(Tổ Quốc) - Tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng tăng đột biến, gấp 5 lần so với những tháng trước đây. Các bác sĩ phải gồng mình cấp cứu cho các bệnh nhi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi đồng (TP HCM), cho biết những ngày gần đây, khoa liên tục tiếp nhận trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện, đỉnh điểm là ngày 24/9 có đến 222 bệnh nhi điều trị tại khoa. Còn hôm nay có 179 trẻ đang điều trị. Trong đó có rất nhiều ca nhập viện trong tình trạng nặng, phải lọc máu, thở máy và được theo dõi sát sao. Hiện đã có 1 trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng.
Trẻ nhập viện ồ ạt vì bệnh tay chân miệng |
Theo BS Khanh, trung bình mỗi ngày có hàng chục trẻ nhập viện. Thậm chí có ngày có tới 180 trẻ nhập viện. Và lượng bệnh nhi tới thăm khám, điều trị vì bệnh tay chân miệng có thể sẽ còn tăng trong những ngày tới.
“So với 5 năm trở lại đây, số lượng trẻ nhập viện vì tay chân miệng năm nay tăng rõ rệt. Không những trẻ đi nhà trẻ mà kể cả trẻ ở nhà cũng mắc bệnh. Trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng không chỉ có ở TP HCM mà còn khắp các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, hay các tỉnh ở miền Tây như Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang” - bác sỹ Khanh chia sẻ.
Nguyên nhân trẻ nhập viện tăng đột biến vì bệnh tay chân miệng là do virus Enterovirus 71 (virus EV71). BS Trương Hữu Khanh nói nếu như những năm trước kết quả điều tra dịch tễ cho thấy số trẻ mắc tay chân miệng do virus EV71 rất thấp, nhưng gần đây, hơn 50% trẻ mắc virus EV71.
Đặc tính của loại virus này là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, vì thế số bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng. Trẻ mắc tay chân miệng do virus EV71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. Và đặc biệt, hiện chưa có loại vắc xin ngừa chủng virus này.
Do số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến nên việc trẻ phải nằm ghép, nằm chung giường ở khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 đã xảy ra trong những ngày qua. Ngoài ra, các y bác sĩ của khoa cũng phải gồng mình cấp cứu cho các bệnh nhi.
Y bác sĩ làm việc hết công suất cấp cứu cho trẻ |
Chị N.T.T.T (40 tuổi, ngụ quận 6, TP HCM) cho biết, sau khi con trai chị 19 tháng tuổi bị sốt 38 độ, có xuất hiện co giật sau khi đi nhà trẻ về. Lo lắng nên gia đình đưa tới BV Nhi đồng 1 khám thì bác sĩ nói bé bị tay chân miệng. Qua điều trị 1 tuần, sức khỏe bé dần hồi phục.
Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho hay hiện TP đang trong giai đoạn cao điểm bệnh tay chân miệng với số ca nhập viện trong tuần qua lên đến 286 ca, tăng 47% so với 4 tuần trước đó. Để phòng chống bệnh tay chân miệng, sở y tế TP cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tại các nhà trẻ, nhóm trẻ để truyền thông, hướng dẫn các biện pháp kiểm soát bệnh trong trường lớp, nhất là ở nhóm trẻ, trường mẫu giáo.
Để chủ động phòng ngừa cần thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng cho bản thân và cho trẻ nhỏ, thường xuyên vệ sinh nơi trẻ sinh hoạt vui chơi, dụng cụ vui chơi của trẻ bằng nước sạch, xà phòng và nước khử khuẩn.
Trong trường học nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày. Trường lớp phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng hóa chất.
Lượng trẻ nhập viện vì tay chân miệng có thể còn gia tăng trong những ngày tới |
"Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều thì phải đưa trẻ đi khám. Một dấu hiệu khác của bệnh tay chân miệng mà các bậc cha mẹ ít để ý, đó là trẻ giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Nếu thấy trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao khó hạ trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế” – BS Trương Hữu Khanh cho hay.
Đức Duy