Triển khai thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan
(Tổ Quốc) - Sáng 5/10, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị chuyên đề về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan Triển khai thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP. Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ VHTTDL, đại diện 6 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (Gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam và Hội bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam) cùng 2 hội chủ quản (Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam).
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Hội nghị tập trung vào tổ chức thực hiện các quy định pháp luật mới tại Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP về hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, vấn đề thông tin công khai, minh bạch, việc xây dựng biểu mức tiền bản quyền, thực hiện thu, phân chia tiền bản quyền, hợp tác và xây dựng cơ sở dữ liệu của tổ chức, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác của tổ chức,…
Liên quan đến biểu mức tiền bản quyền, theo ông Trần Hoàng, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có quyền và nghĩa vụ xây dựng biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền, trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt. Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền căn cứ vào các nguyên tắc quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền phù hợp với các hình thức sử dụng và theo các nguyên tắc quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nộp hồ sơ cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trước khi thực hiện.
Cũng theo Nghị định số 17, hồ sơ đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền bao gồm tờ khai và phương án xây dựng. Trong đó, Phương án xây dựng bao gồm Phân tích biểu mức tiền bản quyền đề xuất; Những vấn đề chưa thống nhất với bên khai thác, sử dụng và Đề xuất biểu mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán và các kiến nghị (nếu có).
Nghị định 17 cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét và ban hành văn bản về việc chấp thuận trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ về đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền do tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trình theo quy định tại Nghị định.
Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ VHTTDL thành lập Hội đồng tư vấn về quyền tác giả, quyền liên quan để xem xét biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền quy định tại khoản 1 Điều này và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng tư vấn về quyền tác giả, quyền liên quan.
Biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền sau khi được phê duyệt phải được áp dụng trong thời hạn ít nhất là 3 năm. Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét điều chỉnh biểu mức tiền bản quyền trong trường hợp có những thay đổi về chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước liên quan đến cơ sở để xác định biểu mức.
Tổ chức đề xuất xem xét điều chỉnh biểu mức tiền bản quyền bao gồm: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ VHTTDL.
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác, giả mặc dù các điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ cũng như Nghị định số 17 đã đầy đủ, nhưng trong triển khai thực hiện sẽ gặp phải những vướng mắc, khó khăn. Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đề nghị đại diện các đơn vị cho ý kiến, cùng nêu ra các khó khăn trong thực tiễn áp dụng Luật, Nghị định để đề ra các giải pháp tháo gỡ.
Đại diện các đơn vị phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị tham mưu quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan đề nghị các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thời gian tới nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật có liên quan.
Trong đó, tập trung những nội dung phục vụ trực tiếp cho hoạt động nhận ủy quyền, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan của tổ chức, việc xây dựng biểu mức tiền bản quyền, nâng cấp cơ sở dữ liệu, các nội dung triển khai cần có kế hoạch thực hiện cụ thể.
Trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng biểu mức tiền bản quyền, đại diện các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cùng các hội chủ quan đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến những điều bất hợp lý trong việc xây dựng biểu giá thanh toán. Bên cạnh đó là những khó khăn về mặt kinh phí, về công nghệ và con người.
Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cảm ơn các ý kiến đóng góp và cho biết, các ý kiến sẽ được tổng hợp để tham mưu cấp có thẩm quyền tìm các giải pháp khắc phục, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật./.