• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triển khai nhiều mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Pháp luật 02/10/2023 14:16

(Tổ Quốc) - Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai, duy trì nhiều mô hình điểm với những mục tiêu, tiêu chí và giải pháp cụ thể.

Thực hiện các nội dung trong Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt, đã tổ chức ra mắt và hướng dẫn triển khai thực hiện các hoạt động thuộc các mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt số lượng, quy mô theo Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 12/4/2023.

Theo quyết định này, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, địa phương đã triển khai 6 mô hình điểm với các mục tiêu, tiêu chí, giải pháp cụ thể cho từng mô hình để các đơn vị căn cứ triển khai có hiệu quả.

Cụ thể, mô hình "Chính quyền và nhân dân tích cực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và nói không với hôn nhân cận huyết" triển khai tại xã Hồng Vân, huyện A Lưới với mục tiêu giảm tình trạng tảo hôn và không có hôn nhân cận huyết; Phấn đấu giảm 1-2 trường hợp tảo hôn/năm và đến năm 2025 cơ bản không còn tảo hôn; Tiếp tục duy trì kết quả không có hôn nhân cận huyết thống. Với mô hình này, sẽ lựa chọn và thành lập Ban chỉ đạo, tổ, nhóm nồng cốt là những cá nhân tiêu biểu trên địa bàn xã tham gia thực hiện các hoạt động.

Mô hình "Đoàn viên, thanh thiếu niên nói không với tảo hôn và không kết hôn cận huyết" triển khai tại xã Hồng Thượng, huyện A Lưới với mục tiêu trong năm 2023 giảm 1-2 trường hợp tảo hôn; Năm 2024 tiếp tục duy trì giảm 1-2 trường hợp tảo hôn. Đến năm 2025 không còn tình trạng tảo hôn; Tiếp tục duy trì kết quả không có hôn nhân cận huyết thống. Tại mô hình này, Đoàn TNCS HCM xã Hồng Thượng cùng các ban ngành liên quan sẽ tăng cường giao lưu, chia sẻ với trẻ em, vị thành niên về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, giáo dục tư tưởng, lối sống, học tập và định hướng nghề nghiệp cho các Đoàn viên, thanh thiếu niên.

Thừa Thiên Huế: Triển khai nhiều mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Ảnh 1.

Ra mắt mô hình "Chính quyền và nhân dân tích cực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và nói không với hôn nhân cận huyết" tại xã Hồng Vân, huyện A Lưới.

Mô hình "Câu lạc bộ tiền hôn nhân và phụ nữ nói không với tảo hôn" triển khai tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới với mục tiêu trang bị các kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện kế hoạch hóa gia đình, trang bị các kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cho trẻ em, vị thành niên, thanh niên nhằm hướng đến giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Bên cạnh đó, hàng năm phấn đấu giảm 1-2 trường hợp tảo hôn và đến năm 2025 trên địa bàn xã cơ bản không còn tình trạng tảo hôn.

Mô hình "Nâng cao nhận thức và hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS" triển khai tại Trường THCS-THPT Trường Sơn (huyện A Lưới) với mục tiêu nâng cao các kiến thức liên quan cho học sinh toàn trường; giảm tỷ lệ học sinh trong trường bỏ học và tảo hôn từ 2-3 trường hợp/năm; Phấn đấu đến năm 2025 không con trường hợp học sinh bỏ học và tảo hôn. Mô hình này đã đề ra các giải pháp như: Thành lập câu lạc bộ "Học sinh nói không với tảo hôn"; Tăng cường các buổi tuyên truyền sinh hoạt ngoại khóa; Nắm bắt các tâm tư nguyện vọng của học sinh để kịp thời động viên, thuyết phục các em từ bỏ suy nghĩ chưa phù hợp với lứa tuổi hoặc trái với quy định của pháp luật.

Mô hình "Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS" triển khai tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới với mục tiêu chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân cho người dân trên địa bàn xã; Năm 2023 phấn đấu ít nhất 80% người dân trên địa bàn tiếp cận và hiểu rõ về pháp luật hôn nhân gia đình; Đến năm 2025, trên địa bàn cơ bản không còn tình trạng tảo hôn; Tiếp tục duy trì kết quả không có hôn nhân cận huyết thống. Với mô hình này, sẽ triển khai các giải pháp cụ thể như: Tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân và gia đình, tảo hôn cũng như hậu quả, tác hại và những hệ lụy của tình trạng này; Yêu cầu các hộ gia đình có con đang tuổi vị thành niên phải có cam kết không tổ chức tảo hôn và hôn nhân cận huyết; Xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm Luật hôn nhân và gia đình.

Mô hình "Nâng cao vai trò cấp ủy, lực lượng cốt cán và người có uy tín trong công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" triển khai tại xã A Roàng, huyện A Lưới. Mô hình với mục tiêu phát huy vai trò cấp ủy, lực lượng cốt cán và người có uy tín trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Hàng năm, giảm từ 1-2 trường hợp tảo hôn và phấn đấu đến năm 2025 không còn trường hợp tảo hôn. Để thực hiện tốt mô hình này, các giải pháp được đề ra như: Lực lượng cốt cán và người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động và kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người dân nơi sinh sống đến chính quyền địa phương; Thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sống, kiến thức pháp luật cho bà con trên địa bàn…

Ngoài triển khai các mô hình kể trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu tiếp tục duy trì mô hình "Câu lạc bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" đang được triển khai trên địa bàn xã Hồng Hạ và xã Lâm Đớt, huyện A Lưới.

Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin thêm, cùng với việc triển khai các mô hình điểm, từ đầu năm đến nay đơn vị cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức 6 hội thi tìm hiểu về pháp luật; Tổ chức 6 lớp tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tổ chức 1 chuyến tham quan, học tập nghiên cứu ngoại tỉnh cho cán bộ tham gia Tiểu dự án 2, Dự án 9; Xây dựng 1.000 sản phẩm truyền thông các nội dung liên quan…

Qua đó, đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn. Theo số liệu thống kê trong 8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn vùng DTTS của tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ xảy ra 13 trường hợp vi phạm tảo hôn, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