• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tranh trường phái hiện thực: Sinh động đến từng chi tiết

25/12/2015 10:27

(Cinet) – Trên thế giới trường phái tranh hiện thực hay tả thực không phải là khái niệm mới nhưng ở Việt Nam đến nay, tranh theo trường phái này vẫn còn là một điều rất mới.

Tranh của họa sĩ Toán Nguyễn ( ảnh do tác giả cung cấp)

(Cinet) – Trên thế giới trường phái tranh hiện thực hay tả thực không phải là khái niệm mới nhưng ở Việt Nam đến nay, tranh theo trường phái này vẫn còn là một điều rất mới.

Lần đầu tiên công chúng Việt được thưởng thức một triển lãm tranh theo phong cách hiện thực ( tả thực) với 29 tác phẩm tham dự của 13 họa sĩ trong nhóm Hiện Thực, gồm: Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Ngô Xuân Chính, Phạm Bình Chương, Phạm Minh Đức, Nguyễn Đinh Duy Quyền, Nguyễn Lê Tân, Trịnh Minh Tiến, Toán Nguyễn, Lưu Tuyến, Quảng Tâm, Trần Thức…

Hoa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ: Hơn 1 năm trước, Nhóm Hiện Thực ra đời. Ban đầu chúng tôi đến với nhau trong sự bối rối. Cái bối rối thứ nhất, đó là sự gặp nhau của những kẻ vốn đã quen với lối làm việc độc lập, với tính cách thường trầm lắng. Cái bối rối thứ hai, đó là sự tập hợp của những phong cách khác nhau (hiện thực, cường thực, siêu thực…) khi hội tụ lại sẽ tạo nên cái gì, và sẽ đi đến đâu. Con đường đi của từng người do họ tự chọn, Nhóm không thể can thiệp. Trong các hoạt động chung, nhóm không đưa ra một tiêu chí cụ thể về định hướng sáng tác, nhưng tri thức thì có thể chia sẻ. Ngoài trau dồi về kỹ thuật, các thành viên sẽ được cùng nhau bổ sung về kiến thức, như lịch sử mỹ thuật, hoặc các ngành liên quan như văn học, triết học…Đã là  tri thức thì luôn cần thiết, đặc biệt với người làm nghệ thuật. Ngoài ra, việc gặp gỡ và chia sẻ công việc thường xuyên đã giúp việc đánh giá tác phẩm trở nên dễ dàng. Hơn nữa, nó còn thúc đẩy lòng yêu nghề của từng cá nhân. Một năm chưa nói lên điều gì, nhưng ít nhất Nhóm Hiện Thực đã có những người bạn đồng hành, sản phẩm và thành quả ra mắt là cuộc triển lãm nhóm đầu tiên khai mạc ngày 10/12 vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đến triển lãm xem tranh, công chúng vô cùng ngạc nhiên và bị ấn tượng mạnh bởi những bức tranh sâu hun hút, khiến người xem dẫu chỉ thoáng qua cũng đủ cảm nhận được những kỳ công của các họa sĩ khi thể hiện từng đường nét, khắc họa từng mảng màu bằng bút pháp nghệ thuật hiện thực.

Những bức tranh sắc nét, sống động đến từng tiểu tiết nhỏ khiến người xem vô cùng ấn tượng..

Ảnh trên: tranh của họa sĩ Quảng Tâm

Ảnh dưới: tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương



Nói về trường phái hiện thực nhiều người cho rằng, các họa sĩ vẽ tranh hiện thực hay siêu thực chỉ đơn giản là làm công việc thay chiếc máy ảnh mà không có sự sáng tạo gì trong đó. Cũng có những ý kiến cho rằng hội họa phải được thể hiện bằng ý tưởng, bút pháp của người nghệ sĩ còn nếu là chỉ là tranh tả thực thì khác gì xem ảnh.

Nói về điều này họa sĩ Phạm Bình Chương cho biết: Đây chính là câu hỏi mà nhóm họa sĩ cũng như tất cả những họa sĩ theo trường phái hiện thực thường xuyên phải đối mặt và cũng là câu hỏi hóc búa nhất cho ngành hội họa kể từ khi chiếc máy ảnh ra đời. Những người làm khoa học ngạo nghễ "Hội họa đã hết việc làm rồi". Có lẽ họ và cả công chúng đã hiểu sai về chức năng của hội họa. Các họa sĩ đã vào cuộc ngay và cho ra đời chủ nghĩa Hiện thực ảnh (Photorealism) rồi sau đó là Cực thực ( hyperealism), là chỉ chép nguyên si một bức ảnh bằng sơn dầu, để chứng minh " hội họa còn kỹ hơn cả nhiếp ảnh". Phong cách này đã được công chúng vô cùng thích thú và còn được phát triển mạnh cho tới ngày nay. Chức năng nhiếp ảnh là ghi lại hình ảnh ta nhìn thấy bằng mắt lên một chất liệu khác, như giấy chẳng hạn, thông qua máy móc. Nhưng hội họa là làm bằng tay, với bút và sơn. Làm bằng tay  khác xa làm bằng máy chính ưu điểm, và cả nhược điểm của nó. Vì nó có sự truyền trực tiếp từ não bộ, trái tim ra tay, do đó xem tranh vẽ là có thể thấy được con người trong đó. Cái hay, cái dở, cái giỏi, cái kém đều bộc lộ ra hết. Nghĩa là người xem đã đối thoại được với nghệ sĩ rồi. Còn chụp ảnh thì khó đoán định. Nếu chỉ cần hai người cùng bấm máy chụp ở một vị trí cố định thì không thể đoán ra ai là tác giả từng bức ảnh nhưng hội họa thì có đấy. Chúng ta hãy thử nghĩ xem tại sao người ta vẫn mua các poster vẽ tay mà không mua bản in. Vì họ muốn trò chuyện với tác giả.

Cho dù vẫn còn những luồng ý kiến khác nhau song trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà ai ai cũng có thể trở thành “nghệ sĩ” bởi có vô số các công cụ khoa học hỗ trợ thì việc có những họa sĩ vẫn chọn phương thức truyền thống để làm việc là một điều rất đáng vui mừng. Đặc biệt ở Việt Nam khi tranh theo trường phái hiện thực vẫn còn là một khái niệm mới thì những gì Nhóm Hiện Thực đã làm vô cùng đáng trân quý.

Một số tác phẩm khác tại triển lãm

Ảnh trên: tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Bảy

Ảnh dưới: tranh của họa sĩ Nguyễn Lê Tân



(Ảnh do tác giả cung cấp)

Lan Hương


 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