(Tổ Quốc)- Với những câu thơ triết luận tầng tầng ý tưởng được đan cài thành tư tưởng là chủ định của Trần Ninh Hồ trong soi chiếu lật lại các giá trị và xác lập một chân giá trị mới, đa chiều hơn, thẳm sâu hơn.
“Khi vào thơ/ Đời đã sách vở rồi/ Sao cứ mãi làm thơ theo sách vở/ Sách chỉ là nơi Thơ tạm ở/ Thơ lẫn vào đời như em và tôi”, tuyên ngôn này của Trần Ninh Hồ dẫn dụ tôi mê đắm vào niềm thơ ông, một niềm thơ đầy suy tư, trăn trở, thâm trầm và không kém phần dữ dội.
Giữa bề bộn những sự đời, sự người, lắng lại một nỗi buồn nhân thế, một cách ứng xử đầy nhân văn trước thời thế. Ông như que diêm lách giữa hai ngọn nến đang cháy, và thơ ông rừng rực như đài lửa được chính ông thắp lên bằng tình yêu thương con người da diết, bằng cả sự trải nghiệm giữa muôn trùng va đập. Cao hơn tất cả, bao trùm lên tất cả là một ý thức công dân đầy trách nhiệm của một tâm thế đầy can dự, xẻ chia. Hơn 100 bài thơ trong tập “Những dấu ấn chưa qua” để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc, bởi sự ám ảnh của những day trở như cứa vào gan ruột, như khắc vào tim óc vậy.
Khác với những nhà thơ cùng thế hệ, ông hòa nhập vào trào lưu đổi mới thật dễ dàng, bởi từ khi mới cầm bút, ông đã mới, thơ ông đã mới. Thời gian dường như không “sàng” nổi ông, bởi tính triết luận trong thơ ông luôn minh triết trước thời cuộc.
Ý thức rất rõ về việc làm thơ nên ông cẩn trọng đến từng từ, từng câu, ông viết mười trang chỉ “Mong được một trang in”. Như thế, dễ gì mà “Mực lại về với… nghiên” được. Rào đón có khi chẳng mang lại khôn ngoan nào, tôi tự mở cánh cổng vào thơ ông bằng chính con đường ông đã mở qua 3 phần: Giấy như mây, Phóng sự thơ, Em và tôi của tập thơ “Những dấu ấn chưa qua”.
Ở “Giấy như mây”, tôi đã gặp Trần Ninh Hồ ngay ngoài ngõ, đang mở khóa cổng nhà mình, nắm bàn tay bạn và cùng bạn cụng ly đàm đạo chuyện đời trên chiếu văn không chỉ ở vùng Kinh Bắc. Trên chiếu văn đó, ngoài những lúc ngồi một mình ra, tôi thấy Trần Ninh Hồ trong chân dung của rất nhiều hào kiệt, thi nhân và bạn hữu mà ông ký họa. Dường như trong tất cả những cuộc rượu, dù là đàm đạo chuyện gì, cuối cùng đều quay về thơ ca, tình yêu và nước mắt.
