• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triển vọng lớn của thị trường cà phê Việt Nam

Kinh tế 19/09/2023 09:13

(Tổ Quốc) - Theo Vietnam Briefing, ngành cà phê Việt Nam nắm giữ những cơ hội đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở cả sản xuất và bán lẻ.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và đứng đầu về năng suất trồng cà phê với 2,4 tấn/ha trong bản Đánh giá thường niên 2021/2022 của Tổ chức Cà phê Quốc tế. Sản lượng này bao gồm các loại hạt Robusta, Arabica, Cherri, Moka và Culi - những loại hạt cà phê phổ biến nhất được trồng ở Việt Nam.

Năm 2022/23, sản lượng cà phê đạt 29,75 triệu bao, trong đó Robusta chiếm hơn 95%. Việt Nam chiếm tới hơn một nửa nguồn cung Robusta toàn cầu.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng lưu ý sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 16,97 triệu bao trong nửa đầu năm 2023, trong đó Đức, Mỹ và Italy là thị trường xuất khẩu nhiều nhất. Điều này dễ hiểu vì cà phê là cây công nghiệp chủ lực và được trồng trên 710.000 ha tại Việt Nam.

Hơn nữa, nhu cầu ngày càng tăng về cà phê đặc sản và sự mở rộng của nhiều chuỗi cà phê đang thúc đẩy nhập khẩu cà phê Arabica vào Việt Nam. Hầu hết loại cà phê này có nguồn gốc từ Indonesia, Brazil, Peru và Đức, trong khi các sản phẩm cà phê chế biến thường được nhập khẩu từ Brazil, Thái Lan, Indonesia, Australia và Bỉ.

Triển vọng lớn của thị trường cà phê Việt Nam - Ảnh 1.

Thị trường cà phê nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Vietnam briefing.

Một số thách thức ban đầu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường cà phê Việt Nam

Đầu tiên là sở thích của khách hàng. Người Việt thích vị đậm đà và đắng của hạt cà phê Robusta. Đối với người tiêu dùng Việt Nam, tách cà phê ngon phải đậm đà hương vị tự nhiên, có độ đắng vừa phải, có mùi thơm dịu nhẹ của gỗ. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu cà phê nước ngoài đều sử dụng hạt Arabica có vị dịu hơn, ít đắng hơn và thoang thoảng mùi thơm của các loại hạt và trái cây.

Hơn nữa, cà phê ở Việt Nam không phải là thứ "thức uống nhanh" như ở các nền văn hóa phương Tây. Người Việt đi uống cà phê là để giải trí, họ thích ngồi nhâm nhi và suy nghĩ. Những khác biệt trong văn hóa cà phê này có thể khiến thương hiệu nước ngoài kém hấp dẫn hơn thương hiệu địa phương.

Một yếu tố nữa là người Việt nhạy cảm về giá. Việt Nam là một trong những khu vực nhạy cảm về giá nhất ở Đông Nam Á. Theo Báo cáo Thị trường Kinh doanh Thực phẩm và Đồ uống năm 2022 do iPOS công bố, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả 1,70 USD đến 2,97 USD cho cà phê - mức tầm trung đối với các thương hiệu đồ uống như Highlands Coffee, Phúc Long và The Coffee House. Chỉ một số ít người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho đồ uống trên 2,97 USD. Điều này có thể gây khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của các chuỗi cà phê nước ngoài đắt tiền hơn.

Đã có nhiều thương hiêu cà phê quốc tế như Gloria Jean's, New York Dessert Coffee và The Coffee Bean & Tea Leaf sau khi vào Việt Nam đã phải ra đi. Dường như như người tiêu dùng Việt Nam khó có thể cam kết lâu dài với một thương hiệu cà phê có mức giá trung bình 4,25 USD cho một tách cà phê.

Một khó khăn lớn nữa là các thương hiệu nước ngoài vào thị trường cà phê Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ rất nhiều thương hiệu nội và ngoại, từ các chuỗi quán cà phê đến quán cà phê vỉa hè. Với khoảng 338.600 nhà hàng và quán cà phê tính đến cuối năm 2022, Việt Nam không thiếu những quán cà phê ngon và giá cả phải chăng. Trên thực tế, vào năm 2022, Cà phê Trung Nguyên là chuỗi cà phê dễ nhận biết nhất đối với người tiêu dùng Việt Nam, theo khảo sát của Statista.

Một điều cần lưu ý nữa là hi phí hoạt động kinh doanh cao. Theo Báo cáo Bất động sản Việt Nam 2022, giá thuê tại các trung tâm mua sắm thương mại năm ngoái là khoảng 100 USD/m2/tháng tại Hà Nội và 130 USD/m2/tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cộng với việc người tiêu dùng Việt Nam nhạy cảm về giá, điều này có thể khiến các thương hiệu nước ngoài buộc phải thu hẹp quy mô hoặc thậm chí rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

Còn nhiều triển vọng đối với các công ty nước ngoài

Tuy nhiên, vượt lên những thách thức trên, các đối tác nước ngoài còn rất nhiều triển vọng tại Việt Nam, đặc biệt là khi sở thích của người tiêu dùng đang thay đổi. Theo Báo cáo Thị trường Kinh doanh Thực phẩm và Đồ uống năm 2022, người Việt từ 23 đến 30 tuổi có xu hướng mua đồ uống thường xuyên nhất và ngày càng thường xuyên hơn. Người tiêu dùng trẻ ở Việt Nam cũng cởi mở hơn với các sản phẩm nước ngoài, bao gồm cả hạt Arabica và không phản đối việc thấy văn hóa cà phê ở Việt Nam phát triển đa dạng hơn.

Yếu tố thứ hai là nhu cầu cà phê hòa tan tăng cao. Nhịp sống bận rộn, thời gian làm việc kéo dài hơn đang khiến thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam ngày càng sôi động và cạnh tranh. Nhiều ông lớn trên thị trường cà phê Việt Nam đã mở rộng sang cà phê hòa tan.

Năm 2021, Công ty Louis Dreyfus (LDC) và công ty cà phê nhãn hiệu riêng Instanta đã ký thỏa thuận liên doanh xây dựng nhà máy cà phê hòa tan tại Việt Nam. Một năm sau, Nestlé và Starbucks tung ra sản phẩm cà phê hòa tan mới với các hương vị đặc trưng của cà phê Starbucks: Dark Roast, Caffè Mocha, Caffè Latte và Caramel Latte. Theo Statista, nhu cầu cà phê hòa tan tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2024.

Một yếu tố đáng chú ý nữa là nhu cầu tiêu thụ cà phê dự kiến sẽ tăng. Theo USDA, tiêu thụ cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 5 đến 10% trong năm nay. Điều này có thể sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất mở rộng phạm vi sản phẩm và mở rộng cơ sở hiện có của họ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh ở thị trường nội địa.

Như vậy, thị trường cà phê Việt Nam có thể là một lựa chọn hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần hiểu rõ thị trường trước và chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ thị hiếu địa phương.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