham dự giải Cánh Diều 2017 trong tổng số 39 phim được sản xuất trong năm qua. Nhiều ý kiến khen, chê xung quanh chất lượng của các bộ phim.
Xem phim mà thấy mệt
Những bộ phim điện ảnh sẽ tham dự tranh giải Cánh Diều 2017 gồm: Bạn gái tôi là sếp (đạo diễn Hàm Trần), Giấc mơ Mỹ (Mai Thu Huyền), Em chưa 18 (Lê Thanh Sơn), Mẹ chồng (Lý Minh Thắng), Cô gái đến từ hôm qua (Phan Gia Nhật Linh), Ở đây có nắng (Đỗ Nam), Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (Mai Thế Hiệp), Sắc đẹp ngàn cân (James Ngô), Ngày mai Mai cưới (Nguyễn Tấn Phước), Đảo của dân ngụ cư (Hồng Ánh), Cô Ba Sài Gòn (Lộc Trần, Kay Nguyễn), Yêu đi, đừng sợ (Stephane Gauger) và Dạ cổ hoài lang (Nguyễn Quang Dũng).
Đây chỉ là 1/3 số phim được sản xuất trong năm 2017 tuy nhiên, theo nhiều nhà phê bình, con số này không nói được một cách đầy đủ về chất lượng của thể loại này trong năm 2017 nhưng cũng phản ánh được diện mạo của điện ảnh nước nhà trong năm qua, khi chỉ có những bộ phim do các hãng tư nhân sản xuất.
Nhiều nhà chuyên môn lo ngại về chất lượng các phim Việt hiện nay (ảnh Hồng Hà) |
Theo Đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, Trưởng BGK thể loại phim truyện điện ảnh của giải Cánh Diều năm nay, chất lượng của 13 phim dự giải không đồng đều. Giữa phim hay nhất và dở nhất chất lượng quá xa nhau. Có phim bám sát cả 4 tiêu chí của giải nhưng có phim không được tiêu chí nào. Điều đáng mừng là trong những phim do tư nhân sản xuất, đã xuất hiện phim nghệ thuật đề cao tính dân tộc, giá trị nhân văn sâu sắc, đề cao văn hóa dân tộc, cội nguồn, và tình người. Cũng đã có phim đề cập rõ nét tính cách và số phận nhân vật, thông qua đó có giá trị nhân văn, có sáng tạo và giá trị nghệ thuật cao.
Tuy nhiên, theo NSƯT Vũ Xuân Hưng, chưa có những phim đi vào đời sống của người Việt Nam, chưa có những nhân vật mang tính triết lý xã hội sâu sắc. Nhiều phim còn ôm đồm, nhiều tuyến nhân vật, rối. Thậm chí, có những phim cho thấy đạo diễn thiếu chuyên nghiệp, kịch bản vụng, diễn viên vụng, khiến người xem phim thấy giả hơn kịch. Yếu tố bất bình thường về giới tính đang bị các đạo diễn lạm dụng đưa vào phim.
Đồng quan điểm về chất lượng còn yếu của các phim tham dự giải Cánh Diều năm nay, đạo diễn, NSND Nhuệ Giang - thành viên BGK Phim điện ảnh cho biết: “13 bộ phim, chúng tôi xem trong 3 ngày. Hai ngày đầu ai cũng kêu đúng là thảm họa. 1/3 phim xem được nhưng chưa thật hoàn chỉnh, chưa thật sự thấy “sướng” và thật sự xuất sắc”.
Nữ đạo diễn cũng cho biết thêm: “Các đạo diễn cứ cho rằng phim phải hài mới ăn khách. Bởi vậy, tỷ lệ phim hài khá nhiều. Nhưng đáng tiếc là cái hài phải được xây dựng từ tình huống chứ không phải là cố tình làm ra hài được. Nhiều phim đang cố tình cường điệu để gây hài nhưng không tạo cảm giác hài hước mà chỉ thấy khó chịu”.