Độc thoại trước trang giấy trắng, ông luôn ý thức: “Sách in còn tươi mực/ Chưa ngưng đã cũ mèm”. Chính vì thế mà ngay cả khi đọc được một dòng tin buồn trên báo, ông cũng đầy cật vấn và day dứt: “Tôi đọc tin buồn trên báo/ Về một nhà thơ qua đời…/ Nỗi buồn gọn như… trang báo/ Có như đời thực ngày nào?” Đúng là chỉ có những người trong cuộc mới có thể hiểu được đời thực của nhà thơ nó khốn khổ đến như thế nào. Hình như thơ càng hay, đời càng nhiều trả giá, và càng nhiều trả giá thơ càng hay. Trần Ninh Hồ cũng không là một ngoại lệ, dù ông nhiều nghi vấn: “Hình như những nỗi buồn của đời/ Đã khiến thơ ông cồn cào/ Hình như nỗi buồn của rét/ Buốt từng câu thơ chiêm bao…/ Hình như nỗi buồn chinh chiến/ Bạc phai bao lớp áo bào”. Tâm trạng này càng rõ hơn khi Trần Ninh Hồ khắc họa lại cái thời vai khoác ba lô, chân dép lốp đi vào thời chinh chiến. Người lính làm thơ ấy, may mắn sống sót trở về, và trong bức chân dung tự họa, thấy thăm thẳm một nỗi niềm: “Sương gió lên màu vách núi/ Nơi ai tự giấc trường chinh/ Mơ ánh mây về phố cũ/ Tỉnh ra, mình lại chỉ mình!/ Độc thoại dòng sông cảm khái / Như dòng sông một mình trôi/ Trả lại hai bên bờ bãi/ Bao nhiêu khát khao một thời/ Ruộng cắt ô cờ thung lũng/ Trấn thủ lính màu cỏ gai/ Đâu rồi áo bào vệ quốc/ Một thời trải trắng đất đai?” Có cảm giác đầy tiếc thương trong buốt lạnh: “Tráng-sĩ-người đi không lại/ Chỉ còn tráng-sĩ-thơ-thôi!/ Sông Dịch nơi nào cũng lạnh/ Tái tê trôi dọc kiếp người!”.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ (ảnh TL)
Khi đọc những bài thơ Trần Ninh Hồ viết về Hoàng Cầm, Hoàng Trung Thông, Trúc Thông, Mai Linh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quốc Vượng… tôi có cảm giác như ông đang viết về chính ông vậy.
Chỉ bằng hai câu: “Nào phải mình ta thi sĩ/ Chung thân làm tiếng gọi đò”, đã đủ thấy Trần Ninh Hồ thăm thẳm như thế nào trong triết luận về Hoàng Cầm - Nhà thơ cùng quê hương Kinh Bắc. Trong nỗi nhớ người, ông thốt lên: “Ôi con sông người đào ấy/ Nối liền cả sáu sông trời/ Mênh mang lục đầu sương khói/ Khắc khoải một lời người ơi!...” Dùng dằng đắm say và da diết như quan họ, thơ ông viết về Kinh Bắc cứ bâng khuâng như ngồi tựa mạn thuyền. Quê hương ông ở đấy, gia đình, những người thân yêu ruột thịt và bạn bè ông ở đấy, ở đấy vừa là Đời, vừa là Đạo, là Thơ: “Người đi rời non lấp bể/ Người đi buôn bấc buôn dầu/ Người vào rừng xanh núi đỏ/ Người dò sào vắn sông sâu/ Biết đâu bên bồi, bên lở/ Những là bến Đợi, đò Lo/ Có ai không, thưa một tiếng/ Cho ta ở phía chợ Chờ!...”. Nghe thẳm một tiếng gọi đò, chẳng biết đến hẹn, người có lại lên không? Nhưng từ trong sâu thẳm của nỗi lòng, ta như nghe được những thao thức tìm về đang cuồn cuộn chảy: “Ai tìm về nguồn sông Thương/ Ai đi từ cuối sông Cầu/ Nghiêng nghiêng… một dòng định mệnh/ Sông Đuống của ta về đâu”.
Còn với nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo- tác giả của “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê” nổi tiếng, dường như Trần Ninh Hồ thủ thỉ hơn trong thâm trầm và góc cạnh: “Sân thượng ở cao quá/ (Cao bởi thói chọc trời!)/ Kéo cày từng thửa… sách...” Trần Ninh Hồ đã rất đúng trong thảng thốt: “Cổ điển hay hiện đại/ Thơ này như sông quê/ Tự do réo đầu thác/ Lục bát hồi xưa về/ Ngồi lo ánh trăng mất/ Lang thang cùng đồng dao/ Tản mạn nhiều thời sống/ Nương thân giữa… ba đào…”
Người làm thơ nào hình như cũng là kẻ “hát rong” đi dọc đường nhân thế. Với “chú em” Trần Đăng Khoa, phát hiện này của Trần Ninh Hồ khiến tôi giật mình: “Đầu bài liều gọi “chú”/ Cái người đã thành “ngài”/ “Chú bảo đã từng nhớ/ Thơ ta ba mươi bài/ Cả tình tang, thế sự/ (Như rượu nhớ… lai rai!)/ … Ít nữa rồi chắc chắn/ Chú sẽ quên dần dần/ Ta tuổi cao chả nhớ/ Đang tìm chốn… rảnh thân! Rảnh thân dễ cô độc?/ Văn vẻ bảo cô đơn?/ Thôi thì cứ phiên phiến/ Chữ nghĩa vốn… chập chờn./ Đã vay từ nhơn thế/ Xin gửi về thế nhơn!”
