(Tổ Quốc) - Những ngày qua, sự việc UBND phường Thuận Lộc, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho tư nhân thuê ngôi “Nhà di sản” ở số 117 Lê Thánh Tôn, TP. Huế nhận được sự quan tâm của nhiều người.
“Nhà di sản” thành… nơi tập gym!?
Theo tìm hiểu được biết, chủ nhân trước đây của ngôi nhà số 117 Lê Thánh Tôn (số 73 cũ) là ông Trương Như Cương (1850-1926, là một danh thần nhà Nguyễn) về sau để lại cho con trai là Trương Như Đính (1892-1970, Thượng thư Bộ Kinh tế cuối triều Nguyễn). Đây là một trong những ngôi nhà đẹp có nhiều giá trị khi phối hợp hài hòa giữa lối kiến trúc nhà rường Việt và kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20, điển hình cho dạng tư gia của quan lại triều Nguyễn trong kinh thành Huế.
Vào năm 1996, nằm trong chương trình giao lưu văn hóa Việt – Pháp, ngôi nhà đã được các chuyên gia vùng Nord Pas de Calais và Cộng đồng đô thị Lille chọn giúp đỡ, đầu tư một số tiền lớn để trùng tu, cải tạo và đặt tên là “Nhà di sản”.
Khối nhà sắt 2 tầng đồ sộ nằm ngay mặt tiền của “Nhà di sản”. |
Nhiều người chứng kiến kể lại rằng, ngôi nhà sau khi được trùng tu là một tổng thể toàn vẹn không chỉ về kiến trúc của nhà chính và còn có sân vườn với tường rào, bể cạn, hệ thống cây xanh,.. Một thời gian dài sau đó, đây trở thành địa chỉ văn hóa của Huế, là điểm đến tham quan của nhiều du khách và là công trình tiêu biểu thể hiện sự nỗ lực trong việc trùng tu, phục hồi những ngôi nhà cổ tại Huế.
Thế nhưng gần đây theo phản ánh của nhiều người dân, sau nhiều lần được cho thuê và mượn, hiện tại khoảng sân trước “Nhà di sản” 117 Lê Thánh Tôn đang được UBND phường Thuận Lộc cho một đơn vị tư nhân thuê lại để xây dựng công trình khác. Sự việc khiến nhiều người không khỏi bất bình.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc tại hiện trường, hiện tại toàn bộ phần sân của ngôi “Nhà di sản” đang được xây dựng bởi một khối nhà bằng sắt đồ sộ cao hai tầng. Người dân ở đây cho hay, đây là công trình do một tư nhân thuê lại phường Thuận Lộc để làm phòng tập gym.
Trước sự việc nêu trên, nhiều người đã bày tỏ ý kiến không đồng tình vì công trình mà đơn vị được thuê đang thi công nằm án ngữ ngay vị trí mặt tiền, đang làm phá vỡ đi cấu trúc toàn vẹn và những giá trị văn hóa vốn có lâu nay của “Nhà di sản”.
Ứng xử như thế nào với “Nhà di sản”?
Liên quan đến sự việc nói trên, trao đổi với báo chí, bà Phan Thị Cúc – Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc xác nhận, ngôi nhà kể trên là tài sản của phường nên hiện tại phường đang cho một tư nhân thuê làm trung tâm thể dục thể thao. Việc cho thuê này UBND phường cũng đã làm văn bản gửi lên UBND TP. Huế và đã được đồng ý.
Giấy tờ mua bán căn nhà 117 Lê Thánh Tôn (số 73 cũ) của UBND phường Thuận Lộc. |
Theo bà Cúc, ngôi nhà này được phường mua lại từ một gia đình vào năm 1988, việc mua bán này có giấy tờ và con dấu hẳn hoi. Cụ thể, nội dung trong giấy mua bán có ghi rõ: “Ông cha của chúng tôi là Trương Như Đính (đã mất) có để lại một nhà vườn tại 73 Lê Thánh Tôn, Thành Nội Huế. Nay vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ba chị em chúng tôi là Trương Thị Bích Cầu, Trương Thị Cẩm Nhung, Trương Thị Huỳnh Cầm - con gái của bà Cao Thị Diệm là vợ chánh thất của cụ Trương Như Đính. Bà Cao Thị Diệm đã qua đời, ba chị em chúng tôi đồng ý ký tên thị thực sau đây thuận bán căn nhà vườn số 73 đường Lê Thánh Tôn, thành nội Huế cho khu phố Thuận Lộc để lấy tiền làm ăn sinh sống”.
Sau khi mua lại, phường Thuận Lộc đã bố trí lại căn nhà cho các đoàn thể của phường sinh hoạt. Năm 2000, UBND TP. Huế đặt vấn đề mượn ngôi nhà để cho Trung tâm hợp tác quốc tế đặt văn phòng để làm văn phòng nghiên cứu tour du lịch mô hình nhà rường Huế. Đến năm 2006, vì nơi làm việc không có nên UBND phường lấy lại để bố trí cho Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh.
Sau nhiều lần cho thuê và mượn, phần sân “Nhà di sản” được UBND phường Thuận Lộc cho tư nhân thuê làm trung tâm thể dục thể thao. |
Bà Cúc cũng thông tin thêm, khoảng sân của ngôi nhà trước đây cũng được cho hội sinh vật cảnh của phường thuê. Hiện tại, phường Thuận Lộc cũng chỉ cho thuê phần sân, còn căn nhà cổ vẫn để cho Hội Người cao tuổi và Hội Cựu chiến binh của phường hoạt động như lâu nay. “Bảng "Nhà di sản" là do trước đây bên Trung tâm hợp tác quốc tế họ gắn vào nên giờ gây ra hiểu nhầm", bà Cúc nói.
Về sự việc này, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có buổi trao đổi với Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa – Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Thừa Thiên – Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng “Nhà di sản” 117 Lê Thánh Tôn tuy không phải là di tích nhưng lại có nhiều giá trị về mặt truyền thống, lịch sử, kiến trúc,..
Việc cho thuê làm phá vỡ khu nhà di sản đã thể hiện sự bất nhất trong việc bảo vệ di sản văn hóa Huế khi mà tỉnh Thừa Thiên – Huế đang có chủ trương bỏ ra hàng chục tỷ đồng hình thành nên Qũy hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng để trùng tu nhiều khu nhà cổ khác. Điều này nếu như xử lý không đúng cách sẽ tạo ra tiền lệ xấu đối với người dân trong việc ứng xử, bảo tồn những ngôi nhà cổ khác sau này.
“Đây cũng là hành vi không đẹp về mặt đối ngoại văn hóa, vì đó là một phần dự án mà thượng viện Pháp đã giúp mình. Có thành quả đó đã không tìm cách phát huy được mà lại xóa đi, xét về mặt đối ngoại văn hóa là rất vụng về trong khi vấn đề này đối người Pháp họ rất xem trọng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa bày tỏ quan điểm.
Thế Trung