Thậm chí, đạo diễn của “Thung lũng hoang vắng” còn lo ngại: “Các phim không bám sát vấn đề đời sống dân tộc, không xây dựng kịch bản chuyên nghiệp, đưa ra thị trường chỉ có hại nhiều hơn là có lợi vì không giáo dục được thẩm mỹ cho người xem. Với đa phần khán giả là những người từ 18-30 tuổi, phim Việt cứ làm theo đà này sẽ tạo nên một thế hệ khán giả lười biếng, không suy nghĩ gì về đất nước, dân tộc, đời sống xã hội”.
Điện ảnh thị trường chính thức lên ngôi vua
Nhìn nhận lại 3 năm gần đây, thì chỉ có năm 2015 là còn những bộ phim Nhà nước đặt hàng. Năm 2015 có 41 phim điện ảnh được sản xuất trong đó có 7 phim Nhà nước. Năm 2016 có 35 phim, năm 2017 có 39 phim thì cả hai năm này đều chỉ có phim của tư nhân sản xuất.
Các phim Việt phải cạnh tranh gay gắt để trụ rạp |
Điều đó cho thấy, diện mạo của điện ảnh Việt Nam trong hai năm qua phụ thuộc vào các hãng phim tư nhân. Và theo đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn, điều này không có gì là không tốt.
“Phim Việt phải cạnh tranh khốc liệt với phim Hàn Quốc, phim Mỹ trong cuộc đua doanh thu. Nhưng nhìn lại, chúng ta có thể tự hào khi Em chưa 18 doanh thu đạt đến 175 tỷ. Rồi các phim khác như Cô ba Sài Gòn, Cô gái đến từ hôm qua, Mẹ chồng…. đều khiến khán giả nườm nượp kéo đến rạp. Có thể nói, điện ảnh thị trường đã chính thức lên ngôi vua” - Đạo diễn Trăng nơi đáy giếng khẳng định.
Cũng theo NSND Đào Bá Sơn, không có phim Nhà nước đặt hàng là một điều nhức nhối. Điện ảnh vẫn cần vai trò định hướng của Nhà nước trong vai trò sản xuất những bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa xã hội. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi không có những bộ phim nhà nước đặt hàng thì cần có cái nhìn cởi mở hơn.
“Chúng ta phải xem lại chúng ta, nếu không cẩn thận chúng ta sẽ bị già nua, không sống cùng với cảm nhận của các bạn trẻ. Ngày càng nhiều bộ phim ăn khách, chất lượng cao ra đời, các nhà làm phim đang từng bước hướng tới vẻ đẹp rất nhân văn... Các phim tư nhân cũng đã có bước tiến đáng kể xích lại gần hơn giữa ranh giới của phim nghệ thuật và phim thị trường”- Đạo diễn Đào Bá Sơn khẳng định.
Đồng quan điểm, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, vẫn có những bộ phim đề cập đến thân phận con người, đến cội nguồn như Dạ cổ hoài lang, Mẹ chồng, Đảo của dân ngụ cư… Tuy nhiên, nhiều phim cho thấy trình độ, tính chuyên nghiệp của diễn viên, đạo diễn chưa cao, chưa nhất quán. “Không chuyên nghiệp trong xây dựng kịch bản, trong chỉ đạo diễn xuất, trong diễn viên… khiến nhiều phim diễn rất cương, vênh, xem rất mệt”- Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận định.
Dẫu khen, chê còn tùy quan điểm, nhưng có một thực tế mà Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân chỉ ra thì là sự thực không thể phủ nhận. “Khi tính giải trí, thị trường đang chiếm thế chủ đạo, có vẻ như làm khởi sắc thị trường điện ảnh, tuy nhiên khả năng tiệm cận với điện ảnh thế giới của điện ảnh Việt Nam là rất thấp. Điện ảnh chúng ta hoàn toàn thiếu vắng tại các Liên hoan khu vực vài năm trở lại đây. Hy vọng trên nền tảng số lượng phim, công nghệ làm phim hiện đại, chuyên nghiệp sẽ xuất hiện nhiều tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, quyết liệt và độc đáo hơn đề ngang bằng với mặt bằng chung của khu vực”- Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân bày tỏ./.