• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triển khai đào tạo trực tuyến thời dịch Covid-19, đâu mới là khó khăn thực sự đối với trường đại học?

Giáo dục 11/04/2020 06:43

(Tổ Quốc) - Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều trường đại học trực thuộc Bộ VHTTDL đã nhanh chóng triển khai các hình thức đào tạo giảng dạy phù hợp, trong đó, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức triển khai giảng dạy trực tuyến được gần một tháng và đã nhận được những phản hồi tích cực.

Để có thêm những thông tin và kết quả bước đầu về việc triển khai giảng dạy, đào tạo trực tuyến của Nhà trường trong thời gian qua, báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với TS. Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

Triển khai đào tạo trực tuyến thời dịch Covid-19, trường đại học chỉ gặp khó với việc thực tập của sinh viên - Ảnh 1.

Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tập huấn triển khai giảng dạy trực tuyến

- Xin TS. Trần Đại Lượng cho biết, tới thời điểm này trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã triển khai việc giảng dạy trực tuyến như thế nào?

- Nhà trường bắt đầu xây dựng kế hoạch đào tạo trực tuyến cách đây một tháng, từ sau thời điểm trường hợp nghi nhiễm số 17 được phát hiện dương tính với Sar-Cov-2. Khi thấy tình hình dịch bệnh không mấy khả quan, Nhà trường đã chủ động tìm hiểu để thay thế phương thức đào tạo truyền thống, giảng dạy tập trung.

Chính diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, các trường hợp nhiễm virus nCov liên tục tăng lên, Ban Giám hiệu và Phòng Đào tạo Nhà trường cũng đã phải họp lại để xây dựng phương án đào tạo cho phù hợp. Lúc này, Nhà trường đặt ra phương án dạy truyền thống chưa biết khi nào sẽ có thể thực hiện lại được, vì vậy Nhà trường cũng đã nghiên cứu để chuyển sang phương thức đào tạo giảng dạy trực tuyến từ xa và ban hành những quy định có liên quan.

Nhà trường đã lựa chọn những phần mềm để giảng dạy giữa nhiều phương án, phù hợp với cơ sở vật chất điều kiện của nhà trường cũng như tính cấp thiết về thời gian, đảm bảo tính bảo mật an toàn. Từ đó, Nhà trường đã quyết định lựa chọn phần mềm của Microsoft Team, đây là phần mềm được một số cơ sở đào tạo lớn ở nước ta đang sử dụng, trong đó có trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viên Báo chí và tuyên tuyển.

Trường đã sử dụng phần mềm này để đồng loạt tổ chức các lớp đào tạo cho sinh viên đại học chính quy.

Trước khi tổ chức đồng loạt, Trường cũng đã xây dựng kế hoạch, ban hành các quyết định, tổ chức tập huấn cho toàn bộ giảng viên trong trường, gửi các file hướng dẫn và trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ cho các giảng viên và sinh viên. Sau một tuần chuẩn bị sẵn sàng, tới nay công việc đào tạo trực tuyến đã triển khai chính thức được 3 tuần.

- Nhà trường có gặp khó khăn nào trong quá trình chuẩn bị và triển khai giảng dạy trực tuyến không, thưa thầy?

- Trong quá trình tập huấn, chuẩn bị giảng dạy trực tuyến, về cơ bản đội ngũ giảng viên đã được các cán bộ kỹ thuật hỗ trợ về công nghệ. Quá trình vận hành cũng có 3 cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp nên các giảng viên ở trong trường về cơ bản không gặp khó khăn nhiều.

Hiện 100% giảng viên đã thực hiện giảng dạy các chuyên đề, bài giảng trực tuyến, chỉ còn một số ít giảng viên thỉnh giảng là để lại bài học và một số lớp thể dục, lớp có hướng dẫn thực hành không thể dạy trực tuyến bởi hiệu quả không cao. Quá trình triển khai phần mềm, Nhà trường không gặp phải khó khăn gì đáng kể.

