(Tổ Quốc) - Chiều ngày 27/12, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15 Lê Lợi, TP Huế) đã diễn ra Triển lãm mỹ thuật "Hoàn gia lý" về cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán.
Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) là vị Sơ tổ của Thiền phái Liễu Quán, một dòng thiền thuần Việt ra đời vào đầu thế kỷ XVIII tại Đàng Trong.
Đạo phong và công hạnh của ông không chỉ được hầu hết mọi tầng lớp xã hội đương thời - từ vương hầu khanh tướng đến tăng tín đồ quy ngưỡng, mà trong hơn 300 năm qua, nguồn mạch thiền phái do ông sáng lập vẫn được "truyền đăng tục diệm", phát triển hưng thịnh và có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Triển lãm "Hoàn gia lý" (Về quê cũ) là hoạt động mở đầu trong chuỗi sự kiện tưởng niệm 281 năm ngày đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán – vị Tổ sư khai sáng Thiền phái Liễu Quán viên tịch do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Huế đồng tổ chức.
Triển lãm lấy ý trong câu kệ thị tịch của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán do nhóm họa sĩ Phật tử thực hiện từ đầu năm 2023. Tại triển lãm giới thiệu đến công chúng 19 bức tranh, 3 tác phẩm điêu khắc, 1 tác phẩm sắp đặt xoay quanh chủ đề cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán. Triển lãm này sẽ mở cửa đến hết ngày 5/1/2024.
Chiều cùng ngày, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán cũng đã diễn ra buổi họp báo về Hội thảo khoa học với chủ đề: "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển" và các hoạt động liên quan.
Cụ thể, dịp này, tại TP Huế sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Hội thảo khoa học với chủ đề "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển"; Triển lãm "Bảo đạc trường minh" trưng bày trên 200 đầu mục tư liệu gồm kinh điển, trước tác, Chánh pháp nhãn tạng, Hộ giới điệp, Châu bản triều Nguyễn và các văn bản Hán Nôm giá trị khác; Triển lãm "Hoàn gia lý"; Lễ tảo tháp, tưởng niệm và húy nhật; tham quan các ngôi cổ tự gắn liền với cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán tại Huế:../.