• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

14/01/2018 16:01

Kế hoạch triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong hai năm 2018 - 2019 sẽ được Bộ VHTTDL thực hiện tại 9 tỉnh, thành: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Đắk Lắk, Thái Bình, Phú Yên, An Giang…

Kế hoạch triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong hai năm 2018 - 2019 sẽ được Bộ VHTTDL thực hiện tại 9 tỉnh, thành: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Đắk Lắk, Thái Bình, Phú Yên, An Giang…
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ có các tiêu chí cụ thể.
Các bước thực hiện gồm: Xây dựng tài liệu thí điểm (xây dựng các tài liệu mẫu tuyên truyền nội dung bộ tiêu chí: sản phẩm gồm các video, clip; tờ gấp, mẫu tranh cổ động); Tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp tại địa bàn thực hiện thí điểm; Lồng ghép nội dung tiêu chí vào hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, dòng họ; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện bộ tiêu chí tập trung thời lượng tuyên truyền vào các dịp Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ; Tổ chức phát động các hộ gia đình đăng ký (hoặc cam kết) thực hiện nội dung Bộ tiêu chí tại các tỉnh/thành cùng thời điểm phát động đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; Tổng kết hoạt động thí điểm để có cơ sở hoàn thiện Bộ tiêu chí và đánh giá tính khả thi để triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên toàn quốc.
 
 
Tiêu chí ứng xử được áp dụng cho các thành viên trong gia đình (theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình) bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại.



Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy; Nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu; Yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo; Lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận; Chia sẻ.
 
Với từng tiêu chí cũng có những nội dung cụ thể như Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thuỷ; Nghĩa tình quy định: Vợ chồng có tình cảm trước sau như một, không thay đổi; Chăm sóc nhau; cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau…



Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh tới mục đích quan trọng của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Thứ trưởng cũng yêu cầu, Vụ Gia đình cần xây dựng tài liệu thí điểm bằng cách lượng hóa để sau quá trình thí điểm có thể xem xét, đối chiếu, so sánh kết quả đã đạt được đến đâu một cách dễ dàng, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các tỉnh, thành khác. Về tổng thể, cần xây dựng chi tiết, cụ thể kế hoạch triển khai thí điểm, bao gồm cả kinh phí dự kiến sao cho tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành.



Bộ VHTTDL sẽ áp dụng thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên 9 tỉnh, thành phố, với các tỉnh, thành khác không bắt buộc nhưng sẽ tuỳ tình hình thực tế, tự chủ động thực hiện chọn thí điểm thực hiện.



Theo Báo Văn hóa

NỔI BẬT TRANG CHỦ