Là con người rất cá tính nên những câu thơ ông viết về nhà sử học Trần Quốc Vượng cũng giống như là những thước phim quay chậm trong thủ pháp chồng mờ của điện ảnh: “Anh thích nhất bạn bè đến/ Học trò xúm xít kề bên/ Rối rít tay đũa tay chén/ Đón bạn như mừng… trạng nguyên. Phàm có chai nào uống được/ Truyền đem ra trước trận tiền/ Có lúc mắt lại đẫm lệ/ Lặng thinh đóng chặt cửa phòng/ Học trò biết ý làm khẽ “Lại chuyện oan khiên chi đó/ Có khi từ thời - Hùng Vương”. Sử học và thơ ca là như thế chăng, trong những cuộc vui tưởng như không bao giờ dứt giữa chốn trần ai đẫm đầy nước mắt và luôn luôn phải “tỉnh”: “Cứ viết thế phí một đời/ Hay là “Viết vậy mới được/ Vận người cũng như vận nước/ Vui buồn cho nó đến nơi/ Tâm tình thì đừng giả dối/ Văn chương đâu chỉ một thời”.
Nói vậy mà không phải vậy: “Tôi đã thấy có ông cả đời không lần nhấp rượu/ Nhưng sao khi chết rồi, ai cũng rót cúng ông/ Hay có thể chết rồi ông mới uống/ Có phải đấy là điều duy nhất sửa sai không”?!
Đời bao nhiêu thứ cần sửa sai, mà sửa sai làm sao được khi: “Tôi lại thấy có người cả đời một câu thơ không nhớ/ Nhưng những bài điếu, tế, khấn ông thường rất lắm điệu vần/ Những lời tụng đẹp lung linh khiến người sống cũng muốn… chết để hưởng/ Chẳng lẽ khoản thơ kia… ly biệt mới thật cần?”
Giữa bao giả dối, Trần Quang Quý đã từng thốt lên trong “Siêu thị mặt” và hơn một lần nữa Trần Ninh Hồ lại cảnh báo: “Giữa đêm buồn ứa nước mắt/ Buồn chi hay nhớ ai/ Làm được gì nữa nhỉ/ Mỗi tuổi mỗi đêm dài/ Đột nhiên lại thiếp ngủ/ Không biết từ khi nào/ Đột nhiên lại bật thức/ Cứ ngỡ là chiêm bao/ Cố tìm trong mê mệt/ Không thấy giấc mơ nào/ Đêm vẫn đen như mực/ Không trăng và không sao/ Hay là mình đã… chết/ Sao không ai tiễn chào/ Tiễn chào đâu có dễ/ Còn gì đáng gửi trao?”. Tâm trạng này của Trần Ninh Hồ thật giống với tôi trong bài thơ cách nay gần bốn mươi năm được ông biên tập cho đăng trên tờ “Văn nghệ”: “Cái còn lại bị đánh đau/ Cái bỏ đi được bắc cầu cho lên/ Mở ra trang sách tôi tin/ Gấp vào trang sách tôi tìm ở ai”. (Thơ Nguyễn Hưng Hải). Ấy là chuyện gần 40 năm trước, còn bây giờ những câu thơ của ông trong phần 2 của “Những dấu ấn chưa qua”, có tựa đề “Phóng sự thơ” cứ ám vào tôi:“Giữa trăm ngàn hỗn độn/ Ta thường tự nhặt ra/ Những-không-thể-bỏ-qua/ Cho hành trang tiếp tục”.