Phần mềm hỗ trợ rất nhiều cho việc giảng dạy trực tuyến cũng như hỗ trợ nhà trường trong công tác quản lý.

Công tác quản lý sinh viên lên lớp đúng như thời khóa biểu đã triển khai đối với giảng dạy tập trung, tất cả các lớp tới giờ học sinh viên vào lớp và thầy giáo giảng dạy.

Với một phần mềm giảng dạy trực tuyến tốt,đi kèm theo là quy chế của Nhà trường, sau mỗi giờ học giảng viên đều phải ghi lại các bài học giờ học của mình và lưu lại trong phần mềm. Qua đó,Phòng Quản lý đào tạo có thể kiểm tra bất chợt hoặc phục vụ công tác quản lý, sau này xem lại lịch trình giảng dạy của các lớp học.

- Thầy có thể cho biết các nội dung nào trong chương trình học được giảng dạy trực tuyến?

- Hiện tại, trên 96% các lớp tín chỉ của Trường được giảng dạy trực tuyến. Là một cơ sở đào tạo về lính vực văn hóa nghệ thuật, Nhà trường có một số môn đặc thù về nghệ thuật như thanh nhạc, múa nên giáo viên phải để lại một số phần nội dung liên quan đến thực hành biểu diễn. Các nội dung này sẽ được giảng dạy ngay khi các lớp học tập trung trở lại.

Hầu hết sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư đều học trực tuyến. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho những sinh viên không có đủ điều kiện để học tập trực tuyến có thể làm đơn gửi tới nhà trường để tạm hoãn học các lớp trực tuyến và được tiếp tục học theo phương thức truyền thống với các lớp khác vào thời gian tiếp theo.

Triển khai đào tạo trực tuyến thời dịch Covid-19, trường đại học chỉ gặp khó với việc thực tập của sinh viên - Ảnh 2.

- Việc triển khai giảng dạy trực tuyến của trường tới nay đã được gần một tháng, thầy đánh giá hiệu quả bước đầu của việc giảng dạy trực tuyến tại trường như thế nào?

- Theo tôi, việc Nhà trường tổ chức giảng dạy trực tuyến cho 100% các lớp là để đối phó với đại dịch Covid 19. Chắc chắn có một số nội dung giảng dạy trực tuyến có thể không hiệu quả như giảng dạy trực tiếp trên lớp, nhưng cơ bản đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra của môn học và chương trình đào tạo.

Khi giảng dạy tập trung, giảng viên đã quen tương tác trực tiếp với sinh viên, nay chuyển sang dạy trực tuyến, một số giảng viên thực hiện lần đầu nên còn chưa quen với phương pháp mới. Để thay đổi được phương pháp giảng dạy đòi hỏi giảng viên phải thích nghi với phương tiện, cách thức tiếp cận mới.

Tuy vậy, trong giao ban lãnh đạo trường, các thầy cô lãnh đạo khoa cũng đã chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến và các kinh nghiệm này được phổ biến đến giảng viên từng khoa. Một số kinh nghiệm như tăng cường tương tác, thảo luận với sinh viên; chia nhóm sinh viên thảo luận; đặt câu hỏi để sinh viên cùng trao đổi.

Thay đổi phương thức giảng dạy truyền thống sang dạy trực tuyến là một thách thức với không ít giảng viên trong giai đoạn đầu, song đây cũng là cơ hội để giảng viên thay đổi tư duy, phương pháp làm việc với sinh viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Quá trình giảng dạy trực tuyến, giảng viên phải chuẩn bị kỹ bài giảng điện tử, học liệu điện tử để cung cấp cho sinh viên.

