(Tổ Quốc) - Ngày 31-5, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổng kết Liên hoan Nghệ thuật múa không chuyên - Hà Nội năm 2023, thiết thực kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).
Liên hoan Nghệ thuật múa không chuyên - Hà Nội năm 2023 là một trong những sự kiện góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở cơ sở, qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong mọi tầng lớp nhân dân.
Liên hoan phát động từ cấp cơ sở, nhận được sự hưởng ứng của các quận, huyện, thị xã, thông qua việc xây dựng nội dung chương trình, tổ chức liên hoan cấp cơ sở để tuyển chọn các tiết mục đặc sắc, tiêu biểu nhất tham gia chung khảo cấp thành phố.
Chung khảo liên hoan năm nay được tổ chức tại 2 cụm cơ sở vào các ngày 14, 17 và 18-5, với sự tham gia của 23 đơn vị quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Với chủ đề “Tháng 5 nhớ Bác”, các tiết mục tham dự liên hoan có nội dung thể hiện tình cảm và niềm tự hào về Việt Nam - đất nước - con người; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Lãnh tụ thiên tài của dân tộc; ca ngợi Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong công cuộc hội nhập và phát triển.
Bên cạnh đó, liên hoan cũng góp phần khắc họa nhịp sống sinh hoạt, lao động sản xuất, những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của từng vùng, miền trên khắp đất nước, được tái hiện một cách sinh động, sáng tạo thông qua ngôn ngữ hình thể của nghệ thuật múa.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, Phó Trưởng ban tổ chức liên hoan Lý Thị Thúy Hạnh, Liên hoan Nghệ thuật múa không chuyên - Hà Nội là hoạt động được tổ chức định kỳ 3 năm/lần, hướng tới việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa dân gian của các dân tộc, vùng miền trên cả nước; đồng thời không ngừng tiếp nhận sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật múa trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, từ đó định hướng phát triển nghệ thuật múa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa trong đời sống nhân dân Thủ đô.
“3 đêm thi với 69 tác phẩm múa là bấy nhiêu câu chuyện khác nhau được biên đạo múa tư duy sáng tạo, để rồi thông qua tài năng của các diễn viên múa không chuyên nhưng đầy nhiệt huyết, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp độc đáo trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam", bà Thúy Hạnh đánh giá.
Từ các phần dự thi này, Ban tổ chức đã thống nhất trao 26 giải, trong đó có 1 giải Nhất cho đội múa không chuyên huyện Thanh Trì, 10 giải Nhì, 12 giải Ba và 3 giải Khuyến khích phong trào cho các đơn vị dự thi có thành tích nổi bật tại liên hoan.