Đã từng đến Huế đôi ba lần, có lần ở đó cả tháng trời nhưng quả thật chỉ đến khi đọc Trần Ninh Hồ trong “Bất chợt cố đô” tôi mới ngộ ra: “Quyền lực, chà, quyền lực/ Vua chúa thoắt lưu đày/ Tù cả lòng thương nước/ Buồn nào riêng Huế đây”. Oan khuất chồng oan khuất, Huế của mộng mơ từng chính kiến cái ngày “Hoàng đế thành công dân”: “Không thần dân đâu nhé/ Vinh nhục đã bao lần/ Lại những ngày khói lửa/ Điêu tàn muôn điêu tàn/ Vinh quang ràn lệ ứa/ Rưng rưng mờ Hương Giang/ Chói ngời và u uẩn/ Lá rơi vàng sân lăng…”
Còn với Hà Nội thì: “Hồi mới lên sáu thôi, suýt nữa tôi được ra Hà Nội/ Mẹ bảo chơi nhà bác phải ngoan, chớ nghịch ngợm làm phiền”. Bác làm quan, nhà cũng nghèo nhưng nghe mẹ dặn dò, đi phố phải giày dép, không được nặn tò te đất sét, không được đánh khăng, tôi đã hết hồn… May mà khi tôi trốn ra đồng với con nghé, nó đã mừng hếch mõm, cọ mũi vào tôi. Và khi đó “Chị tôi không hiểu sao vừa cắt cỏ vừa khúc khích cười/ Còn bố tôi thì hình như biết trước cả rồi, nên ông vội ngừng cuốc/ Bố bảo cứ ở đấy, bố về nói với mẹ/ Hà Nội thì…biết chữ mới ra chơi!”. Thế mà khi có cả bồ chữ ở Hà Nội, Trần Ninh Hồ và hình như cả Đỗ Chu nữa, lại cứ phải tìm về quê chơi cho khuây khỏa. “Với rượu sen Tây Hồ” hình như đã có lần làm ông không thể về quê như đã hẹn được, vì: “Uống say rồi mới biết/ Lúc tỉnh làm sao say/ Trời và tiên trong rượu/ Đang uống cùng ta đây/ Rượu cốt ủ nghìn hộc/ Hương thơm lừng muôn nơi/ Chén gốm Bát Tràng dốc/ Nước Tây Hồ có vơi ?/ Trăm năm rồi xa vắng/ Liên-tửu còn say nồng/ Chu Thần xưa từng gặng:/ “Sen hay mặt rượu hồng”. Hà Nội vui và say là thế mà sao trong những câu thơ tưởng nhớ một người bạn cựu chiến binh, khi anh ấy còn sống, vợ bỏ lên Hà Nội; Trần Ninh Hồ lại khiến tôi cay tê nơi sống mũi trong cái cảnh tượng này: “Tớ là người ư/ Nghe xóm làng xì xầm/ Ông cười mà quá khóc/ Ngót nửa đời hố hầm/ Cùng ba lô con cóc/ Mấy sào thời “cải cách”/ Cỏ dại ngập lút đầu/ Tái-định-cư cũng cỏ/ Người đi tìm lại đất/ Đất, nhà giờ ở đâu?”
