• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực Thư viện

Văn hoá 23/11/2023 21:20

(Tổ Quốc) - Chuyển đổi số được coi là động lực mới cho hoạt động thư viện, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn đòi hỏi các thư viện nhận diện, sớm loại bỏ những khó khăn, tận dụng các cơ hội, ưu điểm nổi bật của công nghệ trong chuyển đổi số để thay đổi quy trình công tác, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, tăng cường truy cập, khai thác các nguồn tài nguyên tri thức của công chúng, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động thư viện.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực Thư viện - Ảnh 1.

Bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL

Chuyển đổi số trong thư viện ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp thiết

Tại Hội thảo khoa học "Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn" diễn ra vừa qua, bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL đã có bài tham luận nhằm phân tích những thách thức, cơ hội trong việc chuyển đổi số đối với lĩnh vực thư viện.

Theo bà Kiều Thúy Nga, chuyển đổi số trong thư viện ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp thiết, yêu cầu bắt buộc để cải thiện quy trình làm việc của thư viện, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người sử dụng trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên thông tin.

Trong những năm qua, các thư viện triển khai thực hiện chuyển đổi số ở từng thời điểm, giai đoạn rất khác nhau. Có thư viện đã thực hiện, có nơi đang khởi động, hoặc có những đơn vị mới bước đầu tìm tòi, nghiên cứu lĩnh vực chuyển đổi số.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/2/2021 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hệ thống các thư viện trong cả nước đã triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tích cực thực hiện lộ trình chuyển đổi số với nhiều giải pháp cụ thể và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực.

Việc chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số được các thư viện quan tâm thực hiện. Nhiều thư viện đã phát triển được nguồn dữ liệu số tương đối lớn.

Như Thư viện Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thư mục lớn khoảng 1 triệu biểu ghi. Dữ liệu số toàn văn được phát triển với các hình thức phối hợp như: tự số hóa, thu nhận lưu chiểu, bổ sung nguồn ngoại văn, trao đổi hợp tác, liên kết…

Đến nay, Thư viện đã có được một lượng tài nguyên thông tin dạng số khoảng hơn 180.000 tên sách, số báo, tương đương khoảng trên 10 triệu trang tài nguyên số đưa vào phục vụ, thông qua khai thác trực tuyến và truy cập trong mạng nội bộ (LAN), phổ biến rộng rãi nguồn tri thức của dân tộc.

Nhiều thách thức

Theo bà Kiều Thúy Nga, từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện bên cạnh với những kết quả bước đầu thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất là thách thức về hạ tầng công nghệ. Để thực hiện chuyển đổi số thành công, các thư viện sẽ phải sử dụng nhiều thiết bị, công cụ và các phần mềm. Việc bổ sung, thay thế các hệ thống cũ, nhường chỗ cho những giải pháp công nghệ mới đang là yêu cầu đặt ra.

Thực tế hiện nay, hệ thống thiết bị phục vụ việc số hóa tài liệu, xây dựng dữ liệu số tại các thư viện còn thiếu, số lượng rất ít, chỉ từ 1-3 máy, cá biệt có thư viện còn chưa có thiết bị số hóa để sử dụng.

Thư viện sử dụng hệ thống các phần mềm chuyên ngành như: phần mềm quản trị thư viện điện tử tích hợp, phần mềm quản trị thư viện số, phần mềm tìm kiếm tập trung đạt chuẩn quốc tế sẽ là giải pháp quan trọng để quản lý và triển khai các dịch vụ cung cấp nguồn tài nguyên thông tin trên môi trường số. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thư viện trong cả nước dùng rất nhiều loại phần mềm khác nhau, nhiều nơi giải pháp công nghệ được trang bị đã trên 20 năm làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tích hợp, liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung cho các loại hình thư viện.

Vì vậy, một giải pháp công nghệ mới để giải quyết tất cả khó khăn là một trong những thách thức của chuyển đổi số mà các thư viện cần phải vượt qua.

Thứ hai, khó khăn về chuyển đổi dữ liệu, xây dựng tài nguyên thông tin dạng số. Dữ liệu số hóa chính là một trong những thành phần quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số. Chính bởi tầm quan trọng đó, các thư viện đã chủ động tạo lập và phát triển nguồn tài nguyên thông tin số. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai xây dựng nguồn tài nguyên dạng số thông qua số hóa tài liệu thư viện có số lượng tài liệu còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân.

Thứ ba, hạn chế về kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi số. Theo bà Thúy Nga, đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để chuyển đổi toàn diện cách vận hành, đặc biệt về kết cấu hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật số, phát triển dữ liệu số, do đó đòi hỏi các khoản đầu tư lớn. Hạn chế về tài chính hiện nay, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ trong quá trình đầu tư, nhiều thủ tục khiến các hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số bị lùi lại, làm chậm quá trình xây dựng, triển khai kế hoạch vận hành chuyển đổi số tại các thư viện.

