(Tổ Quốc) - Bộ Quốc phòng trao giải thưởng VHNT, báo chí cho các tác giả phía Nam, NSND Hồng Vân lại đóng cửa sân khấu kịch vì Covid-19, CLB TP.HCM đến Singapore với chế độ phòng ngự chặt, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kích cầu du lịch hiệu quả là những tin tức VHTTDL nổi bật hôm nay.
Bộ Quốc phòng trao giải thưởng VHNT, báo chí cho các tác giả phía Nam
Chiều 24-2, tại Nhà hát Quân đội phía Nam, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật, Báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014 - 2019) của Bộ Quốc phòng khu vực phía Nam.
Ban tổ chức đã trao 8 giải B cho các tác giả (ảnh): nhà văn Trần Văn Tuấn (tiểu thuyết Vẫn là binh nhất); Đặng Thị Dương (hội họa Đưa nước ngọt ra đảo Bình Ba); đại diện Sân khấu Kịch Hồng Vân (kịch nói Châu về hợp phố); Hà Quốc Thái (ảnh nghệ thuật Niềm vui chiến sĩ đặc công); Nguyễn Thanh Dũng (ảnh nghệ thuật Không xa đâu Trường Sa ơi); Nguyễn Trung Trực (phóng sự ảnh Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam làm theo lời Bác); Phạm Bạch Khê (tác phẩm truyền hình Mở rừng) và đại diện nhóm tác giả chương trình Giai điệu tự hào (tác phẩm truyền hình Cây sung và hoa hồng)...
NSND Hồng Vân lại đóng cửa sân khấu kịch vì Covid-19
Mới đây, NSND Hồng Vân đã đưa ra thông báo đóng cửa sân khấu kịch lần 2 do tình hình căng thẳng của dịch Covid-19. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: "Sau khi theo dõi, tìm hiểu thông tin về dịch bệnh Covid-19, Sân khấu Kịch Hồng Vân sẽ tạm ngưng biểu diễn từ ngày 25/2 - 7/3/2020. Dự kiến sẽ mở cửa Sân Khấu trở lại vào ngày 8/3/2020. Rất mong nhận được sự thông cảm của quý khán giả". Theo NSND Hồng Vân, việc đóng cửa sân khấu này nhằm đảo bảo sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng. Trước đó, vào đầu tháng 2, NSND Hồng Vân cũng từng thông báo đóng cửa sân khấu kịch khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Mặc dù đầu năm là thời điểm các sân khấu hoạt động sôi nổi nhất, vé trước đó đều bán hết nhưng NSND Hồng Vân vẫn cương quyết tạm đóng cửa. Việc liên tiếp đóng cửa này gây tổn thất không nhỏ cho các nghệ sĩ. Nhiều khán giả, đồng nghiệp cũng gửi lời động viên NSND Hồng Vân cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nghệ sĩ ấp ủ dự án chờ qua dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa nghệ thuật tại TPHCM, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động làm nghề, các chương trình biểu diễn và đời sống kinh tế, tinh thần của hầu hết các nghệ sĩ sân khấu.
Hàng năm, tháng Giêng, tháng 2 âm lịch là mùa chạy sô của nghệ sĩ sân khấu. Lệ thường, các nghệ sĩ phải chạy sô liên tục, tham gia hàng loạt chương trình nghệ thuật của các đài truyền hình, lễ hội, lễ kỳ yên, cúng đình, sự kiện được tổ chức khắp các địa phương tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành từ Nam ra Bắc. Nghệ sĩ sân khấu cải lương, hát bội, nhờ thế mà có nhiều cơ hội làm nghề, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Thế nhưng, mùa tết này, dịch bệnh Covid-19 đã khiến các hoạt động mang tính chất tập trung đông người đều phải tạm ngưng tổ chức.