Người ta vẫn thường bảo “chết là hết”, vậy mà sao khi sống, nhiều người tiếc “của giời” thế, tiếc đến nỗi đi đâu cũng “nhặt”, cái gì cũng “nhặt”. Dù biết không mang đi được, nhưng: “Chết rồi vẫn còn tiếc/ Chợt tỉnh. Lại thấy may/ Ồ nếu mang theo hết/ Hẳn là Địa ngục ngay”. Đau là ở chỗ, biết cả mà không ai dám nói, không ai dám làm gì. Dùng “Phóng sự thơ” để gửi đến bạn đọc thông điệp về nhân sinh là chủ ý của Trần Ninh Hồ trong việc phủ sóng lên mọi miền ý thức. Tôi có cảm giác ông đã dùng “sóng ngắn” để chuyển tải thông điệp về thơ, về cõi người, kiếp người, cùng những trải nghiệm của một đời liên tục bị va đập. Những gặp gỡ chỉ thoáng qua, ngỡ chẳng để lại gì, có khi lại để lại những dấu ấn khó phai mờ trong ông, trong thơ ông. Đó là những gặp gỡ của số phận, cũng có khi chỉ là vô tình nhưng không vô thức, bởi ông là người cả nghĩ, và thơ ông là thơ của một người luôn hướng tới cái đẹp. Trong những hồi ức về quê hương, đất nước, về bạn bè, đồng đội và những người thân yêu ruột thịt, hồi ức về mẹ bao giờ cũng sâu đậm và thiêng liêng, ông viết về mẹ mình bằng cả tấm lòng và trách nhiệm của một người con hiếu thảo: “Người già đến viếng mẹ/ Thường an ủi chúng con: / “ Cụ bảy mươi năm tuổi/ Con đàn cháu đống đây/ Bảy mươi xưa nay hiếm/ Phúc, Lộc, Thọ đủ đầy!.../ “Nhưng mẹ ơi, mẹ ơi/ Chưa bao giờ con nghĩ/ Có ngày mẹ mãi xa”. Thưa với mẹ như thế, để rồi lặng đi trong xa xót: “Còn bao giờ được hỏi/ “Mẹ đi bao giờ về.”. Tôi đã ứa nước mắt khi đọc những câu thơ trên của ông, và lòng như cũng trùng xuống trong tự sự này của ông về cha mình: “Nuôi con như… đền nợ nước!/ Một thời gạo chợ, củi sông/ Sách bút đổi bằng thiếu đói/ Con khôn lớn với ruộng đồng/ Sân trường, chiến trường Nam Bắc/ Thương nước phải trải dốc lòng/ Bao năm mịt mù bom đạn/ Bao ngày đứt ruột chờ mong/ Tóc cha rụng cho trán rộng/ Phận nhỏ lo bao nỗi đời!”
Ở bài thơ “Tự ngẫm”, tôi lại như có thêm một nỗi đời khác mà Trần Ninh Hồ đã khắc tác tự mỗi đời bạn bè và tự họa chính mình trong vòng xoáy của thời cuộc. Bài thơ như một giãi bày mang đầy ẩn ức, và đau đớn. Đọc ông tôi bỗng nhớ đến văn Đỗ Chu. Cũng vẫn những cảm khái này, hai ông thật giống nhau ở cái trầm lắng và sâu sắc của người Kinh Bắc. Vì biết mình, biết người, mà các ông đều rất tự trọng, và cũng đầy nhân cách trong triết luận: “Buồn lo đôi khi muốn… chết!/ Tham sinh chi, chúc thọ hoài/ Tiệc tàn. Rượu, nhắm cũng hết/ Dăm bẩy bài vè lai rai/ Thế mà tưởng nghiệp-sử-sách/ Sử hay là tự xử đây?/ Sách, hay chỉ chạy hàng xách/ Tính toan toàn chuyện-qua-ngày/ Bảy mươi rồi, mơ chi mãi/ Đời còn bao sự đổi thay/ Nghĩ đi, hay là…xét lại/ Coi chừng trắng cả hai tay…”
Hãy nghe Trần Ninh Hồ tự bạch trong bài thơ tặng những bạn hữu đồng niên, (cùng sinh năm 1943): “Như số phận, tôi yêu thơ từ bé/ Và nghĩ là không gì đáng yêu hơn!/ Lại có khi chán thơ như thể/ Những vần vơ, vớ vẩn, chập chờn/ Nhưng dẫu vậy, tôi vẫn không ngừng đọc/ Và đôi khi còn chọn ý, tìm vần/ Đến bây giờ đã trắng râu, bạc tóc/ Chính giới, văn trường không mấy hồi âm”. Nghe trong vô vọng ấy, hình như có cả tiếng thông reo và tiếng bước chân Ức Trai trong vườn vải.
