(Tổ Quốc) - Thực hiện Đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch; Thành phố Phan Thiết đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Cầu ngư; Thỏa thuận thiết kế các dự án chống xuống cấp di tích quốc gia là những điểm tin văn hóa, du lịch nổi bật tại tỉnh Bình Thuận.
Thực hiện Đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch
Huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch trên địa bàn huyện năm 2020.
Theo kế hoạch, các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai, gồm: Đẩy mạnh việc thực hiện, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại các địa bàn, tuyến du lịch. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch của huyện nhà gắn với thực hiện nhiều hình thức như viết tin, bài phóng sự, tổ chức các buổi họp dân, sinh hoạt chính trị… nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; xây dựng và giữ gìn môi trường an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện đối với du khách; đẩy mạnh công tác xây dựng, nhân rộng và duy trì hoạt động của các mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn lao động, ô nhiễm môi trường, mỹ quan du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư, xây dựng, lao động… trên tuyến du lịch. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức không chấp hành đúng quy định pháp luật; kiểm soát tốt các hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng canô, cho thuê các phương tiện tự lái tham gia giao thông. Phối hợp rà soát, đánh giá các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai, vướng đền bù giải tỏa,... tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định; nghiên cứu đầu tư các trạm cứu hộ tại các bãi tắm, nhà vệ sinh, thùng rác công cộng... tại các điểm, khu du lịch để phục vụ du khách.
Ngoài ra, thường xuyên rà soát, lập danh sách, cử cán bộ quản lý lĩnh vực du lịch, nhân viên các cơ sở du lịch của địa phương tham gia các lớp đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, công tác cứu hộ, cứu nạn, an toàn vệ sinh thực phẩm, sơ cấp cứu do tỉnh tổ chức; tổ chức các lớp giáo dục quốc phòng, an ninh; khuyến khích cán bộ, nhân viên trong ngành du lịch chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong quan hệ, tiếp xúc với khách du lịch.
Đồng thời, tổ chức các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia thông qua hoạt động du lịch; thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao; chủ động ngăn chặn tình trạng cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, ma túy ở các địa bàn, tuyến, điểm du lịch; xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh cho các sự kiện, lễ hội tại địa phương; tăng cường công tác tuần tra vũ trang trên tuyến du lịch, địa bàn trọng điểm, nhất là trong dịp Lễ, Tết và các ngày cuối tuần tập trung đông khách du lịch.
Thành phố Phan Thiết đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Cầu ngư
Vừa qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận phối hợp UBND thành phố Phan Thiết tổ chức đón nhận quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Cầu ngư.
Lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú (phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết) có cấu trúc, diễn trình phong phú và hấp dẫn, chứa đựng nhiều nghi lễ, yếu tố văn hóa gắn với môi trường sinh kế của ngư dân, cũng như tích hợp một số giá trị văn hóa của các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Đó là sự đan xen giữa các nghi lễ mang đậm sắc thái tín ngưỡng thờ cúng cá Ông với một số nghi lễ của Phật giáo, đình làng và văn hóa của người Hoa. Lễ hội là một bộ phận quan trọng cấu thành nên giá trị văn hóa biển lâu đời của người Việt ở miền Trung nói chung và Bình Thuận nói riêng. Là nơi hội tụ các yếu tố văn hóa dân gian miền biển, chứa đựng những bài học về cách thức ứng xử với biển và một phần cội nguồn của văn hóa dân tộc.
Hệ thống các nghi lễ thể hiện khát vọng chính đáng của ngư dân cầu mong cho hoạt động kinh tế biển bình an và được mùa. Nói lên lòng quý trọng biển, lòng biết ơn những gì biển đem lại cho con người. Trong đó cá Ông, các vị Hải thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và là chỗ dựa để ngư dân đặt niềm tin và an tâm khi lao động trên biển.
Thỏa thuận thiết kế các dự án chống xuống cấp di tích quốc gia
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Văn bản số 2209/UBND-KGVXNV đề nghị thỏa thuận thiết kế các dự án chống xuống cấp di tích quốc gia từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2020.
Văn bản nêu rõ, căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Căn cứ Công văn số 308/BVHTTDL-KHTC ngày 20/01/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2020; UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 720/QĐ-UBND ngày 01/4/2020 về việc phân khai kinh phí Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa năm 2020.
Đến nay, đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn chỉnh thiết kế bản vẽ thi công các công trình "Chống xuống cấp, tu bổ di tích đình Tú Luông; chống xuống cấp, tu bổ di tích đính Xuân Hội; chống xuống cấp, tu bổ di tích Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng".
Để có cơ sở phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình "Chống xuống cấp, tu bổ di tích đình Tú Luông; chống xuống cấp, tu bổ di tích đính Xuân Hội; chống xuống cấp, tu bổ di tích Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng./.