Nỗ lực vượt qua những trở ngại trước mắt, nghệ sĩ Minh Trường đang ấp ủ một chương trình nghệ thuật cho riêng mình vào cuối năm, kỷ niệm 10 năm quay trở lại gắn bó với sân khấu cải lương. NSƯT Kim Tử Long cũng đang duy trì nhịp độ công việc: thu âm các bài cải lương hồ Quảng và quay ngoại cảnh để đưa lên YouTube. Ngoài ra, anh cũng hy vọng liveshow Kim Tử Long - Thánh đường sân khấu và vở cải lương Lưu Kim Đính ở Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng vào 2 ngày 21 và 22-3 sẽ không bị hủy. Riêng với đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ thì ưu tiên ở nhà nghiên cứu các tư liệu lịch sử, viết tuồng và chờ cho tình hình dịch bệnh ổn mới bắt đầu tập hợp nghệ sĩ để chuẩn bị lên sàn vở diễn mới. Trong năm nay, đạo diễn sẽ dựng vở dã sử Lạc Phủ và vở lịch sử Hồ Quý Ly. Hai tuồng mới sẽ khởi động vào khoảng quý 3-2020".
Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang Phan Quốc Kiệt cho biết: Nhà hát tập trung sắp xếp lại bộ máy nhân sự, điều phối công việc chuyên môn, để sau đợt nghỉ dài ngày vì dịch, khi hoạt động trở lại, công tác tổ chức biểu diễn của nhà hát sẽ đi vào nề nếp. Theo kế hoạch, nhà hát sẽ chú trọng đầu tư dàn dựng 2 vở sân khấu lớn, quy mô. Bên cạnh đó sẽ kết nối, phối hợp với các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa như sân khấu Vũ Luân, Chí Linh - Vân Hà, NSND Thanh Ngân, NSƯT Thoại Mỹ… tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang để làm đa dạng các tác phẩm. Nhà hát cũng đã mời soạn giả Hoàng Song Việt tham gia với vai trò cố vấn nghệ thuật, giúp chương trình Thắp sáng niềm tin trở lại, sáng đèn thường xuyên hơn, tạo nhiều đất diễn cho anh em nghệ sĩ, diễn viên trẻ...".
CLB TP.HCM đến Singapore với chế độ phòng ngự chặt
Sau khi đề nghị AFC hoãn trận sang Singapore làm khách nhưng không được chấp thuận, CLB TP.HCM đã phải sang đảo quốc này với chế độ phòng ngự chặt bao gồm khẩu trang và tất cả những biện pháp phòng tránh cẩn trọng nhất.
Thậm chí trước đó đội còn cử cả người sang Singapore tiền trạm trong việc tìm khách sạn có độ an toàn cao, không nằm trong số những khách sạn bị nghi ngờ có khách nước ngoài cư trú mang mầm dịch.
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kích cầu du lịch hiệu quả
Dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều điểm du lịch tại TPHCM vẫn giữ được niềm tin với du khách.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, ngành du lịch thành phố đã và đang triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tại các điểm tham quan của thành phố được đảm bảo đón khách trong điều kiện an toàn, chủ động bảo vệ du khách như phát khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn… Sở Du lịch TPHCM phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành đã phát miễn phí 100.000 khẩu trang miễn phí cho người dân và du khách tham quan.
Bên cạnh công tác kiểm soát dịch bệnh, nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch tại thành phố khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tổn thất rất lớn thời gian qua, ngành Du lịch TPHCM đã triển khai chương trình du lịch kích cầu với sự tham gia của 40 đơn vị lữ hành, công ty du lịch với mức giá cam kết giảm từ 25%-50%, hàng không giảm đến 50%, trong khi đường bộ và đường sắt giảm đến 40%.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng nhóm khuyến mãi kích cầu, Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, thời điểm này là dịp để các DN hàng không, lữ hành, dịch vụ lưu trú, khách sạn... cùng ngồi lại, liên kết để tạo ra sản phẩm du lịch với giá hấp dẫn khách đi du lịch nội địa. Trong bối cảnh người dân còn e ngại đi du lịch thì kích cầu bằng chính sách giá hấp dẫn là cần thiết. DN liên kết cùng đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện. Đặc biệt, tập trung mở tour đến những vùng chưa có ca nhiễm bệnh và làm bàn đạp mở tiếp tour đến các tỉnh thành khác.
Để kích cầu, thu hút thêm nhiều khách quốc tế tới Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, ngành du lịch TPHCM kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan... Đồng thời, có chính sách miễn lệ phí visa hoặc cấp visa điện tử dành cho các thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng có mức chi tiêu cao.
Ngoài ra, Sở Du lịch TPHCM đề xuất Tổng cục Du lịch các nhóm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN du lịch, như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế… Sở cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN