Với Triển lãm “Cổ vật sông Hồng,” người dân St.Petersburg có dịp hiếm hoi được nhìn vào “chiều sâu” quá khứ và chứng kiến kinh nghiệm hàng nghìn năm chinh phục thiên nhiên của người dân Việt Nam.
Đông đảo người dân Nga tham quan Triển lãm. (Ảnh: Lê Hằng/Vietnam+)
Trong chuỗi hoạt động “Ngày Thành phố Hồ Chí Minh,” ngày 17/5, tại khu vực Cung điện Mùa Đông ở thành phố Saint-Petersburg, Liên bang Nga, đã khai mạc triển lãm “Cổ vật sông Hồng.”
Đây là dự án đầu tiên trong lịch sử trao đổi văn hóa Nga-Việt do Viện Hồ Chí Minh tại Đại học tổng hợp quốc gia St.Petersburg và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khởi xướng.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, triển lãm giới thiệu đến người xem một giai đoạn cổ đại trong lịch sử khu vực sông Hồng của bán đảo Đông Dương, với truyền thống và sinh hoạt của con người Việt Nam thời kỳ nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Những giá trị văn hóa và lịch sử của triển lãm được đích thân Giám đốc Bảo tàng quốc gia Hermitage lớn nhất thế giới về văn hóa-lịch sử và nghệ thuật (St.Petersburg, Liên bang Nga) Mikhail Piotrovsky cùng với Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Cường viết lời giới thiệu.
Trong lời giới thiệu được in thành thiếp, ông Mikhail Piotrovsky viết, "với triển lãm “Cổ vật sông Hồng,” người xem tại St.Petersburg có dịp hiếm hoi được tận mắt nhìn vào “chiều sâu” quá khứ của đất nước Việt Nam, được chứng kiến kinh nghiệm hàng nghìn năm của người dân Việt Nam trong khai phá và chinh phục thiên nhiên của những đồng bằng lưu vực sông rộng lớn, trong việc hình thành các nghề sản xuất và nghệ thuật cao.”
Triển lãm trưng bày 299 hiện vật của các nền văn hóa cổ: Đông Sơn, Đồng Nai, Sa Huỳnh, Óc Eo.
Chiếc trống đồng Đông Sơn, hiện vật "đinh" của triển lãm.(Ảnh: Lê Hằng/Vietnam+)
Thu hút nhiều chú ý nhất là chiếc trống đồng mô tả tập tục cầu mưa với tượng 4 con cóc trên mặt trống, phong tục thuyền táng độc đáo...
Báo chí St.Petersburg đã viết như sau: "Ba nền văn hóa trên là nền móng ra đời tổ chức nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đó là nhà nước Văn Lang, tồn tại đến năm 257 trước Công nguyên.
Tiếp sau nhà nước văn lang là nhà nước Âu Lạc có thủ đô là thành Cổ Loa chỉ cách thủ đô Hà Nội ngày nay 15km.
Chiếc trống đồng Đông Sơn là biểu tượng của quyền lực song lại được trang trí hoa văn thể hiện cuộc sống đời thường của người dân, các tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt cổ.”
Các hiện vật được trưng bày tại triển lãm cho thấy người Việt cổ đã đạt trình độ phát triển cao trong nghề thủ công, làm nông nghiệp và nghệ thuật.
Những chiếc trống đồng trang trí tinh xảo khiến người xem kinh ngạc về những đường nét hoa văn đẹp, cân xứng, thể hiện rõ nét về truyền thống trọng nước của nền văn minh gắn với dòng sông của Việt Nam.
Ông Mikhail Piotrovsky mô tả: “Dù không nghe được tiếng trống, song chúng ta có thể hình dung ra âm điệu hào hùng vang xa trên những dòng sông và cánh rừng già, báo hiệu cơn mưa rừng hoặc gọi mời tham dự một tập tục.”
Triển lãm cũng giới thiệu sự đóng góp của các nhà khoa học nhiều nước trong công tác nghiên cứu, tìm tòi và khảo cổ vùng Đông Nam Á.
Cho đến thập kỷ 50 của thế kỷ 20, Việt Nam mới có thế hệ các nhà khảo cổ đầu tiên của mình.
Báo chí Nga cũng gọi Việt Nam là nền văn hóa kỳ lạ, đồng thời ghi nhận sự đóng góp của các chuyên gia Liên Xô trước kia và chuyên gia Nga ngày nay, vẫn đang tiếp tục khám phá những nét độc đáo của nền văn hóa sông Hồng.
Đặc biệt, phía Nga đánh giá cao ý thức bảo tồn lịch sử, bảo tồn di sản của Việt Nam với nhiều luật bảo vệ di sản văn hóa, bảo tồn các di tích khảo cổ, xây dựng các bảo tàng mới. Hiện, Việt Nam đã có 79 cổ vật được công nhận là “cổ vật quốc gia.”
Triển lãm “Cổ vật sông Hồng” mở cửa đến tháng Chín năm nay. Đây không chỉ là dịp giới thiệu đến công chúng Nga một trong những nền văn minh đặc sắc vùng bán đảo Đông Dương xa xôi, mà còn cho thấy hai nước còn nhiều điều để giới thiệu đến nhau, hứa hẹn những dự án mới và quan trọng sau này trong củng cố và phát triển hợp tác văn hóa giữa hai nước, hai dân tộc./.