(Tổ Quốc) - Triển khai các giải pháp phục hồi du lịch sau dịch Covid-19; Khôi phục giá trị đàn đá Khánh Sơn; Kết quả ghi nhận sau 15 triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là những điểm tin văn hóa, du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Triển khai các giải pháp phục hồi du lịch sau dịch Covid-19
Thông tin trên báo Khánh Hòa điện tử cho biết, Sở Du lịch Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp phục hồi du lịch sau dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, sau khi hết dịch, ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa (ưu tiên số 1), đặc biệt là khách đến từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh đó, ngành sẽ cố gắng khai thác các thị trường trọng điểm quốc tế của Khánh Hòa (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga), thị trường các quốc gia Đông Nam Á… Sở Du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 300.000 lượt khách du lịch trong quý II (100% khách nội địa), bằng 16% so với cùng kỳ năm 2019; 1,1 triệu lượt khách du lịch trong quý III, bằng 50% và hơn 1,4 triệu khách du lịch trong quý IV, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2019.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Du lịch chủ động làm việc với các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu phương án kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh theo lộ trình, trong đó xác định cụ thể đối tượng cần tập trung thực hiện (khách nội địa, khách nước ngoài), nội dung, cách thức thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Khôi phục giá trị đàn đá Khánh Sơn
Cũng trên báo Khánh Hòa điện tử cho biết, UBND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) đang triển khai kế hoạch bảo tồn, khôi phục Đàn đá - một loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai với quyết tâm đưa đàn đá trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào. Từ đó, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Trên cơ sở những kết quả đạt được sẽ vừa tôn vinh, kế thừa văn hóa truyền thống, vừa gắn kết hài hòa với hoạt động du lịch địa phương.
Cụ thể, trong năm 2020, huyện Khánh Sơn khảo sát, phục dựng 3 hệ thống dàn đá nước giữ nương rẫy nguyên bản của người Raglai. Mỗi hệ thống có từ 9 đến 15 thanh đá, kích thước lớn, dài và kêu vang, đảm bảo yếu tố mỹ thuật truyền thống. Các dàn đá này sẽ được bố trí tại các dòng chảy tự nhiên ở 3 địa điểm gồm: thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp), xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Đối với đàn đá dùng biểu diễn, huyện cũng cho chế tác 10 bộ để bổ sung cho Phòng Truyền thống huyện và 8 xã, thị trấn. Mỗi bộ gồm 14 thanh có chất âm kêu vang, có thể biểu diễn độc tấu và hòa tấu.
Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn và kỹ năng biểu diễn đàn đá cho 16 nhạc công người Raglai tại địa phương; tổ chức quảng bá giá trị về loại nhạc cụ cổ truyền người Raglai gắn với phát triển du lịch. Theo tiến độ ban đầu, kế hoạch khôi phục đàn đá được thực hiện trong quý I/2020, nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên phải tạm dừng. Tuy nhiên, Khánh Sơn sẽ cố gắng đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành - ông Nguyễn Phước Khiêm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết.
Kết quả ghi nhận sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư "về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", công tác gia đình tại Khánh Hòa từng bước được củng cố, ổn định trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của Gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến tiến của gia đình trong xã hội phát triển, thực hiện quy mô gia đình ít con theo tiêu chí mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con; đảm bảo quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm đối với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đau ốm.
Việc triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng động trong thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; bạo lực gia đình được kiểm soát hiệu quả; khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Với hệ thống các giải pháp đồng bộ của tỉnh trên lĩnh vực công tác gia đình đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mức sống gia đình ngày càng được nâng cao, giải quyết việc làm cho nhiều người dân, tăng thêm thu nhập cho gia đình và phúc lợi xã hội; đặc biệt quan tâm đến điều kiện sống của các gia đình chính sách và hộ nghèo, gia đình vùng miền núi, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Do vậy, công tác gia đình ở địa phương đã từng bước ổn định, củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và không có bạo lực.