• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trẻ em nữ bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng mạnh và diễn biến phức tạp

Văn hoá 18/08/2022 23:07

(Tổ Quốc) - Thông tin trên được TS. Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM chia sẻ tại Hội thảo khoa học: “Bảo vệ quyền trẻ em – Thực trạng và giải pháp” vừa được diễn ra sáng nay (18/8) tại Hội trường UBND TP.HCM.

Diễn đàn khoa học để tìm giải pháp bền vững cho trẻ em

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, việc tổ chức Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm các quyền của trẻ em được sống an toàn, hạnh phúc.

Đó cũng chính là bảo đảm cho tương lai phát triển bền vững của Thành phố và đất nước;  đảm bảo rằng trẻ em không chỉ là đối tượng được tiếp nhận sự yêu thương và chăm sóc từ gia đình và xã hội, mà các em còn là những thành viên tham gia tích cực và chủ động vào quá trình phát triển của cá nhân nói riêng và sự phồn vinh của quốc gia nói chung.

Trẻ em nữ bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng mạnh và diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Lệ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng kỳ vọng, Hội thảo này là diễn đàn khoa học để các nhà lãnh đạo, quản lý; các chuyên gia, nhà khoa học; những người đã và đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em cùng nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn về các lĩnh vực cụ thể của hội thảo từ đó đưa ra các giải pháp bền vững cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được tốt hơn trong thời gian tới.

"Thông qua Hội thảo để cùng cần bàn thảo và đưa ra được các nhóm giải pháp truyền thông về quyền trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đến các đối tượng, đặc biệt là người dân lao động tại các khu nhà trọ, người dân tại các khu chung cư cao cấp, khu nhà phố biệt lập, những người tạm trú; Việc xây dựng chương trình giáo dục, chương trình hướng nghiệp, giáo dục giới tính cho học sinh chuyên biệt; Các giải pháp quản lý của nhà nước để tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em bị chăn dắt, sử dụng lao động trẻ em trái luật, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục hạn chế đến mức thấp nhất có thể. Hệ thống phần mềm cập nhật thông tin trẻ em, việc thống kê dữ liệu về trẻ em hay việc trích xuất dữ liệu về trẻ em cần làm sao phải đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.", bà Nguyễn Thị Lệ mong muốn.

Xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng phức tạp

Tại Hội thảo, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN (Trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM) đã chỉ ra kết quả việc thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam. 

So với các nước trong ASEAN, theo kết quả cuộc điều tra do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên vẫn còn có hơn 1 triệu trẻ là lao động trẻ em, trong đó có hơn một nửa số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm. 

Từ đó, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân đã đưa ra những nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa các hoạt động bảo đảm quyền trẻ em trong khu vực đi vào thực chất và có chiều sâu. Đó là những chương trình hành động của Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) và sự tham gia tích cực của Việt Nam.

Trẻ em nữ bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng mạnh và diễn biến phức tạp - Ảnh 2.

PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN – Trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM, phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Ngày 28/10/2010, tuyên bố Hà Nội về tăng cường phúc lợi và phát triển cho phụ nữ đã được ACWC thông qua. Năm 2020 là năm Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN đồng thời cũng đảm nhiệm vai trò chủ tịch liên chính phủ về nhân quyền (AICHR). Trong năm 2020, Việt Nam tổ chức các cuộc họp quan trọng liên quan đến các quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật... 

Điều này cho thấy Việt Nam là thành viên tích cực trong các hoạt động bảo đảm quyền con người trong khu vực cũng như các chương trình thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em, ứng phó chủ động và có hiệu quả trước các tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới trẻ em,...

Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM nhận định, thông qua các số liệu thống kê cho thấy số vụ việc xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua (2017-2021) có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững. 

Có thể thấy số vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất, có xu hướng tăng giảm cách năm và gần như theo quy luật; còn số vụ trẻ bị bạo lực và trẻ em bị các hình thức tổn hại khác có xu hướng giảm.  

Trẻ em nữ bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng mạnh và diễn biến phức tạp - Ảnh 3.

Số liệu thống kê từ Sở LĐ - TB & XH TP.HCM cung cấp cũng cho thấy, trong 5 năm qua (2017-2021), tình hình số trẻ em nữ bị xâm hại tình dục nhiều hơn số trẻ nam và có xu hướng tăng mạnh trong xã hội: Năm 2017, số trẻ em nữ( 15 em, 17,9%) bị xâm hại tình dục nhiều hơn số trẻ em nam (01 em, 1,1%); năm 2018, số trẻ em nữ tăng lên (28 em, 65%) hơn số trẻ em nam (0); năm 2018, số trẻ em nữ (15 em, 53,6%) hơn số trẻ em nam (01 em, 3,6%); năm 2020, số trẻ em nữ tiếp tục tăng lên (39 em, 73,6%) hơn số trẻ em nam (01 em, 1,9%); đến 2021, số trẻ em nữ (19 em, 57,6%) hơn trẻ em nam (01 em, 3%).

Trẻ em nữ bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng mạnh và diễn biến phức tạp - Ảnh 4.

"Tuy nhiên, thực tế cho thấy các số liệu thống kê này chưa hoàn toàn phản ánh thực tiễn xã hội do văn hóa yên lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại (Trẻ sống ở khu vực nhà trọ, nông thôn, kể cả chung cư cao cấp, sống với cha dượng hoặc sống trong gia đình có các đặc điểm như: có bạo hành vợ chồng, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia rượu và các chất kích thích có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao).", TS. Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh./.

Hà Kiều - Xuân Hưng

NỔI BẬT TRANG CHỦ