Năm bức tranh của họa sĩ Việt Nam bán cao giá nhất trên sàn quốc tế đều là tranh lụa. Điều đó mang lại sự lạc quan cho giới mỹ thuật Việt Nam trong việc hồi sinh tranh lụa vốn chưa được chú trọng lâu nay
Năm bức tranh của họa sĩ Việt Nam bán cao giá nhất trên sàn quốc tế đều là tranh lụa. Điều đó mang lại sự lạc quan cho giới mỹ thuật Việt Nam trong việc hồi sinh tranh lụa vốn chưa được chú trọng lâu nay
Hai kiệt tác tranh lụa "Người bán ốc" và "Em bé cho chim ăn" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tạo sốt giá tại buổi đấu giá ở Hồng Kông vào tối 25 và 26-5 với mức giá bán lần lượt gần 600.000 USD và 853.000 USD cho mỗi bức. Đây là mức giá bán cao nhất nhì của Nguyễn Phan Chánh trên thị trường quốc tế. Không chỉ vậy, giá 2 bức này được xếp vào tốp 5 bức tranh cao giá nhất của Việt Nam trên sàn quốc tế, sau các bức của Lê Phổ, Joseph Inguimberty...
Đắt giá đến bất ngờ
Trong số các bức tranh lụa cao giá nhất của Việt Nam trên sàn quốc tế tính đến nay còn có "Maternité" ("Mẫu tử", vẽ mực nho và màu nước trên lụa; 59,5 cm x 48 cm) và "Jeune fille à la rose" ("Thiếu nữ bên hoa hồng", mực nho và màu trên lụa; 41 cm x 32,2 cm) của họa sĩ Lê Phổ với giá vài trăm ngàn euro.
Hai kiệt tác tranh lụa "Người bán ốc" (ảnh trên) và "Em bé cho chim ăn" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tạo sốt tại buổi đấu giá ở Hồng Kông vào tối 25 và 26-5 Ảnh: TƯ LIỆU
|
Trước phiên đấu giá tranh của Nguyễn Phan Chánh, vào ngày 26-3 (giờ Paris), bức tranh lụa "Thôn nữ Bắc Kỳ" của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn được đấu giá tại nhà đấu giá Aguttes (Pháp) cũng lập kỷ lục khi đạt mức giá 205.000 euro (hơn 5,7 tỉ đồng). Thời gian đấu giá chỉ diễn ra trong vòng 9 phút. Giống như 2 bức tranh "Người bán ốc" và "Em bé cho chim ăn", người chiến thắng trong phiên đấu giá là người Việt Nam. Tuy nhiên, những vị khách này đều không muốn cung cấp thông tin cá nhân cho báo chí.
Việc bức tranh "Thôn nữ Bắc Kỳ" được đưa ra đấu giá là một sự kiện đặc biệt vì đây là lần đầu tác phẩm lụa màu này xuất hiện trước công chúng. Đây cũng là tác phẩm cho thấy sự tài hoa trong bút pháp của bậc thầy tranh lụa. Về vẻ đẹp của tác phẩm, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi mô tả: "Toàn thể bức tranh chủ yếu là sắc màu xanh lá cây chuyển sang lam ngọc, mềm mại, đa dạng và trong trẻo, vẽ 3 thôn nữ miền Kinh Bắc".
Theo giới hội họa, có thể xem họa sĩ Nam Sơn là người vẽ tranh lụa màu đầu tiên của Việt Nam với bức tranh "Về chợ" vẽ năm 1927. Sáu mươi năm gắn bó với nghề, ông để lại khoảng 400 tác phẩm trên nhiều chất liệu, trong đó lụa có hơn 20 bức.
Nét độc đáo của mỹ thuật Việt
Ngoài 2 kiệt tác kể trên, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh còn nổi tiếng với những tác phẩm: "Chơi ô ăn quan", "Vo gạo", "Xem bói", "Lên đồng", "Người bán gạo", "Rửa rau cầu ao", "Cô gái róc mía", "Người đàn bà hái rau muống", "Đi cày", "Hạnh phúc", "Cô hàng xén", "Người hát rong", "Đám rước"… Ông vẽ nhiều chủ đề, đặc biệt thành công khi diễn đạt những con người bình dị, những hình ảnh thân thuộc của miền quê Bắc Bộ.
Nguyễn Phan Chánh được coi là họa sĩ đã khai phá loại hình tranh lụa hiện đại Việt Nam với những bức vẽ mang phong vị rất Việt Nam nhưng cũng rất phù hợp với quan niệm hội họa hiện đại: những mảng màu đơn giản, ấm áp, nhuần nhị, những đường viền mềm mại, những khoảng trống rất đúng chỗ.