Sau khi kết thúc đợt dịch bệnh này, Nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng CNTT hỗ trợ cho công tác giảng dạy truyền thống, như trong việc ra bài tập, kiểm soát học tập của sinh viên, xây dựng học liệu điện tử cho sinh viên…

Đối với sinh viên, theo khảo sát của trường, hầu hết các em tiếp nhận bài tốt, một số sinh viên cũng tỏ ra thích cách học này so với cách học truyền thống bởi các em sẽ tiếp cận được nhiều kiến thức hơn. Tuy nhiên, cũng có một số em có ý kiến về chất lượng đường truyền, thiết bị công nghệ hỗ trợ học tập chưa đồng bộ nên đôi khi việc nghe giảng bị gián đoạn.

- Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, thầy có thể cho biết kế hoạch học tập của sinh viên gặp khó khăn nào là đáng kể và Nhà trường sẽ giải quyết các vấn đề này như thế nào?

- Theo như kế hoạch đào tạo các năm trước, Nhà trường sẽ kết thúc năm học vào ngày 30/6, với năm nay, Trường cũng sẽ dự kiến kết thúc vào ngày 30/6 nhưng sẽ mất 1 học kỳ phụ. Sau khi giảng dạy xong chương trình học kỳ 2 năm học này Nhà trường sẽ quyết định thời gian triển khai học kỳ phụ trong hè năm 2020.

Quyết định này cũng sẽ tác động đến quá trình thực tập của sinh viên.

Hiện tại khoảng 1/5 sinh viên trong trường là sinh viên theo học ngành du lịch, trước tình hình thực tế là các doanh nghiệp du lịch đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên việc thực tập của các sinh viên này sẽ bị hoãn lại, vì thế sẽ ảnh hưởng đến tiến độ ra trường của các em. Một số sinh viên chuyên ngành khác cũng gặp khó khăn trong việc thực tập với lý do nhiều cơ quan, đơn vị dừng làm việc trực tiếp trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội.

Hiện tại, Nhà trường đang có gần 6.000 sinh viên và học viên theo học, việc nghỉ học tập trung dài ngày và phải giảng dạy, học tập trực tuyến như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập cũng như kế hoạch tốt nghiệp của của những năm tiếp theo.

Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường sẽ cố gắng có những điều chỉnh và kế hoạch giảng dạy phù hợp để vượt qua những khó khăn trong tình hình dịch bệnh này, làm sao để sinh viên, học viên vẫn nắm chắc được kiến thức trong thời gian dịch bệnh, đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo đối với các ngành, nghề đào tạo của Trường.

- Xin cảm ơn TS. Trương Đại Lượng!

Vân Khánh (thực hiện)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các trường đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào đào tạo

Ngày 06/4, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ về việc tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chưa xác định được thời điểm kết thúc dịch, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đào tạo năm học 2019-2020 và triển khai hiệu quả công tác tuyển sinh năm học 2020- 2021, Bộ VHTTDL đề nghị các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố về phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm trong phạm vi nhà trường và trong cộng đồng.

Các cơ sở đào tạo căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, thực tiễn về ngành/nghề/lĩnh vực đào tạo và kế hoạch đào tạo đã xây dựng, triển khai điều chỉnh kế hoạch đào tạo trên cơ sở sử dụng thời gian dự phòng… sắp xếp điều chỉnh các học phần/mô đun cho phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo hoàn thành được kế hoạch đào tạo và tổng kết năm học 2019-2020 phù hợp với quy định.

Đối với các cơ sở đào tạo chưa áp dụng giảng dạy trực tuyến, khẩn trương nghiên cứu ứng dụng phần mềm, tập huấn cho cán bộ, giảng viên, giáo viên để tổ chức triển khai giảng dạy trực tuyến trong nhà trường.

Đối với các cơ sở đào tạo đã triển khai giảng dạy trực tuyến, đề nghị tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện để triển khai hiệu quả trong giai đoạn tới.

Bộ cũng đề nghị các trường chủ động xây dựng kế hoạch, điều kiện và các nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh; xây dựng được các phương án và các kịch bản tổ chức tuyển sinh không bị động với việc điều chỉnh của Khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm học 2020-2021.

K.V

NỔI BẬT TRANG CHỦ