(Tổ Quốc) - Trẻ dậy thì sớm sẽ tác động rất xấu tới tâm sinh lý của bé, như việc không thể xoay xở với tình trạng của mình hay việc sẽ bị lùn. Về mặt xã hội, trẻ khó hòa nhập vì nhận thấy mình khác biệt các bạn, từ giọng nói tới việc…có râu.
Bé gái 18 tháng có kinh nguyệt, bé trai giọng ồm như đàn ông
Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhi được bố mẹ đưa tới thăm khám có biểu hiện dậy thì sớm.
Trong đó bé gái 18 tháng tuổi bị xuất huyết âm đạo, người mẹ lo lắng nên đã đưa đi khám nhiều nơi vì nghĩ con bị xâm hại tình dục, tuy nhiên không tìm ra nguyên nhân.
Biểu hiện trẻ dậy thì sớm thể hiện khá rõ, với bé gái là 100% có ngực to hơn bình thường, 20 - 25% có kinh. Bé trai thì 100% dương vật phát triển to hơn bình thường và 50% bị vỡ giọng. (Ảnh minh họa)
|
Người mẹ sau đó nhận thấy tình trạng ra máu ở âm đạo bé xuất hiện theo chu kỳ như chu kỳ kinh nguyệt. Người phụ nữ này đã đưa con gái tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 thăm khám và được bác sĩ cho biết bé…dậy thì sớm. Máu ra ở âm đạo bé chính là kinh nguyệt.
Trường hợp khác là bé trai 3 tuổi có giọng nói “ồm ồm như đàn ông trung niên”. Lo lắng cho con nên gia đình đã đưa đi kiểm tra và phát hiện bé bi u não dẫn tới việc dậy thì sớm.
Sau thời gian theo dõi và điều trị, cả 2 bệnh nhi phát triển bình thường. Nhưng khi ngừng điều trị, các đặc tính sinh dục của trẻ bị dậy thì sớm sẽ trở lại trong vài tháng như quy trình sinh lý bình thường của trẻ.
Cụ thể, trẻ gái sẽ bắt đầu có kinh trở lại sau 12 - 18 tháng ngưng thuốc điều trị, trẻ vẫn rụng trứng và khả năng mang thai như trẻ khác, còn bé trai vẫn có sự sản sinh tinh trùng như bình thường.
Với trẻ được xác định dậy thì do có khối u bất thường, tùy vị trí và tính chất của u, bác sĩ sẽ phẫu thuật hoặc xạ trị, các triệu chứng dậy thì sẽ chấm dứt.
Tác hại của dậy thì sớm với trẻ
BS Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, vào năm 2016, trong 200 bé được đưa tới thăm khám khi có biểu hiện tương tự thì có tới 120 ca được xác định bị dậy thì sớm.
Theo quy luật vòng đời của mỗi người, tuổi dậy ở nữ thường là 13, còn nam 16. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, độ tuổi dậy thì đến sớm hơn, ở bé gái là 8 tuổi, bé trai 9 tuổi. Nhiều trường hợp đặc biệt, trẻ có thể dậy thì sớm hơn.
BS Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Biểu hiện trẻ dậy thì sớm thể hiện khá rõ, với bé gái là 100% có ngực to hơn bình thường, 20 - 25% có kinh. Bé trai thì 100% dương vật phát triển to hơn bình thường và 50% bị vỡ giọng.
Nguyên nhân có thể tùy thuộc vào đặc tính chủng dân và tiền sử gia đình, yếu tố dinh dưỡng (béo phì) kèm với đó là tác động xung quanh như phim ảnh…
Trẻ dậy thì sớm sẽ tác động rất xấu tới tâm sinh lý của bé, như việc không thể xoay xở với tình trạng của mình hay việc sẽ bị lùn. Về mặt xã hội, trẻ khó hòa nhập vì nhận thấy mình khác biệt các bạn, từ giọng nói tới việc…có râu.
Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, để tránh tình trạng dậy thì sớm ở trẻ, phụ huynh nên giữ cho con tình trạng dinh dưỡng ở mức chuẩn, không lấy tiêu chuẩn nuôi con mập mạp mới là giỏi. Hạn chế tình trạng tăng cân ở trẻ, đặc biệt là trẻ gái.
Không để trẻ tiếp xúc với các hình ảnh, phim về quan hệ giới tính và tránh cho trẻ sử dụng những sản phẩm làm đẹp như: dầu gội đầu, sữa tắm có hoạt chất estrogen của người lớn, hạn chế ăn thịt động vật có sử dụng chất vỗ béo...
Nếu thấy con có biểu hiện dậy thì sớm thì cha mẹ nên bình tĩnh, đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế chuyên về nhi để được tư vấn, có phương pháp điều trị thích hợp./.
Mỹ Hòa