• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Văn hoá 12/11/2021 19:45

(Tổ Quốc) - Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" diễn ra từ ngày 16-27/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 02, Phố Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội và ngày 24/11/2021 tại tầng một Nhà Quốc hội, số 01 đường Độc Lập, Quận Ba Đình, Hà Nội. Triển lãm online trên website: http://trienlamvhnt.vn từ ngày 16/11 - 31/12/2021.

Triển lãm do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11 tới.

Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh 1.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tài liệu được trưng bày tại Triển lãm

Triển lãm trưng bày 320 hình ảnh, hơn 123 tài liệu, hiện vật quý với các nội dung:

Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Trong đó, nội dung Văn hóa Việt Nam trước năm 1930 sẽ giới thiệu quá trình bồi đắp lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đó, những giá trị văn hóa được hình thành, lưu truyền qua nhiều thế hệ, được giữ gìn và phát huy, tạo dựng nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam lựa chọn, trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tài liệu, thư, bản thảo, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật, với các văn nghệ sỹ, nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam. Người có rất nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm, thư gửi các hội nghị trong lĩnh vực này: Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Văn hóa, ngày 28/2/1957; Sách "Con người xã hội chủ nghĩa", xuất bản năm 1961… Trong đó, Người không chỉ nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hóa mà còn đề ra nhiều chiến lược, nhiệm vụ quan trọng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa, đó là văn hóa phải được coi trọng ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/1946, trong diễn văn khai mạc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam, trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Và đặc biệt có giá trị sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới đất nước, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày nay.

Ở nội dung Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa, triển lãm sẽ tập trung giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội Đảng. Triển lãm cũng giới thiệu một số hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội qua các thời kỳ thăm và làm việc với các đơn vị, tỉnh, thành phố về lĩnh vực văn hóa.

Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh 2.

Các hiện vật được trưng bày tại triển lãm

Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh 3.

Nội dung Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước chia thành các giai đoạn: Vai trò của văn hóa trong giai đoạn 1930-1945, giới thiệu các hình ảnh về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, Đảng lãnh đạo các phong trào đấu tranh giành độc lập như phong trào Xô viết - Nghệ tĩnh, các cuộc khởi nghĩa khắp Bắc - Trung - Nam…

Vai trò của văn hóa trong giai đoạn 1945-1954 trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật làm nổi bật những đóng góp của văn hóa nghệ thuật phục vụ cách mạng trong giai đoạn này với các hình thức khác nhau: triển lãm, sinh hoạt văn nghệ, xuất bản sách báo… Đông đảo các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sỹ và nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia kháng chiến với tất cả trí tuệ, tài năng, họ đã thực sự trở thành những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa.

Vai trò của văn hóa trong giai đoạn 1954-1975 - giai đoạn miền Bắc xây dựng CNXH, văn hóa đã phát triển toàn diện, đi sâu vào hoạt động theo chuyên ngành: nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ra đời, phim ảnh và các hình thức nghệ thuật khác ngày càng phong phú. Phần trưng bày giai đoạn này sẽ giới thiệu nhóm hiện vật: máy quay phim đầu tiên của Bắc Bộ từ 1950; máy quay phim 16 ly của điện ảnh Nam Bộ dùng ghi lại chiến công đánh Mỹ của quân ta; máy chiếu phim đầu tiên của Xưởng cơ khí điện ảnh Bộ Văn hóa, sản xuất năm 1959…

Nội dung Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước: Phần văn hóa trong nước trưng bày làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể thao. Những truyền thống văn hóa quý giá của dân tộc đã và đang tiếp tục được phát huy. Nhiều phong trào thi đua được phát động và thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.

Văn hóa đối ngoại: thông qua các hình ảnh triển lãm, hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; Việt Nam tham dự Olympic, liên hoan phim quốc tế, các sự kiện thể thao; Các chương trình hợp tác, nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước… cho thấy, hoạt động văn hóa đối ngoại đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam - một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, đậm bản sắc dân tộc…Qua đó, đã thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế.

Bên cạnh đó là trưng bày các di sản, Khu dự trữ sinh quyển, Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO ghi danh và các di sản, danh thắng tiêu biểu của các vùng, miền trong cả nước.

Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc - Ảnh 4.

Nội dung Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trưng bày ảnh, tư liệu và số liệu về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong những năm vừa qua. Trong đó, bên cạnh việc chú trọng bảo tồn di sản văn hóa vật thể: bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản đã được UNESCO ghi danh, các di tích lịch sử quốc gia được xếp hạng, các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp thiết bị, hệ thống trưng bày Bảo tàng. Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu…Công tác bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã có nhiều chính sách bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, nước ta có 54 dân tộc anh em thì 53 dân tộc là dân tộc thiểu số. Văn hóa của các dân tộc đã góp phần làm phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa Việt, tạo nên một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