Trong những ngày dự hội thảo “Thơ Việt Nam từ năm 1986 đến nay” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, được ở gần ông, nghe ông luận giải nhiều vấn đề về văn chương chữ nghĩa, tôi đã học được rất nhiều từ ông, ở sự đan cài những ý tưởng trong thơ thành tư tưởng, ở cả sự soi chiếu và lật soi các giá trị. Ông cho tôi kiến văn và cái nhìn điềm tĩnh hơn về thời cuộc và cách ứng xử trước mọi va đập của cuộc sống. Kiếp trần ai vốn nhiều thị phi nhưng cũng còn có biết bao điều tươi đẹp khác. Trong những đẹp tươi ấy, tôi cũng như Trần Ninh Hồ may mắn sao luôn có được: “Mảnh vườn em qua ngày đó/ Lá xanh bay theo tóc mềm/ Cỏ xanh tràn theo gót nhỏ/ Bây giờ vườn hóa vô biên”.
Dành cả phần 3 của “Những dấu ấn chưa qua” để gửi tới người đọc những hồi ức đầy mộng mơ và đắm say về “Em” là Trần Ninh Hồ đã ý thức lắm về sự muôn thuở; bởi chỉ có tình yêu mới làm nên sự muôn thuở của tình đời, tình người. Trong bình thản, ông trải lòng mình với “Em” bằng những câu thơ trữ tình đằm thắm, cũng là để nói với chúng ta về sự chẳng bình thường: “Em muốn anh bình thản/ Như muôn đời mặt gương/ Dẫu giai nhân, mỹ nữ/ Soi vào vẫn bình thường!/ Còn anh, anh lại ước/ Vỡ hết gương mọi nhà/ Giữa trời tìm mặt nước/ Soi cá lặn, chim sa!”.
Trong thảng thốt: “Chiều nay tôi ngóng hoài bên cửa/ Không thấy em về. Mưa cứ bay”, tôi như thấy “nắng” từ sau bao lần lỗi hẹn của ông: “Nếu anh đến trước nỗi nhớ/ Cửa nhà chừng phải gõ lâu/ Nếu anh đến trong nỗi nhớ/ Cửa mở hết mọi tầng lầu/ Nếu anh đến sau nỗi nhớ/ Sẽ là khóa lỏng, chìa rơi/ Ôi anh của niềm mong đợi/ Gặp chưa? Sao đã nhớ rồi/ Làm gì có trong, sau, trước/ Chờ cho vợi nỗi mong thôi”. Được chờ mong là một hạnh phúc, bởi chờ mong sẽ làm người ta thêm thương nhớ như chúng ta đang thấp thỏm và hồi hộp trước từng trang hồi ức của Trần Ninh Hồ trong “Những dấu ấn chưa qua”. Thơ vận vào đời ông cũng giống như khi ông trả lời phỏng vấn trên tờ “Tinh Hoa Việt” “Bi kịch của nhà thơ cũng như bi kịch của một triết gia, đều xuất phát từ những nguyên nhân giống nhau. Nếu tư tưởng của nhà thơ hay triết gia nó bảo thủ, lạc hậu quá thì mình không bàn, nhưng nếu nó có tính chất tiên phong, nó có tính dự báo thì nhiều khi sẽ là bi kịch đối với nhà thơ hay triết gia đó. Có thể bị lên giàn thiêu như Bruno hay bị xử ở tòa án giáo hội như Galilê…”
Lặng lẽ hơn 10 năm mới cho xuất bản “Những dấu ấn chưa qua”, như vậy có thể nói, Trần Ninh Hồ là người rất cẩn trọng và đầy trách nhiệm công dân trước ngòi bút của mình; bởi ông luôn nghe được từ phía những cõi lòng và từ chính lòng minh: “Đừng trách đời lơ đãng/ Đời biết bao nỗi niềm/ Ta nghĩ, người đã nghĩ/ Ta yêu, người đã yêu”.Là ngoái lại hay hiện hữu, thì thơ cũng như con người ông luôn “Khát những mặt người ấm áp”, luôn ấm áp những sẻ chia mang đầy “nết đất” của người Kinh Bắc.
Nguyễn Hưng Hải