Một số thư viện lớn trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, đa ngành, thư viện đại học đã thực hiện nội dung chuyển đổi số thư viện bằng nguồn kinh phí các dự án đơn lẻ. Tuy nhiên, nguồn này không được bổ sung thường xuyên, không mang tính bền vững, trở thành hoạt động đầu tư nhỏ giọt, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư tổng thể, đồng bộ.

Một trong những khó khăn tiếp theo đó là: nguồn nhân lực cũng là một thách thức để chuyển đổi số lĩnh vực thư viện; trở ngại về nhận thức...

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực Thư viện - Ảnh 2.

Hình minh họa

"Công nghệ là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, tuy nhiên nó chưa phải là yếu tố quan trọng nhất. Nhận thức mới là yếu tố cốt lõi nhất trong quá trình chuyển đổi số, nếu nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số chưa đầy đủ dẫn đến việc triển khai thực hiện không hiệu quả" - Vụ trưởng Vụ Thư viện nói và cho biết, thực tiễn vẫn còn một số cấp lãnh đạo, quản lý chưa coi trọng thực hiện chuyển đổi số trong thư viện, còn tồn tại quan điểm "chưa phải vấn đề cấp thiết", "không phải lĩnh vực thiết yếu"; hay còn tâm lý e ngại triển khai, ngại thay đổi của một bộ phận nhân sự, người lao động là những trở ngại cản trở thành công của quá trình chuyển đổi số thư viện".

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để chuyển đối số thành công trong lĩnh vực thư viện

Về giải pháp trọng tâm để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực thư viện, bà Kiều Thúy Nga cho rằng, đầu tiên là phải chuyển đổi nhận thức. Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Tham gia vào quá trình chuyển đổi số, các cấp lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động và thư viện cần thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện.

Thay đổi nhận thức cần được thực hiện ở toàn bộ các cấp, từ lãnh đạo, quản lý đến viên chức, người lao động, vì chỉ khi nhận thức đúng sẽ có các biện pháp hành động phù hợp.

Thứ hai là phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số. Tập trung phát triển hạ tầng công nghệ, nền tảng số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển thư viện số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số bao gồm hệ thống trang thiết bị các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số và các công cụ hỗ trợ để khai thác các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để triển khai các hoạt động thư viện và dịch vụ thư viện trên môi trường số.

Giải pháp thứ ba là đẩy mạnh xây dựng, phát triển dữ liệu số. Theo đó, yếu tố quan trọng đầu tiên của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào chính là dữ liệu số. Nếu không có dữ liệu số, sẽ không thể xác định mô hình hoạt động số và tiến hành chuyển đổi số. Để chuyển đổi số hiệu quả và phát triển đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác, thư viện cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển dữ liệu số, nguồn tài nguyên thông tin dạng số.

Thứ tư là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số thư viện. Giải pháp cơ bản nhất chính là tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm thư viện trang bị những kiến thức, hiểu biết về dữ liệu, công nghệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số, kỹ năng tổ chức dữ liệu và triển khai dịch vụ số…

Một trong những giải pháp quan trọng mà Vụ trưởng Vụ Thư viện nhấn mạnh đến đó là đầu tư cho chuyển đổi số. Theo đó, để đẩy mạnh chất lượng chuyển đổi số lĩnh vực thư viện, Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa về chuyển đổi số, xây dựng thư viện số; Có chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ, nội dung số hóa cho các thư viện, đảm bảo cho việc triển khai chuyển đổi số hoạt động thư viện hiệu quả và bền vững. Các thư viện Việt Nam cũng cần xác định hướng đầu tư tập trung, hiệu quả, không dàn trải sao cho đem lại hiệu quả cao nhất với nguồn kinh phí thấp nhất có thể.

"Ngoài những giải pháp cơ bản nêu trên, để công cuộc chuyển đổi số ở các thư viện thành công cũng còn phụ thuộc vào các yếu tố: hoàn thiện cơ sở pháp lý; đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; xây dựng, hình thành văn hóa số…" - bà Kiều Thúy Nga cho hay./.

Triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ngày 23/7/2021 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ VHTTDL, với 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, xác định các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình trong từng giai đoạn cụ thể:

Giai đoạn 2021-2025: Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số ngành Thư viện, thực hiện các nhiệm vụ triển khai phục vụ chuyển đổi số và quản lý ngành Thư viện về chuyển đổi số; Triển khai các hoạt động truyền thông về chuyển đổi số và kết nối liên thông thư viện; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thư viện (tập trung vào quy trình hoạt động thư viện, chuyên môn nghiệp vụ thư viện, liên thông thư viện, số hóa tài liệu thư viện); Tổ chức hội thảo, tập huấn bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ người làm công tác thư viện về quản lý thư viện hiện đại, chuyển đổi số trong thư viện; Học tập kinh nghiệm các quốc gia phát triển mạnh về chuyển đổi số thư viện…

Giai đoạn 2026-2030: Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, dữ liệu số ngành Thư viện ở giai đoạn 2021-2025; Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình, chuẩn bị thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