• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trao giải cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh, liệt sĩ, người có công

18/07/2017 11:32

(Cinet)- Chiều 17/7, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ trao giải cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh, Liệt sĩ và Người có công nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017).

(Cinet)- Chiều 17/7, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ trao giải cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh, Liệt sĩ và Người có công nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017).



Đến dự Lễ trao giải có các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Lê Khánh Hải - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Lễ trao giải.



Diễn ra từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2017, cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng từ các nhà văn, nhà thơ, các cây bút chuyên nghiệp khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có nhiều tác phẩm mới sáng tác chưa từng công bố. Cuộc vận động sáng tác đã thu hút 806 tác phẩm dự thi với các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, ký sự, thơ, trường ca… Ban Tổ chức đã chọn ra 43 tác phẩm để trao giải, trong đó có 18 tác phẩm thơ, 25 tập văn xuôi.



Phát biểu lại Lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: 43 tác phẩm đạt giải là một bức tranh thu nhỏ của Cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn hào hùng lịch sử của dân tộc ta. Nhiều sự kiện lịch sử như các vụ thảm sát đầu độc của Mỹ Diệm từ năm 1959 đến 1964, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân 1968 trên các chiến trường miền Nam, 12 ngày đêm trong trận Điện Biên Phủ trên không chống lại cuộc chiến tranh xâm lược bằng B52 của Mỹ ở Thủ đô Hà Nội năm 1972, hay cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng ở các nhà tù của Pháp và Mỹ. Điều đặc biệt, những  chiến sĩ cách mạng ấy lại là các nhà văn, nhà thơ đã từng ở trong lao tù. Và như thế, họ không chỉ viết về cuộc kháng chiến mà còn trực tiếp cầm súng, cùng vào sinh ra tử, cùng chiến đấu bất khuất như những người anh hùng, dù họ không có tên trong danh sách những người anh hùng…

Ban Tổ chức trao phần thưởng cho các tác giả đạt giải Tư.



Về mặt nghệ thuật, 42 tác phẩm đoạt giải là 42 cách tiếp cận hiện thực với giọng điệu và phong cách khác nhau. Có tác phẩm là những áng văn được chau chuốt kỹ lưỡng đến từng con chữ. Lại có những tác phẩm để mộc, như một dạng nhật ký hay những ghi chép, nhưng lại xúc động đến mức ám ảnh. Có thể nói, cuộc vận động sáng tác này đã đóng góp thêm cho nền văn học cách mạng và kháng chiến những tác phẩm sinh động giàu tính sử thi trong đó có không ít những tư liệu cực kỳ quý hiếm.



Cuộc thi có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, tri ân những người có công với cách mạng; đồng thời nhằm tuyên truyền những chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh - liệt sĩ cũng như những kết quả đã đạt được, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, động viên, khuyến khích các cá nhân, tập thể cùng chung tay chăm lo hơn nữa công tác thương binh - liệt sĩ và người có công.



Nguyên Hà
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