Ngoài ra, nhân vật và bối cảnh Việt Nam được nghiên cứu đơn giản và cách điệu độc đáo. Thành công của ông đã lôi cuốn các bạn cùng lứa và các họa sĩ thuộc lớp sau đóng góp thêm kỹ thuật vẽ tranh lụa. Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu… là những cái tên góp phần đưa tranh lụa ra toàn cầu, tạo nên tiếng nói độc đáo cho mỹ thuật Việt trên thế giới.
Giới chuyên môn rất đề cao giá trị tranh lụa. Điểm mạnh của tranh lụa là ở sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc. Đó chính là sức hút khó cưỡng đối với người biết thưởng lãm tranh hội họa. Trên chất liệu lụa truyền thống với sự óng mịn của tơ, những nghệ sĩ đã tìm tòi, sáng tạo nên sắc màu riêng cho lụa; kiệm màu, nhuần nhị mà vẫn bừng sáng vẻ tươi tắn của cảnh sắc và con người, giàu sức lay động.
Nâng cao giá trị tranh lụa thế hệ mới
Cùng với sự phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nghệ thuật vẽ lụa đã trải qua các giai đoạn thăng trầm, thậm chí có lúc bị thoái trào với nguy cơ biến mất. Nhưng đến nay, tranh lụa ở giai đoạn hồi sinh với sự khẳng định của người trong giới "Tranh lụa là một chất liệu hội họa độc đáo, mang đậm nét văn hóa Á Đông". Tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, những năm gần đây, một số họa sĩ trẻ đã dày công sáng tác, tìm tòi trong nghệ thuật vẽ lụa, đưa hơi thở cuộc sống đương đại vào tranh lụa thành công.
Triển lãm "Tranh lụa và sản phẩm lụa Việt Nam" hồi tháng 9-2017 tại Trung tâm Văn hóa châu Á, TP Oakland, bang California - Mỹ với 40 tác phẩm của 29 họa sĩ vẽ lụa tiêu biểu, thu hút đông đảo công chúng yêu hội họa tại đây. Tuy chưa thể mang đến cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật tranh lụa Việt Nam song triển lãm cũng phác họa được phần nào sự thịnh vượng của tranh lụa sau thời gian dài im ắng với nhiều tên tuổi thuộc nhiều thế hệ: Nguyễn Tiến Chung, Lê Thị Kim Bạch, Nguyễn Thụ, Vi Kiến Minh, Lò An Quang, Vũ Đình Tuấn, Lê Cù Thuần, Lê Trần Hậu Anh, Lưu Chí Hiếu, Mai Xuân Oanh..., thậm chí có cả thế hệ 9X triển vọng như Nguyễn Thùy Linh (SN 1993).
Tranh lụa trở lại với nhiều tác phẩm tạo dấu ấn của họa sĩ trẻ. Không khó để nhận ra sự khác biệt khá lớn của tranh lụa trước đây và tranh lụa của thế hệ trẻ hôm nay. Cùng đề tài về phụ nữ nhưng những bậc thầy tranh lụa như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ… thường mang đến vẻ đượm buồn trong cả kỹ thuật lẫn sắc màu, còn tranh lụa của người trẻ được phác họa khác hẳn: rực rỡ, tươi vui nhưng không diêm dúa.
Phụ nữ xưa chính chuyên, kín đáo thì phụ nữ nay sẵn sàng cởi bỏ xiêm y để khoe vẻ đẹp đường cong. Hình ảnh, hơi thở cuộc sống được các họa sĩ khắc họa trên lụa chân thực và tinh tế. Điều đó khiến cho tranh lụa của thời đại nào cũng có giá trị khi nó chạm đến trái tim người thưởng thức.
Hẳn nhiên, tác phẩm tranh lụa của thế hệ hiện tại chưa thể có giá trị ngang bằng như của Nguyễn Phan Chánh hay Lê Phổ. Thế nhưng người trong giới tin rằng theo thời gian, những tác phẩm tranh lụa thế hệ mới sẽ nâng cao giá trị.
"Luôn tìm kiếm kỹ thuật mới mẻ cùng tư duy đương đại, tôi tin rằng tranh lụa thời hiện đại có cơ hội khởi sắc" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói. Theo ông, chất liệu lụa hoàn toàn có thể đáp ứng được mọi ngôn ngữ hội họa hiện đại, từ hiện thực đến biểu hiện, trừu tượng, lập thể, siêu thực. "Tôi biết có họa sĩ đã thử nghiệm những xu hướng trên với lụa. Chỉ có điều, với không gian trên mặt lụa trong, nơi họa sĩ bộc lộ tài năng hoặc hạn chế, việc lựa chọn ngôn ngữ hội họa là hết sức quan trọng, nếu chỉ là hình thức thuần túy thì dễ thất bại..." - họa sĩ Lương Xuân Đoàn phân tích.
Theo nld.com.vn